Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu những vấn đề trên tại Hội nghị thẩm định hồ sơ Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra sáng 12/6 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh cần làm nổi bật vị thế, vai trò của Thành phố đối với vùng, quốc gia
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Minh Trang

TP. Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với 5 khó khăn, thách thức

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt của cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới; là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; là đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Thành phố chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số 9,2 triệu người chiếm khoảng 9% dân số cả nước, nhưng đóng góp gần 20% GDP và 25% thu ngân sách cả nước; GRDP của thành phố chiếm khoảng 54% GRDP của vùng Đông Nam Bộ.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, Bộ trưởng thẳng thắn chỉ rõ, Thành phố đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đó là:

Thứ nhất, tiềm năng, thế mạnh, năng lực đột phá, sáng tạo của Thành phố chưa được khai thác hiệu quả. Vai trò đầu tàu, động lực dẫn dắt có chiều hướng chững lại trong những năm gần đây.

Thứ hai, mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế của Thành phố chậm đổi mới; tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP thấp hơn trung bình cả nước, có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây. Chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động thấp (đóng góp của Năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) giai đoạn 2011-2020 vào tăng trưởng của Thành phố thấp hơn trung bình cả nước). Tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm dần (từ 25% năm 2015 xuống 22,06% năm 2022); cơ cấu nội ngành công nghiệp lạc hậu, dựa chủ yếu vào các ngành thâm hụt lao động như điện tử (28%), da giầy (25%). Dịch vụ chủ yếu dựa vào thương mại, vận tải (44%); các ngành dịch vụ cao cấp mang tính chiến lược như: tài chính, y tế, giáo dục, du lịch… chưa đóng vai trò chủ đạo.

Thứ ba, tổ chức không gian phát triển còn nhiều bất cập; hạ tầng chưa đồng bộ; quỹ đất phát triển công nghiệp ít, không gian phát triển các KCN chưa phù hợp, dẫn tới việc thu hút đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp còn gặp khó khăn. Hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng giữa TPHCM với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng kinh tế của cả nước còn hạn chế. Cần có cơ chế, chính sách và đầu tư hạ tầng phù hợp để duy trì lợi thế cửa ngõ quốc tế của Thành phố HCM khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.

Thứ tư, kết cấu hạ tầng đô thị bị quá tải so với sự gia tăng nhanh của dân số; hạ tầng khung đô thị, đặc biệt là hạ tầng ngầm chậm được phát triển, dẫn đến chất lượng sống của người dân đô thị chưa cao. Vấn đề về tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và ngập lụt ngày càng gia tăng trong bối cảnh tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Thứ năm, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị còn nhiều hạn chế; cấu trúc không gian đô thị chưa phù hợp với một đô thị cực lớn và siêu thành phố trong tương lai, chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế của một đô thị ven sông, hướng biển.

Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh được lập và hoàn thiện trong bối cảnh có nhiều thuận lợi

Bộ trưởng cho biết, đến nay, công tác lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia cơ bản đã hoàn thành; hiện có 90/111 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được quyết định hoặc phê duyệt (trong đó có 58/63 quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 được phê duyệt đã xác định rõ định hướng phát triển và không gian phát triển của cả nước và từng vùng; đồng thời đã xác định rõ định hướng và lộ trình đầu tư hệ thống hạ tầng khung của quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại; đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc kết nối giữa các vùng, miền và địa phương. Các quy hoạch được phê duyệt cũng là căn cứ quan trọng để các địa phương triển khai việc xúc tiến, thu hút đầu tư các chương trình, dự án, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của các địa phương.

Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh được lập và hoàn thiện trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, đó là:

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh;

Thủ tưởng Chính phủ đã phê duyệt các quy hoạch ngành quốc gia (nhất là các quy hoạch về hạ tầng giao thông, điện, năng lượng, thuỷ lợi…) đã được và Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 205. Đây là những định hướng quan trọng để Thành phố Hồ Chí Minh cụ thể hóa thành những khát vọng phát triển thông qua quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030.

Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh cần làm nổi bật vị thế, vai trò của Thành phố đối với vùng, quốc gia
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Minh Trang

Cần có những đột phá và giải pháp gì để quy hoạch đảm bảo tính khả thi?

Để giúp TP. Hồ Chí Minh hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch có chất lượng cao nhất, Bộ trưởng đề nghị các đồng chí thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia phản biện cho ý kiến về nội dung Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó lưu ý về vị thế, vai trò của Thành phố đối với vùng, quốc gia; Xác định các “điểm nghẽn” phát triển và tiềm năng, lợi thế, cơ hội của Thành phố trong kỳ quy hoạch.

“Nội dung Quy hoạch đã đủ mạnh, tương xứng với mục tiêu phát triển đầy tham vọng và những vấn đề, thách thức rất lớn mà TP. Hồ Chí Minh phải đối mặt và vượt qua trong thời gian tới hay chưa? Những vấn đề trọng tâm, các khâu đột phá trong thời gian tới là gì?”, Bộ trưởng đặt vấn đề và lưu ý rằng, việc luận chứng để chọn kịch tăng trưởng 8,5-9,0%, trong đó giai đoạn 2026-2030 là 9,5-10% cũng là thách thức rất lớn đối với Thành phố, cần có những đột phá và giải pháp gì để quy hoạch đảm bảo tính khả thi (trong khi tỷ trọng cơ cấu khu vực công nghiệp và xây dựng rất khiêm tốn, đến năm 2030, chỉ chiếm 26,3-27,3%, tăng không đáng để so với năm 2020 là 25%).

“Việc bố trí không gian phát triển của Thành phố đã phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch vùng chưa; đã khai thác được hết những tiềm năng, lợi thế, tạo động lực tăng trưởng mới nhằm khắc phục được những tồn tại, hạn chế của thời kỳ trước hay chưa?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi và lưu ý rằng, TP. Hồ Chí Minh có 2 hồ sơ quy hoạch cùng trình là Quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh và Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh. Hai hồ sơ quy hoạch này được thực hiện theo Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị. Bởi vậy, cần có sự thống nhất về: quy mô dân số, định hướng phân bổ không gian, phân khu chức năng, hệ thống đô thị và nông thôn.

Về phương án phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, Bộ trưởng lưu ý đến việc phát triển, sử dụng hiệu quả không gian ngầm, hạ tầng giao thông để giải quyết các vấn đề về ùn tắc giao thông trong đô thị; phát triển hạ tầng số. Giải quyết các vấn đề về ngập úng, ô nhiễm môi trường; đặc biệt là ô nhiễm không khí, bụi mịn khi Hồ Chí Minh đang thuộc nhóm các thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới. Vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước, làm thế nào để Hồ Chí Minh đủ nước sạch phục vụ cho cư dân khi nhu cầu sử dụng nước sạch của cư dân ngày càng tăng.

Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh cần làm nổi bật vị thế, vai trò của Thành phố đối với vùng, quốc gia
Ông Phan Văn Mãi - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định, công tác quy hoạch có ý nghĩa rất lớn trong việc định hình và xây dựng các kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Minh Trang

Về bố trí không gian phát triển các khu công nghiệp, Bộ trưởng đề nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh rà soát phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2025 theo đúng chỉ tiêu đất khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 và Quyết định số 227/QĐ-TTg ngày 12/3/2024.

Về các vấn đề xã hội, Bộ trưởng cho rằng, Báo cáo quy hoạch cần tập trung vào vấn đề phát triển bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và vấn đề an sinh xã hội, giải quyết điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn.

Tại Hội nghị, ông Phan Văn Mãi - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, công tác quy hoạch có ý nghĩa rất lớn trong việc định hình và xây dựng các kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong từng lĩnh vực nói riêng.

“Trong thời gian qua; với nhận thức như trên, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung đôc đốc triển khai công tác lập quy hoạch Thành phố”, ông nói.

Dự thảo Báo cáo quy hoạch tập trung thể hiện rõ các định hướng phát triển của Thành phố trên 05 nội dung: (i) Kinh tế xanh; (ii) Đô thị sáng tạo; (iii) Hạ tầng thông minh; (iv) Xã hội văn minh; (v) Môi trường bền vững.

Chủ tịch UBNT TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, bước đầu Thành phố cũng đã có kết quả tương đối tốt thể hiện ở dự thảo Báo cáo quy hoạch Thành phố cơ bản bám sát, đảm bảo phù hợp về mặt định hướng trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và gần đây nhất là Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050./.

Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh 2021-2030: Tạo không gian, động lực và những giá trị mới cho Thành phố Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh 2021-2030: Tạo không gian, động lực và những giá trị mới cho Thành phố

Phát biểu chủ trì Hội thảo tham vấn quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 28/2, Bộ ...

TP. Hồ Chí Minh hướng đến khu đô thị xanh - những việc cần làm ngay TP. Hồ Chí Minh hướng đến khu đô thị xanh - những việc cần làm ngay

Rồng xanh – sông Sài Gòn là tác phẩm kiến trúc thiên nhiên và văn hóa là biểu tưởng thiên nhiên, quý giá, là niềm ...