Ra quân Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024
|
Tầm quan trọng của Điều tra DTTS 2024
Sáng 01/7, tại nhà văn hóa xã Tú Lý, chuyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức Lễ ra quân Điều tra DTTS 2024.
Phát biểu tại Lễ ra quân, đồng chí Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh ý nghĩa rất quan trọng của điều tra lần này. Qua điều tra sẽ đưa ra các số liệu, chứng cứ tin cậy để giúp các cơ quan Trung ương cũng như các địa phương vùng dân tộc thiểu số có được những đánh giá chính xác về kết quả thực hiện các chính sách dân tộc đến năm 2024 và dự kiến đến năm 2025, đánh giá 5 năm triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030; kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia cũng như kết quả thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025, chuẩn bị xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch phát triển giai đoạn tiếp theo 2026-2030; làm cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng chuẩn bị báo cáo và các văn kiện phục vụ Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Đồng chí Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại Lễ ra quân |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, giai đoạn thu thập thông tin tại địa bàn là cực kỳ quan trọng, việc thu thập được thông tin phản ánh đầy đủ, chính xác thực trạng dân số và nhà ở sẽ giúp cho Đảng, Nhà nước xây dựng được những kế hoạch, chiến lược đúng đắn, xây dựng nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước và vùng dân tộc thiểu số.
“Tôi hy vọng, cuộc điều tra lần này sẽ tiếp tục đưa ra những thông tin, dữ liệu chất lượng để Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoạch định chiến lược, chính sách dân tộc trong thời gian tới; từng bước khắc phục, giải quyết những khó khăn đồng thời phát huy mạnh mẽ hơn tiềm năng, thế mạnh của cộng đồng các dân tộc thiểu số và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; tăng cường củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc”, đồng chí Hầu A Lềnh chia sẻ.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, việc tổ chức thành công Lễ ra quân Điều tra DTTS 2024 tại Hòa Bình có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tuyên truyền, để các hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hiểu được mục đích, ý nghĩa của cuộc điều tra, từ đó tích cực phối hợp với các điều tra viên thống kê để cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời. Đồng thời, Lễ ra quân còn giúp các cấp lãnh đạo và toàn hệ thống chính trị trong tỉnh hiểu được tầm quan trọng của cuộc điều tra, qua đó chỉ đạo thực hiện tốt cuộc điều tra.
Cũng tại lễ ra quân, ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc Điều tra DTTS 2024: “Kết quả thu được từ cuộc Điều tra tình hình các dân tộc thiểu số năm 2024 sẽ giúp chúng ta biết được sự khác biệt giữa các nhóm dân tộc thiểu số, đặc biệt liên quan đến khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, việc làm và mức sống. Đây là những dữ liệu quan trọng giúp theo dõi đánh giá tiến độ thực hiện các chính sách của Chính phủ đồng thời là cơ sở để ban hành các quyết định chính sách nhằm giảm bớt những thiệt thòi mà các nhóm dân tộc thiểu số đang phải đối mặt”.
Gần 15.000 địa bàn được đưa vào điều tra
Cuộc Điều tra thực hiện thu thập thông tin tại địa bàn từ ngày 01/7 đến 15/8/2024 tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gồm 51 tỉnh có xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và 3 tỉnh, thành phố có các xã/phường/thị trấn có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống là TP. Hồ Chí Minh, Long An và Hà Tĩnh).
Điều tra sử dụng phương pháp thu thập thông tin trực tiếp. Các điều tra viên sẽ đến từng hộ để thu thập các thông tin về: Nhân khẩu học của dân số; Giáo dục; Di cư; Hôn nhân; Sử dụng bảo hiểm y tế; Việc làm; Lịch sử sinh và tình hình sử dụng biện pháp tránh thai của nữ từ 10-49 tuổi và các thông tin về người chết; Nhà ở và điều kiện sinh hoạt; Đất ở, đất sản xuất; Một số loại gia súc chủ yếu; Tình hình tiếp cận dịch vụ công cộng của hộ.
Bên cạnh đó, nội dung điều tra đối với UBND xã gồm các thông tin về: Đặc điểm của xã; Sử dụng điện, đường, giao thông; Trường học và trình độ giáo viên; Nhà văn hóa; Y tế và vệ sinh môi trường; Chợ và cụm/khu công nghiệp; Trình độ của cán bộ, công chức cấp xã; Tôn giáo, tín ngưỡng; Mức độ phủ sóng điện thoại và internet.
Điểm mới của cuộc điều tra lần này là tiêu chí xác định địa bàn điều tra đã thay đổi so với các cuộc điều tra trước đây. Theo đó, địa bàn điều tra được quy định là địa bàn có số lượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống chiếm từ 15% trở lên so với tổng số dân của địa bàn, thay vì 30% như các cuộc điều tra trước. Với sự đổi mới này, tổng số huyện được chọn mẫu điều tra đã tăng lên từ 437 huyện năm 2019 lên 472 huyện, trong đó, nhiều huyện có toàn bộ địa bàn được chọn mẫu điều tra. Tổng số địa bàn điều tra được chọn mẫu tăng từ 14.660 địa bàn điều tra năm 2019 lên 14.928 địa bàn điều tra năm 2024.
Sẵn sàng mọi nguồn lực thực hiện cuộc điều tra
Nhằm thực hiện thành công Điều tra DTTS 2024, từ đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc trong công tác chuẩn bị, từ xác định nội dung điều tra, thiết kế mẫu phiếu điều tra và mẫu tổng hợp kết quả điều tra, xây dựng các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, rà soát và cập nhật địa bàn điều tra, chuẩn bị cho công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát…
Xác định cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cuộc Điều tra, Tổng cục Thống kê đã và đang tích cực xây dựng và hoàn thiện các chương trình phần mềm ứng dụng, bao gồm: Chương trình thu thập thông tin, Chương trình khai thác, công bố kết quả, Chương trình xây dựng cơ sở dữ liệu dân tộc thiểu số, giúp tăng cường quản lý điều tra, rút ngắn thời gian tổng hợp, rà soát số liệu với độ chính xác cao hơn để có thể công bố kết quả điều tra sớm nhất trong năm 2025.
Thời gian thu thập thông tin của cuộc điều tra kéo dài trong 45 ngày, do đó, công tác tập huấn, tuyển chọn điều tra viên được các địa phương thực hiện kỹ lưỡng thông qua các hội nghị tập huấn nghiệp vụ cả ở cấp Trung ương và cấp tỉnh để các điều tra viên, giám sát viên có kỹ năng tốt nhất trong thực hiện điều tra.
Công tác tuyên truyền cũng được quan tâm, chú trọng để đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ mục đích, ý nghĩa cuộc điều tra cũng như thực hiện tốt nghĩa vụ cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin cho điều tra viên. Tùy từng địa bàn, các hình thức cổ động được vận dụng phù hợp thông qua các hình thức dựng pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu tại các nơi công cộng như trụ sở làm việc, trung tâm văn hóa…
Nhằm đảm bảo chất lượng cuộc điều tra, Tổng cục Thống kê rất quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát ở tất cả các khâu của cuộc điều tra ngay từ ngày đầu tiên của cuộc điều tra (01/7/2024), nhất là công tác kiểm tra, giám sát quá trình thu thập thông tin tại địa bàn.
Việc kiểm tra, giám sát thực hiện phiếu điều tra được thực hiện kết hợp đồng thời cả hai hình thức trực tiếp tại địa bàn điều tra và trực tuyến trên hệ thống trang web điều hành để kịp thời xử lý những sai sót, lỗi phát sinh nếu có. Tổng cục Thống kê đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc xây dựng kế hoạch của các đoàn giám sát Trung ương nhằm nắm bắt tình hình, chỉ đạo kịp thời đến các địa bàn điều tra.
Năm 2024 là lần thứ ba Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc tiếp tục phối hợp thực hiện điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số. Các điều tra trước thực hiện vào năm 2015 và 2019./.
Bình luận