Rà soát các dự án ưu tiên, trọng điểm trong Quy hoạch điện VIII
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Cụ thể hóa danh mục các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo
Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo tóm tắt các nội dung dự thảo, ý kiến phát biểu của các địa phương, các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận, để hoàn thiện kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, khả thi, hiệu quả và theo đúng quy định của pháp luật, lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì hội nghị trực tiếp và trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về nội dung này và đã có kết luận chỉ đạo hoàn thiện các nội dung, trong đó đặc biệt nhấn mạnh công tác phối hợp giữa Bộ Công Thương và các địa phương trong cả nước trong việc thực hiện cụ thể hóa danh mục các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo (gồm điện gió trên bờ, điện mặt trời, điện sinh khối, điện sản xuất từ chất thải rắn, thủy điện nhỏ…) sẽ triển khai trong thời kỳ quy hoạch, đặc biệt là trong giai đoạn đến năm 2025.
Rà soát các dự án ưu tiên, trọng điểm trong Quy hoạch điện VIII cùng với danh mục các dự án năng lượng tái tạo được các địa phương đề xuất. |
Theo thông tin và số liệu của các địa phương đã gửi Bộ Công Thương có thể phân thành 3 nhóm. Trong đó, nhóm 1 gồm các địa phương xây dựng danh mục các dự án năng lượng tái tạo (gồm điện gió trên bờ, điện mặt trời, điện sinh khối, điện sản xuất từ chất thải rắn, thủy điện nhỏ…) phù hợp với hướng dẫn của Bộ Công Thương nhưng cần bổ sung làm rõ một số thông tin.
Nhóm 2 gồm các địa phương xây dựng danh mục các dự án cơ bản đủ thông tin, nhưng đề xuất quy mô công suất rất lớn so với tính toán phân bổ của Bộ Công Thương.
Nhóm 3 gồm các địa phương không có đề xuất danh mục các dự án, đề xuất bổ sung quy mô công suất các nguồn điện sinh khối, điện sản xuất từ rác thải, thủy điện nhỏ, điện mặt trời áp mái, điện gió trên bờ và ngoài khơi…
Nhấn mạnh tính cần thiết, cấp bách về hoàn thiện và phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương, các cơ quan liên quan và các địa phương thuộc nhóm 1 khẩn trương bổ sung làm rõ các thông tin theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Còn các địa phương thuộc nhóm 2 và nhóm 3 khẩn trương rà soát, đề xuất danh mục các dự án và các thông tin theo hướng sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, gửi Bộ Công Thương trước ngày 25/12.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các địa phương làm kỹ lưỡng, minh bạch, nhất là về tình trạng pháp lý của các dự án. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo thực hiện rà soát, đề xuất dự án.
Rà soát các dự án ưu tiên, trọng điểm
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương chỉ đạo Viện Năng lượng - đơn vị tư vấn lập kế hoạch tập trung tính toán, sàng lọc công khai, minh bạch danh mục các dự án theo đề xuất của các địa phương, bảo đảm mục tiêu phát triển của Quy hoạch điện VIII, có đầy đủ cơ sở khoa học về quy hoạch, kinh tế - kỹ thuật, an ninh, an toàn, khả thi, đáp ứng các yêu cầu về pháp lý và hiệu quả kinh tế tốt nhất. Đơn vị tư vấn lập kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII chịu trách nhiệm về phương pháp tính toán sàng lọc danh mục các dự án.
"Đơn vị tư vấn lập kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII chịu trách nhiệm về phương pháp tính toán sàng lọc danh mục các dự án. Đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo) chịu trách nhiệm thẩm tra đề xuất danh mục các dự án theo các hướng dẫn của Bộ Công Thương và các kết luận chỉ đạo liên quan của lãnh đạo Chính phủ", văn bản nêu.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu rà soát các dự án trọng điểm, ưu tiên trong Quy hoạch điện VIII cùng với danh mục các dự án năng lượng tái tạo được các địa phương đề xuất; xây dựng danh mục các dự án theo giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2026-2030 và danh mục các dự án dự phòng để không xảy ra tình trạng bị động trong quản lý quy hoạch tác động đến việc bảo đảm cung ứng điện trong trường hợp chậm tiến độ các nguồn điện trọng điểm, ưu tiên.
Ngoài ra, cần nghiên cứu các cơ chế chính sách theo quy định của pháp luật để quản lý phát triển các nguồn thủy điện, điện sinh khối, điện gió, điện mặt trời áp mái. Trong đó có các nội dung về điều kiện, thẩm quyền cho phép điều chỉnh công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo giữa các địa phương và điều chỉnh trong một tỉnh, thành phố; phát triển điện gió, điện mặt trời để sản xuất hydrogen và xuất khẩu; kết hợp giữa nguồn điện năng lượng tái tạo với điện tích năng/lưu trữ điện; điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu đảm bảo các điều kiện an toàn hệ thống, giá thành cạnh tranh./.
Bình luận