Quyền tự do kinh doanh vẫn bị hạn chế đáng kể
Đây là nhận định của TS. Nguyễn Đình Cung nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại hội thảo 20 năm Luật Doanh nghiệp: Thành tựu, bài học và yêu cầu cải cách tổ chức ngày 18/11.
Hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá 20 năm thi hành Luật Doanh nghiệp, những thành tựu đạt được, bài học kinh nghiệm và nhận diện các vấn đề cần tiếp tục cải cách, trong khuôn khổ Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Chính phủ Đức tài trợ qua Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) phối hợp với CIEM tổ chức.
Toàn cảnh buổi hội thảo.
Môi trường kinh doanh có những cải thiện rõ rệt
Nhìn lại lịch sử hình thành Luật doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, năm 1991, Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty là luật đầu tiên của kinh tế thị trường Việt Nam với tinh thần và triết lý bao trùm là “đã kinh doanh, phải xin phép” và “có phép mới được quyền kinh doanh”… và 2 giai đoạn để thành lập một doanh nghiệp đó là xin phép thành lập và đằn ký kinh doanh.
Đến năm 1999, Luật Doanh nghiệp ra đời đã thay đổi toàn bộ, căn bản triết lý và khung tư duy của Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty (1991). Luật Doanh nghiệp (1999) nhằm bảo vệ quyền tự do kinh doanh; giảm chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp; đảm bảo an toàn, quyền và tài sản trong kinh doanh được pháp luật bảo vệ; giảm, thu hẹp và loại bỏ rủi ro từ chính sách, thể chế và thực thi pháp luật.
Qua 20 năm, Luật Doanh nghiệp đã trải qua 2 lần sửa đổi, thay thế (năm 2005 và 2014) Luật Doanh nghiệp đã có một số cải cách cụ thể theo xu hướng tốt hơn, môi trường kinh doanh đã có những cải thiện rõ rệt, như: quy định cụ thể danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề có điều kiện; và chỉ Quốc hội mới có quyền quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện; Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội ban hành điều kiện kinh doanh tương ứng. Đồng thời, bỏ ghi ngành nghề kinh doanh; bỏ yêu cầu bắt buộc có con dấu; quyền tự do kinh doanh nhìn chung đã đạt được và liên tục gia tăng…
Luật sư Nguyễn Hưng Quang cũng cho biết, trước khi Luật doanh nghiệp (1999) có hiệu lực, việc thành lập 1 công ty hay 1 doanh nghiệp tư nhân phải mất trung bình từ 3-6 tháng, thậm chí đến gần 1 năm với rất nhiều loại giấy tờ. Với những quy định pháp luật thời kỳ đó, có những giấy tờ rất khó khăn khi thực hiện, như: bản giải trình về biện pháp bảo vệ môi trường, giấy tờ chứng thực về trụ sở giao dịch, xác nhận của ngân hàng về vốn điều lệ… Nhưng sau khi Luật Doanh nghiệp chính thức có hiệu lực, thì các thủ tục hành chính đã liên tục được được cắt giảm để người dân, doanh nghiệp thuận tiện trong việc gia nhập thị trường, áp dụng thủ tục hành chính đăng ký kinh doanh trên môi trường điện tử sớm so với các thủ tục hành chính.
Chi phí tuân thủ vẫn cao
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, việc thi hành Luật Doanh nghiệp trong thực tế còn tồn tại không ít khó khăn và vướng mắc.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, một số ngành vẫn áp dụng kiểm soát, hạn chế đáng kể quyền tự do kinh doanh, như: dịch vụ pháp lý, tài chính, ngân hàng và một số dịch vụ khác. Quyền tự do kinh doanh bị hạn chế bởi một số quy hoạch bất hợp lý, không phù hợp và mới chủ yếu trong phạm vi “kinh doanh cái gì”, còn kinh doanh như thế nào và bao nhiêu… vẫn phải xem xét thêm.
Bên cạnh đó, về chi phí tuân thủ có giảm đáng kể, nhưng vẫn còn cao. Việc giảm chi phí tuân thủ chủ yếu thực hiện theo từng đợt cải cách thủ tục hành chính, chưa có thể chế, định chế phù hợp để giảm một cách có hệ thống chi phí tuân thủ. Về tăng an toàn và giảm rủi ro trong kinh doanh so với trước đây có cải thiện, nhưng đầu tư kinh doanh chưa an toàn, rủi ro chính sách, pháp luật và thực thi còn cao, phức tạp. Nguyên nhân là do không tiên liệu trước được trong tuân thủ; tuân thủ đúng pháp luật là một thách thức; rủi ro pháp lý trong hoạt động kinh doanh là rất nhiều, đa dạng, không đoán định được.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho biết thêm, việc loại bỏ các điều kiện kinh doanh, giấy phép con vẫn do các bộ chủ quản làm, thấy không hợp lý thì bỏ. Nhưng khi có Tổ công tác của Thủ tướng, thì Tổ công tác rà soát các điều kiện, rồi báo về bộ xem có hợp lý không thì mới bỏ. Điều này khiến không ít bộ, ngành vì quyền và lợi ích nên không muốn cắt giảm điều kiện, thủ tục cho doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp (CIEM) bổ sung, nếu so sánh thực trạng quản lý doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam với 39 nguyên tắc quản trị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dù đã làm, đã nỗ lực, nhưng chưa được thực hiện đầy đủ, trọn vẹn. Chẳng hạn như, mục tiêu sở hữu nhà nước còn chưa rõ ràng, nhất quán; chức năng chủ sở hữu nhà nước chưa tách bạch với chức năng quản lý nhà nước, mặc dù Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã được thành lập; vẫn còn các biểu hiện ưu đãi tiếp cận nguồn lực; chưa đảm bảo quyền của các bên có lợi ích liên quan; thực thi pháp luật về công bố thông tin còn yếu...
Cần chú ý tới các vấn đề về tính ổn định của pháp luật doanh nghiệp
Do đó, để hoàn thiện và nâng cao hiệu lực thực thi Luật Doanh nghiệp, ông Phạm Đức Trung cho rằng, Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần có quy định đổi mới, tăng cường nhân lực và bộ máy của các cơ quan đại diện chủ sở hữu. Cụ thể, cần quy định về quyền tự chủ của hội đồng thành viên doanh nghiệp nhà nước, theo hướng quyết định là thuộc quyền và trách nhiệm cuối cùng của hội đồng thành viên, không phải của cơ quan bên ngoài.
Góp ý về vấn đề này, luật sư Nguyễn Quang Hưng cho rằng, cần chú ý tới các vấn đề về tính ổn định của pháp luật doanh nghiệp điều này sẽ tạo sự thống nhất trong thực hiện, hài hòa với các quy ước quốc tế và tránh sự lạm quyền.
Đồng thời, để đảm bảo tính ổn định của Luật Doanh nghiệp, thì Luật cần xây dựng một số nguyên tắc cốt lõi. Nếu những nguyên tắc này được xây dựng tốt, ổn định trong một thời gian dài sẽ giúp cho các quy định pháp luật liên quan đến doanh nghiệp dễ dàng thống nhất, phù hợp với nhau, như: Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư... Cụ thể, như xem xét giữ ổn định và có thể hình thành các vấn đề về sở hữu doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ doanh nghiệp, mô hình tổ chức, quản trị doanh nghiệp...
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) góp ý, muốn cải cách, chúng ta cần có bàn tay "sắt, sạch" của Nhà nước để phá bỏ nhóm lợi ích đối với thi hành các luật. Đồng thời, cần sức mạnh của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp để phá bỏ các chính sách lạc hậu, cũ kỹ./.
Bình luận