Ngày 16/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước đã chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch 2021-2030: Hoạch định chiến lược, tạo không gian phát triển mới cho Lào Cai
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước đã chủ trì phiên họp

Xây dựng các quy hoạch: Tạo ra không gian, động lực phát triển mới

Phát biểu khai mạc phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định.

Việc xây dựng các quy hoạch tạo ra không gian, động lực phát triển mới, giá trị gia tăng mới, hiệu quả mới trong quá trình phát triển. Từ đó, xác định các dự án ưu tiên, trọng điểm để triển khai.

"Quy hoạch có tính chất dẫn dắt, chỉ đường và khi chúng ta chọn con đường đi đúng sẽ đi nhanh, hiệu quả, chi phí thấp và mang lại hiệu quả cao. Do vậy, khi lập quy hoạch, tất cả các ngành, địa phương đều phải xác định được định hướng rõ ràng để đi nhanh và bền vững nhất, nếu không sẽ mất rất nhiều thời gian, triệt tiêu các nguồn lực phát triển", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, việc có phát triển nhanh bền vững hay không, có tận dụng được hết tiềm năng lợi thế, vượt qua được các thách thức, tận dụng được các mô hình tiên tiến hay không đều phụ thuộc vào tầm nhìn, tư duy, chất lượng quy hoạch.

Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay, các quy hoạch địa phương đang được tiến hành đồng thời, lần đầu tiên thực hiện theo phương pháp mới, được tích hợp trên một bản quy hoạch quốc gia. Các hướng dẫn về công tác quy hoạch tương đối đầy đủ, các địa phương đang tích cực triển khai.

Vì thế, trong quá trình lập quy hoạch, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ để các quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, liên kết được các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia cả chiều dọc và chiều ngang, bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Quy hoạch thời kỳ 2021-2030: Tạo không gian phát triển mới cho Lào Cai theo hướng bền vững

Lào Cai là tỉnh miền núi biên giới, nằm giữa vùng Đông Bắc và vùng Tây Bắc, tiếp giáp với 4 tỉnh, thành phố: Phía Đông giáp tỉnh Hà Giang, phía Nam giáp tỉnh Yên Bái, phía Tây giáp tỉnh Lai Châu, phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với 182,086 km đường biên giới.

Trong những năm vừa qua, kinh tế tỉnh Lào Cai đã có mức tăng trưởng trưởng ấn tượng 9,4%/năm, quy mô nền kinh tế tăng lên, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp.

Thời gian vừa qua, tỉnh Lào Cai đã nỗ lực, tập trung xây dựng được bản quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Hội đồng thẩm định xem xét.

"Quy hoạch có tính chất dẫn dắt, chỉ đường và khi chúng ta chọn con đường đi đúng sẽ đi nhanh, hiệu quả, chi phí thấp và mang lại hiệu quả cao. Do vậy, khi lập quy hoạch, tất cả các ngành, địa phương đều phải xác định được định hướng rõ ràng để đi nhanh và bền vững nhất, nếu không sẽ mất rất nhiều thời gian, triệt tiêu các nguồn lực phát triển", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng mong muốn các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia tập trung trao đổi, thảo luận, cho ý kiến để tỉnh Lào Cai phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, bố trí được không gian phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, giúp tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030.

Phát biểu tại phiên họp, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẳng định, một trong những nhân tố giúp Lào Cai phát triển nhanh là do tỉnh luôn quan tâm thực hiện công tác quy hoạch, khơi thông các nguồn lực tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

"Bước vào thời kỳ phát triển mới, tỉnh Lào Cai đã tập trung chỉ đạo, xây dựng Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoạch định chiến lược, tạo không gian phát triển mới cho địa phương theo hướng bền vững", ông Trường nói.

Ông Trường cũng chia sẻ qua về những nội dung và định hướng cơ bản của Quy hoạch tỉnh Lào Cai.

Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh Lào Cai gồm 5 phần, 773 trang, 79 biểu bảng và hệ thống bản đồ.

Quan điểm phát triển tỉnh Lào Cai là trở thành 1 cực tăng trưởng và trung tâm kết nối các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc và các nước ASEAN. Đến năm 2030, GRDP/người tỉnh Lào Cai phấn đấu đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có GRDP/người cao nhất cả nước; thu nhập bình quân đầu người đứng trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Đến năm 2050, xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước.

Quy hoạch 2021-2030: Hoạch định chiến lược, tạo không gian phát triển mới cho Lào Cai
Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẳng định, một trong những nhân tố giúp Lào Cai phát triển nhanh là do Tỉnh luôn quan tâm thực hiện công tác quy hoạch

Báo cáo quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra 11 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, 7 mục tiêu văn hóa, 9 mục tiêu môi trường. Tỉnh xác định: Một trục động lực; Hai cực phát triển; Ba vùng kinh tế; Bốn trụ cột tăng trưởng; Năm nhiệm vụ trọng tâm.

Trục động lực phát triển dọc sông Hồng kết nối với 9 tỉnh, thành phố ở hạ lưu; trùng với hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Nội hàm là quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, chuỗi đô thị, các trung tâm sản xuất, dịch vụ có vai trò liên kết 3 vùng kinh tế của tỉnh, kết nối vùng, liên vùng.

Hai cực phát triển gồm: Cực phía Bắc kết nối Việt Nam và ASEAN với Tây Nam - Trung Quốc; cực phía Nam kết nối với các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và khu vực ASEAN.

Thông qua việc phát triển trục động lực sông Hồng và 2 cực phát triển, Lào Cai sẽ trở thành điểm hội tụ văn hoá, hội tụ doanh nghiệp, trung tâm kết nối khu vực và quốc tế; cụ thể là kết nối với thị trường Tây Nam - Trung Quốc. Đây là thị trường hơn 400 triệu dân, có nhu cầu lớn với nhiều loại hàng hoá, dịch vụ thế mạnh của Việt Nam; có nhu cầu thông qua hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh để ra các cảng biển.

Ba vùng phát triển gồm: Vùng thấp, gồm các huyện Văn Bàn, Bảo Yên: tập trung phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, du lịch. Vùng cao: gồm các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương; thị xã Sa Pa và một phần của huyện Bát Xát; tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, du lịch nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên, văn hoá tộc người… Vùng trung tâm: gồm thành phố Lào Cai, Bảo Thắng và một phần của huyện Bát Xát; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ - thương mại mà trọng tâm là kinh tế cửa khẩu.

Bốn trụ cột tăng trưởng gồm kinh tế cửa khẩu, du lịch, nông lâm nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo.

Năm nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; Phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng; Hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá con người Lào Cai.

Quy hoạch 2021-2030: Hoạch định chiến lược, tạo không gian phát triển mới cho Lào Cai
Định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2030

26/26 thành viên Hội đồng thẩm định đồng ý thông qua Quy hoạch tỉnh Lào Cai

Thay mặt các thành viên hội đồng, ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các thành viên Hội đồng thẩm định và cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định đều nhất trí nội dung quy hoạch tỉnh được lập phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Lào Cai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về việc tích hợp các nội dung quy hoạch do các ngành và địa phương liên quan được phân công thực hiện, các thành viên Hội đồng thẩm định và cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định đề nghị cần làm rõ hơn sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong lập quy hoạch. Rà soát các nội dung tích hợp để đảm bảo có sự thống nhất giữa các quan điểm, mục tiêu phát triển, bố trí không gian phát triển và giải pháp thực hiện quy hoạch; xem xét bổ sung nội dung cần tích hợp vào phương án phát triển ngành, lĩnh vực đảm bảo tính khái quát cao nhưng vẫn đầy đủ các nội dung cơ bản phục vụ cho công tác quản lý sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt.

Một số thành viên Hội đồng thẩm định và cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định cũng tham gia ý kiến về quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển; phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn tỉnh; phương án quy hoạch hệ thống đô thị; phương án phát triển hệ thống khu kinh tế; khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu du lịch và các khu chức năng.

Qua bỏ phiếu đánh giá, 26/26 thành viên Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch 2021-2030: Hoạch định chiến lược, tạo không gian phát triển mới cho Lào Cai
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo tại phiên họp

Định hướng rõ ràng để đi nhanh và bền vững nhất

Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước đánh giá cao sự quan tâm của tỉnh Lào Cai trong xây dựng quy hoạch, Tỉnh đã chủ động tích hợp các nội dung đề xuất theo hướng phát triển hài hòa các ngành, lĩnh vực, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, liên kết.

Bộ trưởng đề nghị tỉnh Lào Cai chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu lập quy hoạch tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tại phiên họp; coi đây là cơ hội để có bản quy hoạch chất lượng, có tầm nhìn dài hạn, tạo động lực phát triển trong thời gian tới.

Bộ trưởng lưu ý, phải đặt quy hoạch tỉnh Lào Cai trong bối cảnh mới gắn với các định hướng lớn của Chính phủ về phát triển khu vực biên giới, Khu du lịch quốc gia Sa Pa, cảng hàng không; quy hoạch phải làm nổi bật các tiềm năng, vị thế, hướng đột phá, đặt trong tổng thể quy hoạch vùng và cả nước.

Đồng thời, làm rõ hơn phần đánh giá, đâu là nút thắt, điểm nghẽn trong quá trình phát triển, ví dụ như hạ tầng, nguồn nhân lực, cơ cấu của các ngành kinh tế; việc gắn kết giữa đánh giá thực trạng với đề xuất phương án, giải pháp; kịch bản phát triển có nhiều khát vọng nhưng phải luận chứng tính khả thi; cần có những phương án quy hoạch sáng tạo, đột phá với những trụ cột đã lựa chọn trong kỳ quy hoạch.

Về căn cứ lập quy hoạch, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết Đại hội của tỉnh, các chiến lược, mô hình mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26…, từ đó xây dựng quy hoạch phù hợp với xu thế, bối cảnh, yêu cầu mới, đưa ra tầm nhìn mang tính chiến lược, dài hạn, tạo động lực mới cho Tỉnh.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến các vấn đề về quan điểm phát triển; liên kết vùng, cần làm rõ việc gắn kết với vùng Thủ đô và các tỉnh xung quanh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc; quan điểm phát triển là phải tiết kiệm tài nguyên, chú trọng phát triển du lịch; nâng cao chất lượng đời sống, tạo việc làm cho người dân; các khu công nghiệp; các dự án ưu tiên…

Tỉnh Lào Cai cũng cần bổ sung, đưa ra các giải pháp cụ thể tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng, nhân lực, làm rõ các điều kiện cần thiết để thực hiện quy hoạch khi được phê duyệt.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh, trong quan điểm phát triển, tỉnh Lào Cai cần xác định vị trí cầu nối của tỉnh với thị trường Tây Nam - Trung Quốc là lợi thế cạnh tranh rất lớn, vì thế cần đưa ra định hướng phát triển kinh tế cửa khẩu thật rõ nét. Cùng với đó, cần giải quyết hài hòa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống…

Trên cơ sở các ý kiến góp ý và kết luận của Chủ tịch Hội đồng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tỉnh Lào Cai tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định, hoàn thiện các thủ tục, quy trình để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đảm bảo tiến độ./.