Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trương, từ năm học tới sẽ không lấy việc đăng ký sáng kiến kinh nghiệm làm tiêu chí thi đua. Vì thi đua là cần thiết nhưng phải hậu kiểm. Các cô thầy sáng tạo thì được thưởng, các trường chủ động phát hiện, khích lệ, tạo điều kiện. Rồi cấp Phòng, Sở, Bộ trân trọng biểu dương, ghi nhận những thầy cô có kết quả sáng tạo. Cái cần là phải có thành tích, sáng tạo thực sự, chứ không phải bắt giáo viên đăng ký thi đua, làm sáng kiến kinh nghiệm, gây áp lực nặng nề lên giáo viên.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bỏ tiêu chí thi đua sáng kiến kinh nghiệm cho giáo viên

Tuy nhiên để áp dụng được vào thực tiễn không hề đơn giản, vì hiện nay, về mặt pháp lý đang có yêu cầu về sáng kiến kinh nghiệm. Cụ thể, theo quy định của Luật thi đua khen thưởng 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), cá nhân để đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” trở lên cần đáp ứng yêu cầu:

Có sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đơn vị công nhận.

Nếu cá nhân đạt thành tích xuất sắc, mà không đáp ứng yêu cầu trên (có sáng kiến kinh nghiệm), thì chỉ được công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến”. Do đó, để có sự thay đổi, cần thiết phải có sự điều chỉnh quy định về tiêu chí các danh hiệu thi đua, thể hiện ở văn bản quy phạm pháp luật.

Do vậy, để tạo được sự đột phá, đặc biệt là tránh được bệnh thành tích trong việc viết, xét sáng kiến kinh nghiệm thì cần “xóa bỏ” tiêu chí này trong quá trình bình xét các danh hiệu thi đua./.