Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, do UBND TP. Hà Nội tổ chức sáng nay, ngày 30/8, theo chinhphu.vn.

Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 có tổng chiều dài tuyến (bao gồm cầu và đường dẫn) khoảng 3,5 km; mặt cắt ngang cầu trên toàn tuyến rộng 19,25 m. Dự án được khởi công xây dựng vào ngày 9/1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, cầu Vĩnh Tuy có 8 làn ô tô.

Sớm hoàn thành thủ tục để triển khai các dự án thành phần của tuyến đường Vành đai 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Ảnh: VGP

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là công trình đóng vai trò quan trọng, góp phần giải quyết điểm nghẽn giao thông kết nối giữa hai bờ sông Hồng, nhằm hoàn thiện tuyến đường Vành đai 2 và kết nối với các tuyến vành đai khác của TP. Hà Nội, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề cho việc hình thành không gian phát triển mới, chuỗi các đô thị phía bắc Thủ đô.

Theo Thủ tướng, từ kết quả và ý nghĩa của công trình này, càng củng cố thêm cho chúng ta những bài học kinh nghiệm quý trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển hạ tầng nói riêng.

"Không có việc gì khó, vấn đề chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bài học kinh nghiệm khác là Trung ương mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho địa phương, đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, đồng thời, phải thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra, đôn đốc, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong triển khai các dự án.

Cũng cần chuẩn bị kỹ các khâu trong quá trình triển khai dự án; kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; các vấn đề thuộc thẩm quyền thì phải giải quyết, tránh đùn đẩy trách nhiệm.

Các địa phương phải phát huy nội lực, tự lực, tự cường, tự vươn lên từ bàn tay, khối óc của mình, dám nghĩ, dám làm, không trông chờ, ỷ lại.

Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác giải phóng mặt bằng dưới sự lãnh đạo của Đảng với sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, sự vào cuộc của các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Sớm hoàn thành thủ tục để triển khai các dự án thành phần của tuyến đường Vành đai 4
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là công trình đóng vai trò quan trọng. Ảnh: VGP

Để triển khai tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội theo quy hoạch, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các dự án, Thủ tướng yêu cầu UBND Thành phố tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Theo Thủ tướng, hiện hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, nước, viễn thông… của Hà Nội đang có dấu hiệu quá tải. Nhiều vấn đề về môi trường, quy hoạch dân cư, giảm tải cho khu vực trung tâm cũng đang được đặt ra, nhất là trong quản lý, khai thác các dòng sông hiệu quả, xanh sạch đẹp.

Theo đó, cần khẩn trương hoàn thiện đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện.

Thủ tướng lưu ý, các bộ, ngành Trung ương và Hà Nội cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả hơn, đầu tư nhiều công sức, thời gian hơn, huy động nhiều sức mạnh tổng hợp hơn, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học, bạn bè quốc tế để làm tốt nhất công tác quy hoạch Hà Nội theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, xây dựng quy hoạch bảo đảm tiến độ và chất lượng, xứng tầm Thủ đô ngàn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Hà Nội.

"Khẩn trương nghiên cứu tổng thể giải pháp kết nối giao thông, nhất là các nút giao thông liên quan nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông; trình Chính phủ báo cáo Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cầu Tứ Liên trong năm 2024, triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn 2025 - 2030. Các cơ quan phấn đấu sớm khởi công cầu Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở…", Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thành các thủ tục để triển khai các dự án thành phần của tuyến đường Vành đai 4.

Thủ tướng đề nghị cần chú trọng hơn nữa tới vấn đề kỹ thuật, mỹ thuật của các cây cầu, để mỗi cây cầu vừa giải quyết vấn đề giao thông, vừa là một điểm nhấn về cảnh quan, là sản phẩm du lịch độc đáo, mang đặc trưng Hà Nội, phù hợp với điều kiện tự nhiên, góp phần phát triển du lịch, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội…/.