Sửa một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán
“Việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là cần thiết, nhằm phù hợp với các nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế, cam kết quốc tế của Việt Nam...”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, khi trình bày Tờ trình dự án Luật này tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đang diễn ra, theo Văn phòng Quốc hội.
Cũng theo bà Hồng, việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 cũng phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm khắc phục những hạn chế của các quy định pháp luật, qua đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong thời gian tới.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc trình Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) tại một kỳ họp vào tháng 10/2022 là cần thiết (ảnh: Quốc hội) |
“Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về đánh giá rủi ro quốc gia, đối tượng báo cáo về rửa tiền, cụ thể: bổ sung quy định về nghĩa vụ thực hiện đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền; bổ sung quy định về trách nhiệm đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo; báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết quả đánh giá rủi ro hoặc cập nhật kết quả đánh giá rủi ro về rửa tiền…”, bà Hồng cho hay.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, dự thảo Luật lần này bổ sung giao Chính phủ quy định chi tiết về việc chuyển giao, trao đổi thông tin phòng, chống rửa tiền trong nước; giao Chính phủ hướng dẫn việc thu thập, xử lý và phân tích thông tin... |
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước còn cho biết, dự thảo Luật cũng bổ sung một số nội dung phải có tại quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền của đối tượng báo cáo, bao gồm: chính sách chấp nhận khách hàng, trong đó có nội dung về từ chối mở tài khoản, thiết lập mối quan hệ kinh doanh, thực hiện giao dịch hoặc chấm dứt mối quan hệ kinh doanh; chính sách, quy trình quản lý rủi ro; tuyển dụng nhân sự, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền. Bổ sung yêu cầu quy định nội bộ phải được áp dụng, phổ biến đến đại lý, chi nhánh, công ty con của đối tượng báo cáo.
Về báo cáo giao dịch đáng ngờ, dự thảo Luật luật hóa các quy định tại Nghị định số 116/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định cụ thể về các trường hợp đối tượng báo cáo phải thực hiện báo cáo giao dịch đáng ngờ. Trên cơ sở rà soát từ thực tiễn quản lý và ý kiến tham gia của các cơ quan, dự thảo Luật sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ; bổ sung dấu hiệu đáng ngờ đối với hoạt động trung gian thanh toán. Về kỹ thuật, dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng tách các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản và dấu hiệu đáng ngờ trong từng lĩnh vực thành các điều riêng để dễ theo dõi và thực hiện.
Liên quan đến thời hạn báo cáo giao dịch đáng ngờ, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn: tối đa hai ngày làm việc kể từ thời điểm phát sinh giao dịch; hoặc một ngày làm việc kể từ thời điểm phát hiện giao dịch đáng ngờ, khắc phục những vướng mắc của đối tượng báo cáo trong quá trình thực hiện.
Đối với giao dịch chuyển tiền điện tử, dự thảo Luật bổ sung quy định trách nhiệm của các tổ chức tham gia vào giao dịch chuyển tiền điện tử phải có chính sách, quy trình quản lý rủi ro để thực hiện, từ chối, tạm dừng, kiểm soát sau giao dịch hoặc báo cáo giao dịch đáng ngờ các giao dịch chuyển tiền điện tử không chính xác, đầy đủ các thông tin theo yêu cầu./.
Bình luận