Tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chiều ngày 14/2/2023, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch tỉnh Hà Giang là quy hoạch thứ 23 trình Hội đồng thẩm định, trong bối cảnh thuận lợi, khi Quy hoạch tổng thể quốc gia cùng các nghị quyết phát triển 6 vùng được ban hành.

Quy hoạch thời kỳ 2021-2030: Mở ra những cơ hội và định hình các giá trị mới cho Hà Giang
Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng Quy hoạch là cơ hội cho tỉnh đánh giá lại, sắp xếp lại không gian phát triển, tạo cơ hội mới, động lực mới, xung lực mới mang tính đột phá cho Hà Giang.

Cần xây dựng một bản quy hoạch có tư duy, tầm nhìn, không gian, động lực, giá trị mới

Bộ trưởng nhấn mạnh, công tác quy hoạch có vai trò hết sức quan trọng, nếu không chọn được cách tiếp cận đúng, không xác định được định hướng đúng, cách đi, đích đến, thời gian đến và phương thức thực hiện, thì không thể phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong thời điểm có nhiều khó khăn thách thức.

Vấn đề là làm sao đánh giá hết tiềm năng, phát hiện khó khăn thách thức, đặt trong bối cảnh mới, điều kiện mới để tìm hướng đi mang tính đột phá để phát triển nhanh, bền vững, phù hợp xu thế đang chuyển dịch của quốc tế, phù hợp chủ trương của Đảng, Chính phủ.

Theo Bộ trưởng, Hà Giang là tỉnh địa đầu tổ quốc, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, có nhiều tiềm năng lợi thế, khó khăn thách thức cũng không nhỏ. Vì thế, Hà Giang cần phát huy tinh thần chủ động kiến tạo, biến thách thức thành tiềm năng cơ hội mới.

Về giao thông, Bộ trưởng chỉ rõ, Hà Giang chỉ có đường bộ, con đường độc đạo Quốc lộ 2, còn lại là đồi núi hiểm trở, khó kết nối với các trung tâm lớn, các vùng động lực. Đất chủ yếu là đồi núi, Hà Giang có khoảng 50% diện tích đất không sử dụng được.

Về nguồn nhân lực, 89% đồng bào dân tộc, "chất lượng nguồn nhân lực như vậy làm sao đáp ứng được", Bộ trưởng chia sẻ. Bên cạnh đó, quy môn nền kinh tế rất nhỏ, công nghiệp, nông nghiệp ko có gì, du lịch còn sơ khai, có cửa khẩu nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Chỉ rõ Hà Giang còn hạn chế yếu kém, khó khăn rất nhiều, Bộ trưởng cho rằng, việc xây dựng Quy hoạch là cơ hội cho tỉnh đánh giá lại, sắp xếp lại không gian phát triển, tạo cơ hội mới, động lực mới, xung lực mới mang tính đột phá cho Hà Giang.

"Chỉ rõ Hà Giang dựa vào đâu, cách đi thế nào, bao giờ đến đích? Sắp tới tập trung cái gì? Có phải hạ tầng không, đương nhiên là hạ tầng thì phải rõ hạ tầng gì? Tôi đang nghĩ nhiều đến sân bay để phát triển kinh tế biên mậu. Nếu có sân bay, cao tốc ra đến cửa khẩu, thì phải tiếp cận từ đó tạo ra cái mới, chứ không phải dựa trên cái sẵn có", Bộ trưởng nêu quan điểm.

Về nội dung góp ý cho Quy hoạch tỉnh hôm nay, Bộ trưởng cho rằng: "Không được quá chung chung, nhưng cũng không được quá chi tiết, vì sau này sẽ bị bó chân bó tay, khó điều chỉnh. Làm thế nào đúng bản chất một bản quy hoạch, có tư duy, tầm nhìn, không gian, động lực, giá trị mới".

Quy hoạch thời kỳ 2021-2030: Mở ra những cơ hội và định hình các giá trị mới cho Hà Giang
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, ông Đặng Quốc Khánh chỉ rõ, Quy hoạch cần giải quyết được những khó khăn của tỉnh.

Dù tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng "không vì thế mà không có khát vọng lớn"

Làm rõ hơn về nhiệm vụ và mục tiêu của bản Quy hoạch, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, ông Đặng Quốc Khánh chỉ rõ, Quy hoạch cần giải quyết được những khó khăn của tỉnh.

Thứ nhất là làm thế nào để giải quyết các khó khăn, trong đó tập trung bảo vệ địa đầu Tổ quốc, biên cương, phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh.

Thứ hai là giữ dân, Hà Giang có 19 dân tộc anh em, trong đó, dân tộc Mông là 33%, nhưng họ lại có tập quán di cư. Giờ phải làm thế nào để giữ họ, để mỗi người dân là một cột mốc biên cương.

Thứ ba là giữ sinh thái. Nếu Hà Giang cho khai khác mỏ, thủy điện thì trả giá môi trường không chỉ Hà Giang mà còn theo dòng sông Lô xuống hạ nguồn.

Thứ nữa là làm sao để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. 19 dân tộc sống đoàn kết, mỗi dân tộc có bản sắc riêng, tạo bản sắc riêng cho Hà Giang hấp dẫn du khách.

Dù tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng Bí thư Đặng Quốc Khánh khẳng định: "không vì thế mà không có khát vọng lớn". Để làm được điều đó phải có tư duy mới. Vì thế, Bí thư cho biết, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh.

Trong lĩnh vực du lịch, ông Khánh cho biết, Hà Giang không lựa chọn việc xây dựng ồ ạt các khu nghỉ dưỡng mà hướng đến phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, gắn với thiên nhiên, lồng ghép bản sắc văn hóa địa phương.

Để phát triển du lịch, cũng như kinh tế biên mậu của tỉnh, Bí thư Đặng Quốc Khánh cho biết, đơn vị tư vấn quy hoạch của tỉnh cũng đã nghiên cứu phương án xây dựng sân bay lưỡng dụng để máy bay A320, A321 có thể cất, hạ cánh trên diện tích đất khoảng 500 ha.

Thời gian qua, Hà Giang tập trung vào 3 đột phá chính. Thứ nhất là tập trung vào hạ tầng; Thứ hai là nông nghiệp gắn với du lịch, bản sắc văn hóa địa phương. Trước chỉ đón khoảng 500 nghìn khách/năm, giờ đã lên 2,3 triệu khách vào năm 2022. Thứ ba là tạo sinh kế cho người dân.

"Sinh kế lồng ghép các chương trình của Trung ương, của địa phương, đặc biệt là thay đổi tư duy. 3 năm qua, đã làm 6.700 căn nhà cho người dân, xóa bỏ toàn bộ nhà tạm vùng biên giới", ông Khánh cho hay.

Bí thư cũng khẳng định, Quy hoạch tỉnh Hà Giang là một nội dung rất quan trọng của tỉnh, là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị, hội nhập, đối ngoại phát triển; khơi dậy, xác định rõ tiềm năng lợi thế của con người về mảnh đất Hà Giang nơi cực Bắc của Tổ quốc với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, với nhiều bản sắc văn hóa truyền thống có giá trị trong phát triển du lịch đồng thời với khí hậu và thổ nhưỡng riêng có để sản xuất sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị.

"Quy hoạch là cái gốc để phát triển trong tương lai dài hạn, là cái gốc, chứ không phải nhiệm kỳ. Nó là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển, là tiền đề để Hà Giang thực hiện mục tiêu từ một tỉnh còn nhiều khó khăn chậm phát triển từng bước trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc", ông Khánh nêu rõ quan điểm.

Quy hoạch thời kỳ 2021-2030: Mở ra những cơ hội và định hình các giá trị mới cho Hà Giang
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Hữu Tuấn

Quy hoạch tỉnh Hà Giang 2021-2030 thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới

Về nội dung Quy hoạch, Chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho hay, Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bản quy hoạch được lập theo cách tiếp cận tích hợp, đa ngành theo quy định của Luật Quy hoạch, nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã được Bộ Chính trị chỉ đạo tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022.

Quy hoạch tỉnh Hà Giang được chuẩn bị công phu, bài bản, nghiêm túc, tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch. Quá trình triển khai lập quy hoạch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã chỉ đạo UBND tỉnh Hà Giang tổ chức xin ý kiến 17 Bộ, cơ quan Trung ương; 13 tỉnh trong Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, các chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh Hà Giang cũng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức 02 Hội thảo xin ý kiến đối với dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) của quy hoạch tỉnh Hà Giang. Trên cơ sở ý kiến tham gia góp ý, UBND Tỉnh đã tiếp thu, hoàn thiện Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh.

Các chỉ tiêu phát triển đến năm 2030

- Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt trên 8%/năm; trong đó giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân 8%/năm và giai đoạn 2026-2030 đạt bình quân trên 8%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Ngành nông - lâm - thủy sản khoảng 22%; Ngành công nghiệp - xây dựng khoảng 29%; Ngành dịch vụ khoảng 44%; Thuế và trợ cấp khoảng 5%.

- Tổng sản phẩm bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 95 triệu đồng, tương đương 3.400 USD, bằng 45% so với cả nước.

- Tăng trưởng của các ngành kinh tế giai đoạn 2021 2030: Ngành nông - lâm - thuỷ sản tăng trưởng trên 5,5%/năm; công nghiệp - xây dựng trên 9%/năm; dịch vụ trên 9%/năm.

- Năng suất lao động tăng bình quân trên 6,5%/năm trong giai đoạn 2021-2025, tăng trên 7%/năm trong giai đoạn 2026-2030. Cả giai đoạn 2021-2030, tăng trưởng năng suất lao động đạt khoảng 7%/năm.

- Thu ngân sách trên địa bàn: Đến năm 2030, đạt 6.000 tỷ đồng.

- Nhu cầu huy động vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2030 trên 132 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 5,2 tỷ USD. Tỷ lệ đầu tư trên GRDP bình quân khoảng 30%/năm.

- Khách du lịch năm 2030 đạt khoảng 5,0 triệu lượt người.

- Duy trì độ che phủ rừng đạt 60%;

- Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2025 giàm còn 24% và đến 2030 còn 10%.

Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nội dung thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030; từ đó mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Hà Giang trong thời kỳ quy hoạch.

Ông Sơn cho biết, Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm phát triển theo hướng xanh và bền vững, trên cơ sở phát huy nội lực của Tỉnh cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Trung ương và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển.

Tăng cường đẩy mạnh liên kết phát triển các tiểu vùng và tăng cường mở cửa, hội nhập; tận dụng tốt nhất cơ hội, thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực để tạo ra đột phá, lợi thế so sánh. Chuyển dịch mô hình kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo lợi thế so sánh cũng như việc tận dụng tối đa công nghệ số để tiếp cận, kết nối giữa các thị trường trong nước và quốc tế.

Tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện sinh kế cho người dân và an sinh xã hội, y tế; giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trong đồng bào dân tộc của tỉnh, thúc đẩy giảm nghèo; đẩy mạnh tiến bộ và công bằng xã hội; bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử-văn hóa và cách mạng; coi trọng phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, đời sống và kết cấu hạ tầng vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, các vùng khó khăn và chậm phát triển.

Quy hoạch cũng đưa ra 4 trụ cột tăng trưởng, 3 khâu đột phá trong phát triển của Tỉnh thời gian tới. Theo đó, Hà Giang sẽ ưu tiên phát triển 06 cụm ngành, lĩnh vực quan trọng (Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; Phát triển du lịch; Phát triển kinh tế biên mậu; Ngành công nghiệp - xây dựng; Các ngành dịch vụ; Ngành giáo dục và đào tạo); Tập trung vào 04 trụ cột tăng trưởng (Hạ tầng giao thông và hạ tầng số; Du lịch sinh thái và đẳng cấp; Hình thành chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; Đô thị bản sắc và hiện đại).

Tỉnh sẽ tập trung 03 khâu đột phá. Thứ nhất, phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông (đường cao tốc, sân bay…), hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng số. Ưu tiên nguồn lực để xây dựng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang kết nối đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, quy mô quy hoạch 4 làn xe; xây dựng tuyến nối đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai với Hà Giang (đến địa phận huyện Bắc Quang), quy mô quy hoạch 4 làn xe. Thứ hai, phát triển du lịch bản sắc, đẳng cấp; phát triển nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao sản xuất theo chuỗi giá trị. Thứ ba, tạo sinh kế, giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Về không gian phát triển, Quy hoạch xác định 04 cực phát triển, tăng trưởng (Thành phố Hà giang và huyện Vị Xuyên - phát triển đô thị, kinh tế biên mậu, dịch vụ; Cao nguyên đá Đồng Văn - phát triển du lịch; huyện Bắc Quang và huyện Quang Bình - phát triển công nghiệp, nông lâm nghiệp; huyện Hoàng Su Phì và huyện Xín Mần - phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch). 04 trục động lực tăng trưởng được đưa ra, gồm:

Trục động lực kinh tế đô thị (cấp tỉnh) - thương mại, dịch vụ - cửa khẩu quốc tế - du lịch: Liên kết phát triển toàn bộ khu vực động lực trung tâm tỉnh; kết nối Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Thanh Thuỷ với các huyện Vị Xuyên, TP. Hà Giang, huyện Bắc Quang;

Trục động lực kinh tế biên mậu - du lịch - đô thị (cấp huyện): Liên kết phát triển các khu vực cửa khẩu, lối mở dọc tuyến biên giới; các đô thị trung tâm tăng trưởng khu vực phía Tây và phía Bắc của tỉnh; Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và các khu, cụm, điểm du lịch chính của tỉnh;

Trục động lực kinh tế đô thị - dịch vụ - công nghiệp: Liên kết phát triển phát triển các đô thị trung tâm tăng trưởng khu vực phía Nam với các khu vực khai thác lâm sản, nông nghiệp, khoáng sản, công nghiệp;

Trục động lực kinh tế du lịch - dịch vụ: Liên kết phát triển các khu, cụm, điểm du lịch và các đô thị trung tâm tăng trưởng khu vực phía Đông tỉnh).

Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2003, tầm nhìn đến năm 2050 áp dụng công nghệ để xây dựng cơ sở dữ liệu cho quy hoạch tỉnh.

"Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2003, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang, đảm bảo nhanh và bền vững", ông Sơn khẳng định.

3 kịch bản phát triển cho Hà Giang giai đoạn 2021-2030

Quy hoạch đưa ra 3 kịch bản phát triển cho Hà Giang gồm: (1) Kịch bản xu hướng; (2) Kịch bản phấn đấu; (3) Kịch bản thuận lợi. Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011-2020 và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cũng như tính khả thi của mỗi kịch bản phát triển, UBND tỉnh đề xuất lựa chọn là kịch bản 2 (kịch bản phấn đấu) do những lý do sau đây:

- Đối với Kịch bản 1, ưu điểm lớn là nhu cầu huy động vốn đầu tư phát triển không quá cao (khoảng 100 nghìn tỷ đồng). Theo xu hướng hiện tại, Hà Giang hoàn toàn có khả năng huy động được lượng vốn này. Bên cạnh đó, hệ số ICOR không cải thiện nhiều, áp lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh không quá lớn. Kịch bản phát triển này còn hàm ý điều hành chính sách của tỉnh Hà Giang cơ bản tập trung vào khai thác các tiềm năng, lợi thế hiện tại.

- Đối với Kịch bản 2, điều kiện để đạt được kịch bản này là cần huy động vốn (khoảng 132.000 tỷ đồng), cải thiện hiệu quả sử dụng vốn cũng như phát triển các ngành kinh tế. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang kết nối đến cửa khẩu Thanh Thủy hoàn thành đúng tiến độ trong giai đoạn 2022-2030. Đưa sân bay Hà Giang vào quy hoạch và kêu gọi đầu tư. Khả năng phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng là khả thi nhờ tiềm năng, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng và các chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp có hiệu quả trong giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, tiềm năng phát triển du lịch được xem là tiềm năng lợi thế cần được ưu tiên khai thác và là động lực phát triển, có điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư khai thác.

- Kịch bản 3 có tốc độ tăng trưởng cao nhất nhưng phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài, cụ thể là đầu tư của Trung ương cho nhiều kết nối giao thông giữa tỉnh Hà Giang và các tỉnh lân cận như cao tốc, sân bay, các tuyến quốc lộ qua tỉnh Hà Giang.

"Kịch bản 2 là phương án lựa chọn hợp lý đối với tỉnh Hà Giang trong giai đoạn sắp tới do đạt được hai mục tiêu chính là tăng trưởng hợp lý và bền vững", ông Sơn cho biết./.