Kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể sẽ lần đầu tiên chạm mốc 2 tỷ USD

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 9 ước đạt 122 triệu USD. Lũy kế, 9 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu rau quả ước đạt 1,342 triệu USD, tăng 116,1% so với cùng kỳ 2014. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia đã dự báo rằng trong cả năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể sẽ lần đầu tiên chạm mốc 2 tỷ USD. Tuy vậy, Bộ Công Thương vẫn thận trọng đặt mục tiêu xuất khẩu 1,65 tỷ USD.

Hiện nay, các mặt hàng rau quả của Việt Nam đã có mặt trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 10 thị trường chủ lực, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Malaysia, Thái Lan...

Xét từng thị trường đơn lẻ thì Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu rau quả từ Việt Nam với giá trị 784,05 triệu USD, tăng 139% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 64,2% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả nước ta. Những sản phẩm chính xuất khẩu sang Trung Quốc là: xoài, chuối, thanh long, chôm chôm...

Nhìn chung, hầu hết các thị trường đều có mức tăng trưởng kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý là thị trường Campuchia, tuy kim ngạch chỉ đạt 4,78 triệu USD, nhưng lại có mức tăng trưởng mạnh nhất: 215,7%.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một điều rất đáng mừng là nhiều loại trái cây, như: nhãn, vải, xoài đã tiếp cận được với nhiều thị trường xuất khẩu khó tính, như: Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản…, góp phần giúp cho xuất khẩu rau quả trong thời gian qua liên tục tăng trưởng mạnh. Việc tiếp cận những thị trường này có được là do, thời gian qua, nước ta có nhiều diện tích rau quả đạt tiêu chuẩn VietGAP. Điển hình như: trong tháng 9/2015, đã có trên 20 ha nhãn lồng Hưng Yên đạt tiêu chuẩn VietGAP được cấp mã vùng xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Bên cạnh đó, sản phẩm thanh long cũng đã được thị trường Nhật Bản chấp nhận. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, năm 2015, theo hợp đồng được ký kết, mỗi năm sẽ có 3.000 tấn thanh long Bình Thuận xuất sang thị trường Nhật Bản. Các lô hàng được vận chuyển bằng đường biển đến Nhật Bản trong vòng 07 ngày.

Trước đây, Việt Nam chỉ mới xuất khẩu thanh long vào một trong bốn hòn đảo chính của Nhật Bản với sản lượng khoảng 800 tấn/năm. Có thêm thị trường mới cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhiều rủi ro. Những biến động của thị trường này đã và đang gây nên những bấp bênh về giá cả, khiến các nhà vườn thanh long và nông dân điêu đứng.

Song, cũng còn không ít khó khăn

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), khâu tổ chức sản xuất, chế biến, tiếp thị sản phẩm của xuất khẩu rau quả còn quá yếu. Sản xuất rau quả đa số là nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng không đồng đều, không theo quy hoạch nên việc quản lý và đầu tư phát triển hạ tầng là rất khó khăn. Công tác kiểm soát, phòng trừ sâu hại theo các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP chưa được áp dụng rộng rãi. Diện tích các vùng sản xuất rau an toàn tập trung được quy hoạch còn rất hạn chế, cả nước mới đạt khoảng 8%-8,5% tổng diện tích trồng rau.

Việc thu hái, sơ chế bảo quản vẫn tiến hành thủ công là chính, công nghệ bảo quản và phương tiện vận chuyển còn thiếu, lạc hậu dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, giá thành cao, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lên tới 25%-30%.

Công nghệ bảo quản sau thu hoạch đối với các loại rau quả tươi còn hạn chế, không đáp ứng nhu cầu vận chuyển rau quả đi xa. Vẫn còn hiện tượng sử dụng các hóa chất độc hại, không rõ nguồn gốc trong chế biến, bảo quản rau quả tươi (giá đỗ, rau mầm...).

Dẫn lời ông Nguyễn Xuân Hồng trên Báo Kinh tế nông thôn điện tử, tình trạng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng trên rau, quả vẫn còn phổ biến. Thực trạng trên dẫn tới chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ruồi đục quả, dư lượng thuốc sâu, hàm lượng kim loại nặng, chất lượng bao bì…) còn hạn chế. Đây là rào cản lớn nhất nhất đối với xuất khẩu rau quả của Việt Nam (chủ yếu là rau quả tươi) trong tiếp cận thị trường…

Cần tập trung cho phát triển công nghiệp chế biến rau quả

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, để tận dụng tốt tiềm năng, nâng cao kim ngạch xuất khẩu rau quả, việc tổ chức lại sản xuất theo hướng công nghệ cao, quy mô lớn, đảm bảo an toàn là vô cùng quan trọng.

Để ngành chế biến rau quả đạt hiệu quả như mong muốn, cần tập trung tăng cường công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ theo xu hướng xã hội hoá để nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất của công nghiệp chế biến; đầu tư nghiên cứu chế tạo các thiết bị dây chuyền chế biến quy mô nhỏ và vừa, đáp ứng yêu cầu công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến, phù hợp, suất đầu tư thấp.

Thêm vào đó, cần áp dụng các công nghệ bảo quản tiên tiến, hiện đại như bảo quản mát, bảo quản trong môi trường khí quyển cải biến, chiếu xạ… để tạo bước đột phá trong khâu bảo quản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, kéo dài thời gian bảo quản, vận chuyển đi xa (trong nước cũng như xuất khẩu) và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Cùng lúc, phải xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm rau quả, kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và vệ sinh an toàn thực phẩm; Áp dụng rộng rãi hệ thống quản lý chất lượng theo ISO, HACCP, GMP…

Trong khi đó, tại Hội nghị bàn giải pháp phát triển sản xuất tiêu thụ rau quả ngày 14/05/2015, liên quan tới thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, cần tìm hiểu kỹ, vì đây là thị trường rất lớn. “Nắm rõ được thông tin trái cây của Việt Nam đến Lạng Sơn, Lào Cai… là từ tỉnh nào của ta, khi xuất sang Trung Quốc, được chuyển về Bắc Kinh hay là Quảng Đông”, Thứ trưởng Doanh cho biết. Ông Doanh cũng khuyến nghị, phải quy hoạch từng cây, mùa vụ, thời gian thu hoạch, để tính toán, để liên thông về vấn đề thị trường cho tốt.

Ngoài ra, cần tập trung tổ chức tốt khâu phân phối bán hàng, tổ chức xúc tiến thương mại, mở các văn phòng đại diện ở các thị trường trọng điểm trên thế giới. Xây dựng các sàn giao dịch, trung tâm ký gửi đối với từng ngành hàng xuất khẩu, tiếp cận với giao dịch thương mại hiện đại của thế giới. Đồng thời, kiện toàn và mở rộng hệ thống thông tin của ngành, bao gồm thông tin về sản xuất, về thị trường trong nước và thế giới để giúp doanh nghiệp và nông dân sản xuất, kinh doanh theo thị trường và tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả ngày càng cao./.

Cả nước hiện có khoảng 845.000 ha rau các loại, cho sản lượng hàng năm khoảng 14,5 triệu tấn; trong đó, Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long là 2 vùng sản xuất rau lớn nhất nước.

Diện tích cây ăn quả khoảng 700.000 ha, cho sản lượng hàng năm khoảng 7 triệu tấn quả các loại. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trồng cây ăn quả lớn nhất cả nước (chiếm trên 50% diện tích và 60% sản lượng trái cây cả nước). Về cơ cấu: chuối là loại cây ăn quả có diện tích lớn nhất (chiếm khoảng 19% diện tích); tiếp theo là xoài, vải, chôm chôm, nhãn...

Tham khảo từ các nguồn:

http://nongnghiep.vn/xuat-khau-rau-qua-se-ve-dich-som-post151478.html

http://www.kinhtenongthon.com.vn/Xuat-khau-nong-san-Thoi-cua-rau-qua-106-55751.html

http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/xuat-khau-rau-qua-doi-thong-tin-860104.tpo