Số liệu mới nhất mà Tổng cục Hải quan vừa công bố về tình hình nhập khẩu một số mặt hàng trong tháng 07/2016 và 7 tháng đầu năm 2016, đáng chú ý, nổi lên là tình trạng nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc vẫn không giảm; trong đó nhập khẩu nhiều mặt hàng có xu hướng tăng mạnh, như: sắt thép, ô tô nguyên chiếc, hóa chất, vải, máy móc và thuốc trừ sâu...

Về mặt hàng sắt thép, 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập hơn 11 triệu tấn, giá trị kim ngạch đạt hơn 4,5 tỷ USD, trong đó riêng sắt thép từ Trung Quốc đã đạt hơn 6,5 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,5 tỷ USD, chiếm 60% về lượng và hơn 55% về giá trị toàn thị trường nhập khẩu.

Như vậy, so sánh số liệu nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc với tổng sản lượng toàn ngành công nghiệp sản xuất thép Việt Nam 7 tháng qua cho thấy, nhập khẩu sắt thép Trung Quốc về Việt Nam đang gây sức ép lớn cho ngành sản xuất trong nước.

Cụ thể, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép toàn ngành trong 7 tháng qua đạt 9,9 triệu tấn, trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 6,5 triệu tấn, tức là chiếm hơn 65,6% sản lượng các nhà máy thép trong nước, đó là chưa nói đến còn một số lượng lớn các loại sắt thép nhập lậu không được hải quan tính toán.

Hơn 6,5 triệu tấn sắt thép giá rẻ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam

Trước đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2968/QĐ-BCT, ngày 18/07/2016 về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với phôi thép và thép dài.

Cụ thể, mặt hàng nhập khẩu bị áp dụng biện pháp tự vệ gồm phôi thép hợp kim và không hợp kim; các sản phẩm thép dài hợp kim và không hợp kim (gồm thép cuộn và thép thanh) nhập khẩu vào Việt Nam.

Mức thuế suất nhập khẩu bổ sung đối với phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam sẽ là 21,3% trong vòng một năm, từ 22/03/2017 đến 21/03/2018. Mức thuế này sẽ lần lượt giảm về 19,3% và 17,3% vào các năm tiếp theo và từ 22/03/2020 trở đi, thuế suất sẽ là 0%.

Đối với mặt hàng thép dài, thuế tự vệ chính thức năm đầu tiên sẽ là 15,4% kể từ ngày 02/08/2016.

Từ 22/03/2017 đến 21/03/2018 mức thuế giảm về 13,9%; các năm tiếp theo thuế suất lần lượt là 12,4% và 10,9%.

Nếu cơ quan quản lý không gia hạn thì mức thuế suất sẽ giảm về 0% từ 22/03/2020 trở đi.

Động thái này của Bộ Công Thương nhằm ngăn chặn khối lượng phôi thép, thép dài nhập khẩu đã tăng mạnh cả về mặt tuyệt đối và tương đối trong thời gian gần đây. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất 2 mặt hàng này trong nước hoàn toàn có khả năng đáp ứng một nửa nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, vì thời gian áp thuế tự vệ nói trên mới có hiệu lực nên chưa ảnh hưởng lớn tới tình hình nhập khẩu sắt thép, nhất là của Trung Quốc tới Việt Nam trong 7 tháng đầu năm.

Liên quan tới vấn đề này, mới đây, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) cũng đưa ra nhận định, sự phục hồi của thị trường thép là chưa bền vững, giá bán khó tăng mạnh trong nửa cuối năm.

Lý do thứ nhất khiến VCBS nhận định như vậy là do việc áp thuế tự vệ chính thức đối với sản phẩm thép nhập khẩu sẽ không tạo ra dư địa tăng cho giá thép xây dựng nội địa. Mức thuế tự vệ đối với thép dài đã được điều chỉnh tăng tiếp lên 15,4%.

Tuy nhiên VCBS cho rằng, giá thép trong nước sẽ không có sự biến động thêm bởi mức tăng 1,2% là không đáng kể, trong khi đó mức độ cạnh tranh trong ngành đang gia tăng. Bên cạnh đó, rủi ro Trung Quốc có thể tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ trong nửa cuối năm vẫn hiện hữu, VCBS đánh giá cao khả năng các doanh nghiệp trong nước sẽ lựa chọn phương án sử dụng dư địa từ 1,2% thuế tăng thêm này để dự phòng rủi ro từ tỷ giá.

Thứ hai, nguyên nhân giá quặng sắt phục hồi được cho là đến từ yếu tố đầu cơ, mua vào để đóng trạng thái bán khống và chốt lời, không phải đến từ nhu cầu tăng trở lại. Sau khi tăng đột biến trong tháng 3, giá quặng sắt giảm mạnh và ổn định trở lại.

Thứ ba, công suất sản xuất của Trung Quốc còn rất lớn, nhu cầu trong nước suy giảm do nền kinh tế giảm tốc, và nhà nước tiếp tục trợ giá, hoàn thuế VAT 13% cho doanh nghiệp, có xu hướng phá giá đồng Nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu thép sang các thị trường khác.

Thứ tư, giá nhập khẩu ước tính của thép Trung Quốc sau khi áp thuế tự vệ đã sấp xỉ với mức giá bán hiện tại của các doanh nghiệp nội địa (đối với thép thanh khoảng 10.300 đồng/tấn).

Thứ năm, giá nguyên liệu sản xuất thép bao gồm quặng sắt 62%, thép phế, than cốc đang có xu hướng ổn định trở lại sau khi tăng mạnh trong quý II/2016.

Thứ sáu, nguồn cung mới đang được kích hoạt khi nhu cầu lớn trong tháng 3 đã khiến một số nhà máy thép hoạt động trở lại./.