Sản xuất công nghiệp quý III/2022 tăng trưởng khá
Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, sản xuất công nghiệp quý III/2022 tăng trưởng khá, do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ giá trị tăng thêm ước đạt 12,12% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 9,63% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69%.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2022 ước tính tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 7,16%; quý II tăng 9,51%; quý III tăng 12,12%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69% (quý I tăng 7,85%; quý II tăng 11,07%; quý III tăng 13,02%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,71%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,03%; ngành khai khoáng tăng 4,42%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng năm 2022 tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021 |
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng năm 2022 tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 2,8%).
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2022 tăng 7,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 13,4% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 28,2%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2022 là 76,4% (bình quân 9 tháng năm 2021 là 81,1%).
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp
Nhận định về hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương cho biết, hoạt động này sẽ có những thuận lợi, khó khăn và thách thức từ tác động của bối cảnh quốc tế và trong nước. Trên thế giới, lạm phát cao kỷ lục ở hầu hết các quốc gia, ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế, làm giảm sức cầu hàng hóa và ảnh hưởng đến đầu tư mới; việc gián đoạn chuỗi cung ứng dự báo sẽ còn tiếp diễn, làm giảm đà phục hồi các hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại hậu dịch Covid-19...
Trong khi đó, ở trong nước, việc giảm giá xăng dầu sẽ kéo theo xu hướng giảm giá hàng hóa trong nước, kích thích tiêu dùng. Thị trường trong nước hồi phục tốt, nhu cầu tăng ở cả trong nước và thế giới trong các dịp lễ, tết sắp đến là nhưng yếu tố thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất và thương mại trong những tháng tơi.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, theo Bộ Công Thương, bối cảnh trong nước vẫn còn nhiều tiềm ẩn những yếu tố tác động bất lợi đến tăng trưởng sản xuất và thương mại như: Đồng USD tăng sẽ tác động bất lợi đến nhập khẩu do hiện nay nước ta nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu; Chuỗi cung ứng vẫn nguy cơ gián đoạn, đặc biệt cung ứng nguyên nhiên vật liệu; Giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao; Các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, một số ngành đang đối mặt với nguy cơ đơn hàng giảm do thủ tục hành chính còn rườm rà, hoàn thuế VAT chậm ảnh hưởng đến xoay vòng vốn, cạnh tranh lao động giữa các ngành có xu hướng tăng…
Vì vậy, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các địa phương phối hợp với Bộ làm việc và theo dõi chặt chẽ các dự án, ngành hàng lớn và một số địa bàn trọng điểm để nắm bắt tình hình và xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu. Huy động tối đa các nguồn lực, bám sát tình hình và có phương án chuẩn bị trong các trường hợp nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện, than, xăng dầu, phân bón… cho sản xuất và sinh hoạt.
Đồng thời, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp. Các địa phương tạo điều kiện giải phóng mặt bằng những dự án trọng điểm, cấp bách, tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính của các dự án trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại trên địa bàn.
Đặc biệt, tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu như: xăng dầu, điện, than… Theo dõi sát tình hình sản xuất phân bón trên thế giới để có giải pháp ứng phó phù hợp./.
Bình luận