Tác động của EVFTA đến xuất khẩu mặt hàng da giày Việt Nam sang thị trường EU
Nguyễn Đức Xuân Lâm, Phạm Thị Đài Trang, Lưu Gia Huy, Trịnh Thị Thảo Minh, Vũ Tùng Dương
Trường Đại học Thương mại
Tác giả liên hệ: Nguyễn Đức Xuân Lâm
Tóm tắt
Được ký kết vào ngày 30/6/2019, hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và thị trường rộng lớn EU. Nhiều mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế quan giúp kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa được thuận lợi và linh hoạt. Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, ngành da giày (HS 6403) đứng trước tiềm năng phát triển vô cùng to lớn. Nắm bắt được tính cấp thiết trong nghiên cứu các ảnh hưởng của EVFTA đối với ngành da giày Việt Nam, bài nghiên cứu tập trung vào tìm hiểu tác động của Hiệp định đối với xuất khẩu mặt hàng da giày từ Việt Nam sang thị trường EU thông qua 4 yếu tố chính của nước nhập khẩu bao gồm: GDP, Dân số, FDI và Tỷ giá. Qua phân tích và sử dụng phần mềm phân tích số liệu Stata 17, kết quả cho thấy rằng, trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, nếu GDP tăng thêm 1%, thì Lượng nhập khẩu tăng 0.5623%, nếu dân số tăng thêm 1%, thì Lượng nhập khẩu tăng +0.6805%; FDI tăng thêm 1%, thì lượng nhập khẩu tăng +0.0042%. Tỷ giá tăng thêm 1%, thì lượng nhập khẩu tăng +0.2184%. Từ đó, nhóm đề ra một số kiến nghị đối với Chính phủ, các bộ, ban, ngành và giải pháp dành cho doanh nghiệp, hiệp hội nhằm cải thiện, xúc tiến hoạt động xuất khẩu da giày sang EU.
Từ khóa: EVFTA, xuất khẩu, da giày, dân số, tỷ giá, GDP, FDI.
Summary
Summary Signed on June 30, 2019, the Vietnam - EU Free Trade Agreement (EVFTA) has opened up many opportunities for cooperation between Vietnam and EU. Many goods enjoy preferential tariffs, facilitating and flexibling the import and export of goods. As one of Vietnam's main export industries, the footwear industry (HS 6403) has enormous development potential. Recognizing the urgency of studying the impact of EVFTA on Vietnam's footwear industry, this research focuses on investigating the impact of the agreement on footwear exports from Vietnam to the EU market through four main factors of the importing country which are GDP, population, FDI and exchange rate. Through Stata 17 software, the study indicates that, ceteris paribus, if GDP increases by 1%, import volume increases by 0.5623%; if population increases by 1%, import volume increases by +0.6805%; if FDI increases by 1%, the import volume will increase by +0.0042%; If the exchange rate increases by 1%, the import volume will increase by +0.2184%. From those findings, the researchers propose a number of recommendations for the government, ministries, departments and sectors, as well as businesses and associations to improve and promote footwear exports to the EU.
Keywords: EVFTA, export, footwear, population, exchange rate, GDP, FDI.
ĐẶT VẤN ĐỀ
EVFTA - Hiệp định thương mại tự do đầu tiên giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) được ví như con đường cao tốc quan trọng kết nối trực tiếp nền kinh tế Việt Nam với 27 nền kinh tế EU, góp phần phát triển nền kinh tế đất nước một cách nhanh chóng. Trong đó hiện nay theo số liệu thống kê, sản lượng của ngành da giày xuất khẩu ra thế giới của Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới (hơn 1 tỷ đôi giày các loại mỗi năm), chỉ sau Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng bình quân 10%-15%/năm. Thị trường châu Âu vẫn là thị trường chính của da giày Việt Nam với thị phần 54%, chưa kể tỷ lệ xuất khẩu vào châu Âu qua nước thứ 3. Tuy nhiên, với một thị trường khó tính với các chuẩn mực cao nhất thế giới, Việt Nam vẫn còn cần rất nhiều cố gắng để khai phá tối đa thị trường này.
Đứng trước bối cảnh một số nghiên cứu về tác động của hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đến xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam chưa đầy đủ và đi sâu vào mặt hàng da giày xuất khẩu, nhóm cứu đề xuất nghiên cứu “Tác động của hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đến mặt hàng da giày xuất khẩu của Việt Nam”. Kết quả nghiên cứu là cơ sở đề xuất một số hàm ý chính sách cho Việt Nam tăng cường thúc đẩy phát triển ngành da giày xuất khẩu không chỉ EU mà còn các thị trường tiềm năng khác.
TỔNG QUAN VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu của Vũ Thị Hạnh và Nguyễn Quốc Vương Trường (2021) về “Xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang thị trường EU trong bối cảnh thực thi EVFTA: Nhận diện và xếp hạng các thuận lợi và rào cản” cho rằng, EVFTA chính thức có hiệu lực đã mở ra nhiều cơ hội và thách thức đối với ngành gỗ Việt Nam. Bài nghiên cứu sử dụng phương pháp Delphi và phương pháp Tốt nhất - Xấu nhất (BWM) của Reaei (2015) nhằm nhận diện và xếp hạng các thuận lợi và rào cản đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam sang EU. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rõ tác động của EVFTA đến với xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong thị trường EU, những thuận lợi và rào cản đối với hoạt động xuất khẩu gỗ sang EU để từ đó đề xuất các giải pháp và kiến nghị giúp các DN này vượt qua các rào cản để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU, tận dụng tối đa lợi thế từ Hiệp định EVFTA và hướng tới phát triển bền vững.
Nghiên cứu của Phạm Hồng Nhung (2022) về “Đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng da giày vào thị trường EU trong tiến trình thực hiện hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)” cho rằng, các yếu tố ảnh hưởng tới xuất khẩu da giày Việt Nam sang EU trong bối cảnh EVFTA bao gồm: Thể chế chính sách, môi trường kinh doanh, năng lực sản xuất trong nước; Các nguồn lực (nhân lực, cơ sở hạ tầng, công nghệ và vốn); Nhu cầu mặt hàng da giày của nước nhập khẩu EU; Chính sách thương mại và rào cản đối với mặt hàng da giày của nước nhập khẩu EU. Bài nghiên cứu sử dụng kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau để thu thập thông tin, dữ liệu liên quan đến vấn đề nghiên cứu, bao gồm: Phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử; Phương pháp nghiên cứu tài liệu, kế thừa các kết quả nghiên cứu đã công bố;... Kết quả nghiên cứu chỉ ra rõ tác động của các nhân tố, những hạn chế và nguyên nhân, làm cơ sở cho việc đề xuất giải pháp thúc đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng da giày sang thị trường EU trong bối cảnh EVFTA.
Nguyễn Thị Bích Hạnh, Nguyễn Tiến Hoàng, Đại học Ngoại Thương (2021) bài nghiên cứu “Tác động của hiệp định EVFTA đến xuất khẩu mặt hàng giày dép của Việt Nam sang thị trường EU”. Nhóm nghiên cứu kết hợp hai phương pháp nghiên cứu định tính, định lượng và sử dụng mô hình SMART của Hệ thống Cơ sở dữ liệu và Phần mềm về Thương mại của Ngân hàng Thế giới nhằm tập trung phân tích tác động của hiệp định EVFTA đến mặt hàng giày dép. Thời điểm tiến hành nghiên cứu, hiệp định EVFTA mới chỉ thực thi được gần 1 năm (tính từ khi hiệp định có hiệu lực 1/08/2020), nhóm tác giả đã đánh giá tác động của hiệp định EVFTA đến mặt hàng giày dép của Việt Nam thông qua tác động tạo lập thương mại và tác động chuyển hướng thương mại.
Nguyễn Thị Luyến (2020) với đề tài “Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang thị trường EU trong bối cảnh EVFTA” đã đi sâu vào phân tích, đánh giá thực trạng xuất khẩu mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam sang EU trong bối cảnh EVFTA và dự báo cũng như giải pháp mang tính thực tiễn.
Nguyễn Anh Minh, Trường Đại học kinh tế quốc dân (2016) nghiên cứu về đề tài “Cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu giày dép Việt Nam sang EU khi thực thi hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU”. Tác giả nhấn mạnh những cơ hội doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác được trên thị trường EU khi EVFTA có hiệu lực. Đồng thời, tác giả cũng chỉ ra những thách thức khó nhằn, đòi hỏi giải pháp phối hợp đồng bộ từ phía các doanh nghiệp giày dép, hiệp hội và cơ quan nhà nước.
Luận án tiến sĩ kinh tế của tác giả Dương Văn Hùng (2010) với đề tài “Thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường EU của các doanh nghiệp giày dép trên địa bàn Hà Nội” đã sử dụng phương pháp nghiên cứu chung của các công trình nghiên cứu khoa học khác, đó là phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Từ đó, tác giả phân tích thực trạng các yếu tố thúc đẩy xuất khẩu của doanh nghiệp dép và các yếu tố thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường EU rồi đề ra phương hướng, giải pháp cho các doanh nghiệp giày dép trên địa bàn Hà Nội.
Nghiên cứu của Thành, N. V. (2022) với đề tài “Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và tác động tới xuất khẩu nông sản Việt Nam”. Bài viết đánh giá thực trạng xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường EU, đặt trong tổng thể quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và EU, từ đó đưa ra những nhận định về thời cơ, thách thức mà EVFTA mang lại và đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nông sản trong thời gian tới.
Nghiên cứu của Minh, D. N., Dat, P. M. (2020) sử dụng công cụ SMART để đánh giá tác động tiềm tàng của EVFTA đối với nhập khẩu ô tô vào Việt Nam cho thấy, sau khi hiệp định thương mại có hiệu lực, các nước châu Âu sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu ô tô sang Việt Nam bằng việc giảm thuế về 0%.
Abdul Ghafoor, Manan Aslam, Shafqat Rasool (2012) dùng dữ liệu sơ cấp thu thập từ tỉnh Punjab (nơi chiếm tới gần 90% sản lượng da thuộc xuất khẩu) đã chỉ ra rằng: Giáo dục, kinh nghiệm trong giao thương, giá trao đổi và chi phí quảng bá sản phẩm có tác động đến xuất khẩu da giày của Pakistan. Trong đó, giáo dục tác động và có ảnh hưởng lớn nhất tới kim ngạch xuất khẩu da thuộc. Cũng nghiên cứu tại tỉnh Punjab, Usman Rafiq (2016) cho rằng, các yếu tố ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu da giày của Pakistan bao gồm: số năm tiến hành kiểm định, kinh nghiệm xuất khẩu, tiêu chuẩn ISO, giá trung bình nguyên liệu thô và tình hình giao thương quốc tế có thể có tác động và ảnh hưởng tới xuất khẩu da giày. Sau khi sàng lọc số liệu và sử dụng phần mềm SPSS để hỗ trợ phân tích dữ liệu, kết quả cho thấy hầu hết các biến nêu trên có tác động và ảnh hưởng đến xuất khẩu, trong đó kinh nghiệm xuất khẩu đóng góp vai trò vô cùng lớn đối với xuất khẩu khi tác động mạnh mẽ nhất
Raquel Francisco, Eliana Costa e Silva, Sandra P. Sousa, Vítor Bragal lấy số liệu xuất khẩu từ năm 2017-2022 của công ty Portuguese, miền bắc Bồ Đào Nha, nghiên cứu chỉ ra rằng nhân công và chi phí bán hàng là tác nhân có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, trong khi đó ảnh hưởng tiêu cực lại xuất phát từ giá trị giá trị hiện hữu của công ty.
Mô hình nghiên cứu
Theo K. Kepaptsoglou, M. G. Karlaftis và D. Tsamboulas (2010): thông qua việc tổng hợp nhiều công trình nghiên cứu lớn nhỏ của nhiều tác giả từ năm 1999 đến năm 2009 để kiểm tra tác động của các nhân tố tác động đến khối lượng hoặc giá trị xuất khẩu, nhập khẩu giữa hai hay nhiều quốc gia với nhau đã vận dụng và điều chỉnh mô hình lực hấp dẫn trong thương mại quốc tế từ mô hình lý thuyết của Jerrey H. Bergstrand (1985) để kiểm tra tác động của các nhân tố tác động đến khối lượng hoặc giá trị xuất khẩu, nhập khẩu giữa hai hay nhiều quốc gia với nhau. Kết quả nghiên cứu hầu hết đều khẳng định rằng: GDP của quốc gia xuất khẩu và GDP của quốc gia nhập khẩu đều có tác động và ảnh hưởng tới lượng xuất khẩu hàng hóa và giá trị xuất khẩu hàng hóa của các quốc gia.
Bên cạnh đó, nghiên cứu của Rose, A. K (1999,2000) cho ra kết luận rằng sự biến đổi trong tỷ giá hối đoái gây ra những ảnh hưởng tích cực trong trao đổi hàng hóa (nghiên cứu cho rằng nếu tỷ giá hối đoái không đổi thì sẽ dẫn đến sự gia tăng 13% trong tỷ lệ giao dịch hàng hóa). Từ đó, nhóm đề xuất mô hình đánh giá tác động của Hiệp định EVFTA đến xuất khẩu da giày Việt Nam sang thị trường EU như sau:
LNKit = β0 + β1*GDPit + β2*DSit + β3*FDIit + β4*TGit + eit
Trong đó:
LNK: Lượng nhập khẩu
GDP: Tổng sản phẩm quốc nội
DS: Dân số
FDI: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
TG: Tỷ giá
e: Sai số
i: Quốc gia
t: Thời gian (năm)
Phương pháp nghiên cứu
Nhóm nghiên cứu tiến hành sử dụng kết hợp giữa hai phương pháp tiếp cận định tính và tiếp cận định lượng. Cụ thể về phương pháp định tính, nhóm nghiên cứu các tài liệu tham khảo, các bài nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm thu thập được thông tin cần thiết và đào sâu về tác động của hiệp định EVFTA đến xuất khẩu da giày Việt Nam sang EU giai đoạn 2009 - 2022. Còn về định lượng, bài viết sử dụng công cụ STATA để chạy các mô hình OLS, FEM, REM, GLS. Về số liệu, bài nghiên cứu sử dụng thông tin và số liệu từ các nguồn đáng tin cậy như World Bank, Trademap, UN... (Bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Số liệu được dùng để nghiên cứu là số liệu gốc được tra cứu trên Ngân hàng Thế giới (WDI), Tổng cục thống kê cả nước qua các năm, Trademap, Báo cáo tổng kết xuất - nhập khẩu ngành da giày của Việt Nam qua các năm. Số liệu được nhóm thu thập cho 4 biến độc lập: GDP, FDI, dân số, tỷ giá hối đoái với tổng cộng là 364 biến quan sát. Với các biến trong mô hình nghiên cứu, thống kê mô tả mô tả giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất, giá trị trung bình và độ lệch chuẩn nhằm làm rõ các biến số vĩ mô.
Bảng 1: Thống kê mô tả các biến số trong mô hình nghiên cứu
Biến quan sát | Số quan sát | Giá trị trung bình | Độ lệch chuẩn | Giá trị nhỏ nhất | Giá trị lớn nhất |
LNK | 364 | 9.057657 | 2.967313 | 1.386 | 13.525 |
GDP | 364 | 26.05028 | 1.526395 | 22.886 | 30.03 |
POP | 364 | 15.77424 | 1.361882 | 12.93 | 18.244 |
FDI | 364 | 22.82304 | 1.752683 | 17.328 | 26.531 |
ER | 364 | -.3817033 | 1.429945 | -6.215 | 2.469 |
Nguồn: Kết quả từ Phần mềm STATA 17
Theo Bảng 1, giá trị trung bình, độ lệch chuẩn, giá trị nhỏ nhất và giá trị lớn nhất của biến GDP lần lượt là 26.05028; 26.05028; 22.886; 30.03. Biến Dân số có kết quả lần lượt là 15.77424; 1.361882; 12.93; 18.244. Tiếp đến biến FDI có giá trị lần lượt là 22.82304; 1.752683; 17.328; 26.531. Với biến tỷ giá, các giá trị cụ thể như sau: -.3817033; 1.429945; -6.215; 2.469. Cuối cùng, biến Lượng xuất khẩu có kết quả theo thứ tự: 9.057657; 2.967313; 1.386; 13.525.
Nhìn vào Bảng 1 và kết hợp với những dữ liệu nhóm đã nghiên cứu cho thấy, nước có GDP lớn nhất là Hà Lan với 11010 tỷ USD vào năm 2021. Nước có GDP thấp nhất là Malta với 8.69 tỷ USD. Trong khi đó, nước có dân số lớn nhất là Đức với tổng dân số lên tới 83 triệu người vào năm 2022. Malta là nước có lượng dân số thấp nhất, chỉ 412 nghìn người vào năm 2009. Nước có FDI lớn nhất là Hà Lan với giá trị 332.92 tỷ USD vào năm 2015. Ngược lại, chỉ số FDI của Slovenia 33.53 triệu USD vào năm 2012 và cũng là nước có giá trị FDI thấp nhất. Nước có tỷ giá hối đoái lớn nhất là Estonia.
Vào năm 2010, tỷ giá hối đoái của nước này tăng cao, EUR/USD = 11.81. Trong khi đó nước có tỷ giá thấp nhất là Hungary. Vào năm 2022, tỷ giá HUR/ USD = 0.0023, tức là 1 USD tương đương với 435.9 HUF. Lượng nhập khẩu trung bình của 27 nước thành viên EU giai đoạn 2009-2022 có giá trị 88.753 tỷ USD. Trong đó, Đức có lượng nhập khẩu nhiều nhất với 747,737 nghìn USD vào năm 2022 và Croatia có lượng nhập khẩu thấp nhất với 4 nghìn USD năm 2013.
Kiểm định tự tương quan
Hệ số tương quan giữa 2 biến cho biết mức độ quan hệ giữa 2 biến. Kết quả (Bảng 2) cho thấy, các biến giải thích có mối tương quan đáng kể và mạnh đối với biến phụ thuộc.
Bảng 2: Hệ số tương quan giữa các biến
| LNK | GDP | DS | FDI | TG |
LNK | 1.0000 |
|
|
|
|
GDP | 0.6745 | 1.0000 |
|
|
|
DS | 0.6439 | 0.9101 | 1.0000 |
|
|
FDI | 0.4641 | 0.5645 | 0.4066 | 1.0000 |
|
TG | 0.1620 | 0.0745 | -0.0321 | 0.0088 | 1.0000 |
Nguồn: Kết quả từ phần mềm STATA 17
Nhìn vào Bảng 2 có thể thấy, hệ số tương quan của biến lượng nhập khẩu với các biến GDP, Dân số, FDI, Tỷ giá lần lượt là 0.6745; 0.6439; 0.4641; 0.1620. Tiếp đến là hệ số tương quan của biến GDP với các biến Dân số, FDI, Tỷ giá lần lượt là 0.9101; 0.5645; 0.0745. Hệ số tương quan của biến dân số với FDI là 0.4066 và với tỷ giá là -0.0321. Cuối cùng, hệ số tương quan của biến FDI với biến Tỷ giá là 0.0088. Có thể nhận thấy, các cặp số trong mô hình đều có hệ số tương quan nhỏ hơn 0.6 ngoại trừ 3 cặp biến LNK với GDP, LNK với DS và GDP với DS có hệ số tương quan lần lượt là 0.6745; 0.6439; 0.9101. Nhìn chung các biến độc lập và biến phụ thuộc có mối tương quan với nhau và tương quan dương.
Phân tích hồi quy mô hình OLS
Mô hình hồi quy bình phương nhỏ nhất (OLS - Ordinary least squares) phân tích dữ liệu bảng Panel Data của 27 nước thành viên EU để các định các yếu tố tác động đến xuất khẩu mặt hàng da giày Việt Nam. K
Bảng 3: Mô hình hồi quy OLS
Nguồn: kết quả từ phần mềm STATA 17 |
Bảng 3 cho thấy: Prob > F = 0.0000: Thể hiện mức ý nghĩa kiểm định F với giả thuyết H0: Các biến độc lập đồng thời bằng 0, ở đây ta bác bỏ H0, mô hình có ý nghĩa thống kê. Adj R-squared = 0,4734: thể hiện các biến độc lập trong mô hình đang giải thích được khoảng 47,34% sự biến thiên của biến phụ thuộc lượng nhập khẩu trong mô hình.
Tại cột mức ý nghĩa thống kê ta có các kết quả như sau:
Đối với GDP: biến này được đo bằng tổng giá trị sản phẩm hàng hoá theo giá hiện hành của từng quốc gia. Kết quả hồi quy có P>|t|=0.000 nên có mức ý nghĩa 1% với hệ số hồi quy là +0.87101 mang dấu dương cho thấy quan hệ đồng biến với biến phụ thuộc LNK.
Đối với dân số: biến này được đo lường bằng tổng dân số tại quốc gia đó. Kết quả hồi quy có P>|t|=0.015 nên có mức ý nghĩa 5% với hệ số hồi quy là +0.5165 mang dấu dương cho thấy quan hệ đồng biến với biến phụ thuộc LNK.
Đối với FDI: biến này được đo bằng tổng vốn đầu tư nước ngoài của từng quốc gia. Kết quả hồi quy có P>||= 0,374 > 0.05 nên không có ý nghĩa thống kê đối với mô hình.
Đối với tỷ giá hối đoái: biến này được tính bằng tỷ lệ giữa 1 đơn vị tiền tệ của một quốc gia với 1 USD. Kết quả hồi quy có P>|t|=0.001 nên có mức ý nghĩa 1% với hệ số hồi quy là +0.27295 mang dấu dương cho thấy quan hệ đồng biến với biến phụ thuộc LNK.
Tuy nhiên, ước tính theo mô hình pooled OLS không phản ánh được tác động của sự khác biệt của mỗi quốc gia. Vì vậy, nhóm nghiên cứu sử dụng F test để kiểm định xem có tồn tại tác động cố định của mỗi quốc gia trong mô hình hay không. Như vậy, tiếp theo nhóm nghiên cứu sẽ ước tính mô hình bằng cách sử dụng phương pháp FEM và REM để kiểm soát các yếu tố đặc trưng của mỗi quốc gia có khả năng tác động đến lượng nhập khẩu.
Kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến
Một trong những yêu cầu của mô hình hồi quy tuyến tính bội là các biến độc lập không có tương quan chặt với nhau, nếu yêu cầu này không được thỏa mãn thì mô hình đã xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến. Một trong những cách phát hiện mô hình có tồn tại hiện tượng đa cộng tuyến hay không, theo Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008) là sử dụng hệ số phóng đại phương sai (VIF), nếu VIF ≥ 10 thì xem như có hiện tượng đa cộng tuyến.
Bảng 4: Kiểm định đa cộng tuyến
Nguồn: Kết quả từ phần mềm STATA 17 |
Bảng 4 cho thấy, kết quả hệ số phóng đại phương sai VIF của các biến Dân số, GDP, Tỷ giá, FDI lần lượt là 6.46; 6.43; 1.10; 1.07. Nghiên cứu không có hiện tượng đa cộng tuyến giữa các biến độc lập.
Kiểm định phương sai sai số thay đổi và kiểm định tự tương quan
Nhóm nghiên cứu đã kiểm định phương sai sai số thay đổi qua câu lệnh estat hettest. Kết quả thu được Prob>chi2 = 0.0000 < 0.05, bác bỏ H0, mô hình xảy ra hiện tượng phương sai thay đổi (Bảng 5).
Bảng 5: Kiểm định phương sai sai số thay đổi
Nguồn: Kết quả từ phần mềm STATA 17 |
Nhóm nghiên cứu kiểm định tự tương quan bằng cách sử dụng câu lệnh xtserial, kết quả (Bảng 6) cho thấy Prob > F = 0.2917 > 0.05, chấp nhận H0, mô hình không xảy ra hiện tượng tự tương quan.
Bảng 6: Kết quả kiểm định tự tương quan
Nguồn: Kết quả từ phần mềm STATA 17 |
Mô hình tác động cố định FEM
Bảng 7: Mô hình tác động cố định FEM
Nguồn: Kết quả từ Phần mềm STATA 17 |
Từ kết quả Bảng 7 cho thấy, các biến: GDP, Dân số có giá trị P>|t| lần lượt là 0.011; 0.000 < 0.05 có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa lần lượt là 5% và 1%. Hệ số hồi quy lần lượt là +0.7049 và +6.9398 mang dấu dương có tác động cùng chiều với lượng nhập khẩu. Các biến FDI và Tỷ giá có giá trị P>|t| lần lượt là 0.386; 0.204 đều nhỏ hơn 0.05 nên không có ý nghĩa thống kê với mô hình.
Mô hình tác động cố định REM
Bảng 7: Mô hình tác động cố định REM
Nguồn: Kết quả từ Phần mềm STATA 17 |
Kết quả mô hình tác động ngẫu nhiên REM tại hình 6 như sau: Đối với GDP: Kết quả hồi quy có P>||= 0.002 nên có mức ý nghĩa là 1%, với hệ số hồi quy là: +0.8121 mang dấu dương cho thấy quan hệ đồng biến với biến phụ thuộc lượng nhập khẩu. Đối với biến dân số: kết quả hồi quy có P>||=0.046 nên có mức ý nghĩa 5% với hệ số hồi quy là +0.8162 mang dấu dương cho thấy quan hệ đồng biến với biến phụ thuộc. Đối với biến FDI và biến tỷ giá: Kết quả hồi quy lần lượt là 0.920; 0.438 > 0.05, nên cả hai biến không có ý nghĩa thống kê với mô hình.
Kiểm định Hausman
Để xác định mô hình phù hợp, sử dụng kiểm định Hausman. Kết quả của kiểm định tại bảng dưới đây:
Bảng 8: Kiểm định Hausman
Nguồn: Kết quả từ Phần mềm STATA 17 |
Kiểm định Hausman cho kết quả Prob > chi2 =0,0006 < 0.05, bác bỏ giả thiết H0. Mô hình được chọn là mô hình tác động ngẫu nhiên FEM (Bảng 8).
Mô hình GLS
Nhóm nghiên cứu thực hiện kiểm định phương sai sai số thay đổi qua các thực thể trong FEM được kết quả Prob > chi2 = 0.0000 < 0.05 nghĩa là phương sai của sai số thay đổi qua các thực thể. Đồng thời nhóm thực hiện kiểm định hiện tượng tương quan chuỗi được kết quả Prob > F = 0.2917 > 0.05, nên không có hiện tượng tương quan chuỗi.
Để khắc phục tình trạng này, sử dụng mô hình GLS. Kết quả được thể hiện tại Bảng 9.
Bảng 9: Kết quả hồi quy bằng phương pháp có hiệu chỉnh phương sai sai số thay đổi và tự tương quan
Nguồn: Kết quả từ Phần mềm STATA 17 |
Theo kết quả Bảng 9:
Đối với biến GDP: Kết quả hồi quy có P>||= 0.000, nên có mức ý nghĩa là 1%, với hệ số hồi quy là: +0,5623 mang dấu dương cho thấy quan hệ đồng biến với biến phụ thuộc lượng nhập khẩu. Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, nếu GDP tăng thêm 1% thì lượng nhập khẩu tăng 0.5623%.
Đối với biến Dân số: Kết quả hồi quy có P>||= 0.000, nên có mức ý nghĩa là 1%, với hệ số hồi quy là: +0,6805 mang dấu dương cho thấy quan hệ đồng biến với biến phụ thuộc lượng nhập khẩu. Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, nếu dân số tăng thêm 1%, thì lượng nhập khẩu tăng +0.6805%.
Đối với biến FDI: Kết quả hồi quy có P>||= 0.046 nên có mức ý nghĩa là 5%, với hệ số hồi quy là: +0.0042 mang dấu dương cho thấy quan hệ đồng biến với biến phụ thuộc lượng nhập khẩu. Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, nếu FDI tăng thêm 1%, thì lượng nhập khẩu tăng +0.0042%.
Đối với biến Tỷ giá: Kết quả hồi quy có P>||= 0,000, nên có mức ý nghĩa là 1%, với hệ số hồi quy là: +0.2184 mang dấu dương cho thấy quan hệ đồng biến với biến phụ thuộc lượng nhập khẩu. Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, nếu tỷ giá tăng thêm 1%, thì lượng nhập khẩu tăng +0.2184%.
Phương trình hồi quy tuyến tính đa biến được viết từ bảng kết quả bên dưới như sau:
LNKit = β0 + 0.5623*GDPit + 0.6805*DSit + 0.0042*FDIit + 0.2184TGit
Ta có bảng tổng kết các mô hình OLS, FEM, REM và GLS tại Bảng 10.
Bảng 10: Kết quả ước tính các nhân tố tác động đến FDI theo Pooled OLS, FEM, REM
Nguồn: Kết quả từ Phần mềm STATA 17 |
Trong giai đoạn 2009-2020, EU luôn là thị trường hàng đầu trong xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến da giày của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2009, ngành da giày đạt kim ngạch xuất khẩu gần 4,1 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu vào thị trường EU dự tính chiếm đến 2,1 tỷ USD… Đến năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đã đạt tới con số 17,93 tỷ USD ước tính tăng 10.7%. Trong đó, xuất khẩu giày dép đạt 14.67 tỷ USD tăng khoảng 12.8%; túi cặp và vali các loại ước tính đạt khoảng 3.26 tỷ USD tăng khoảng 2%. Năm 2019, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được mức ổn định với lượng xuất khẩu cao sang EU cũng như các thị trường khác. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu da giày của Việt Nam đến năm 2019 đạt 22 tỷ USD, tăng 12.2% so với năm 2018.
Thời gian đầu giai đoạn dịch Covid-19, khi Hiệp định EVFTA chưa có hiệu lực chính thức, cũng như tất cả các ngành hàng khác, sản xuất da giày tại Việt Nam lâm vào thế bất lợi khiến cho sản lượng xuất khẩu có phần sụt giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành giày dép Việt Nam đạt 8,1 tỷ USD, thị trường đầu ra gặp khó khăn nên bị giảm từ vị trí thứ tư xuống vị trí thứ năm trong danh sách các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước. Chỉ số sản xuất da giày và các sản phẩm có liên quan đã sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam giảm 10% so với năm 2019. Giảm mạnh nhất tại Mỹ La tinh (-25.4%), EU (-15.4%) và Bắc Mỹ (-8.4%), châu Á (-5,8%),...
Trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2021, sản lượng các sản phẩm liên quan đến da giày có mức tăng trưởng ổn định. Các doanh nghiệp sản xuất dần tập trung vào việc cải thiện chất lượng sản phẩm để mang lại một nguồn cung đáng tin cậy với tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, các loại sản phẩm, mẫu mã cũng được thiết kế một cách đa dạng nhằm đáp ứng được đầy đủ thị yếu và nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Việt Nam đã và đang trở thành “công xưởng” đáng tin cậy hàng đầu khu vực và trên toàn thế giới với việc sản xuất và chế biến các mặt hàng giày thể thao với sản lượng là 876,2 triệu đôi. Adidas và Nike là 2 “người khổng lồ” của toàn thế giới về mặt hàng giày thể thao và đều đã lựa chọn Việt Nam là một trung tâm sản xuất chính cho chuỗi cung ứng toàn cầu các nhãn hàng của họ.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ngành da giày hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động với hơn 1.3 triệu lao động, trong đó có 87% tổng số lao động sản xuất giày dép số còn lại là lao động trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Ngành da giày Việt Nam đã xuất khẩu sang khoảng 100 quốc gia trên thế giới, trong đó 72 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD, là đối tác uy tín và đáng tin cậy của các quốc gia như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… EVFTA đã mở ra một kỉ nguyên mới, đem lại những biến chuyển tích cực trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU. Theo tổng cục thống kê, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng da giày của Việt Nam năm 2022 ước đạt 28 tỷ USD (tăng 34.8% so với năm 2021) đứng thứ 5 trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đứng thứ hai thế giới về sản xuất và thứ ba thế giới về xuất khẩu mặt hàng giày dép. Điều này cho thấy rằng da giày hiện đã và đang đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong bản đồ sản xuất - xuất khẩu của Việt Nam, đem lại nguồn thu to lớn cho ngân sách nhà nước với tiềm năng phát triển vô cùng to lớn.
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam 11 tháng năm 2022 theo thống kê của Hiệp hội da giày - túi xách Việt Nam (Lefaso), khu vực Nam Mỹ tăng trưởng mạnh nhất với 50.5%, tiếp đến là khu vực Bắc Mỹ (39.1%), châu Âu (47.5%), châu Á (28.4%), châu Đại Dương (39.4%). Nổi bật trong số đó là các thị trường khu vực EVFTA, CPTPP, UKVFTA và ASEAN với mức độ tăng trưởng ở ngưỡng cao (lần lượt 50.7%, 46.1%, 41.3% và 64.9%). Thị trường EAEU do chịu tác động từ cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine kéo dài nên có sự sụt giảm rất lớn so với cùng kỳ năm trước (-64.3%). Với CPTPP, chứng kiến sự tăng trưởng đều ở các thị trường trong khu vực, đặc biệt thị trường Canada tăng rất mạnh tới 65%; khối thị trường Bắc Mỹ chiếm tới 46% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hay EVFTA với cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu giữa Việt Nam và EU từ 12%-17% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, giúp giảm tối đa chi phí sản xuất và xuất khẩu.
Việc tận dụng tốt và tối đa những gì mà những thỏa thuận này mang lại là điều vô cùng quan trọng, giúp cho mặt hàng da giày được biết đến nhiều hơn trong mắt các đối tác nước ngoài. Đánh giá về các thị trường FTA, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Lefaso, nhận định rằng các FTA đóng góp rất tốt trong thành tích xuất khẩu của ngành da giày. Với những điều kể trên, các FTA đã và đang là bệ phóng giúp các doanh nghiệp xuất khẩu da giày có được những bước phát triển thuận lợi và thành công.
Từ các thực trạng trên, nhóm tác giả tiến hành tổng hợp dữ liệu và chạy mô hình bằng phần mềm Stata 17, thu được kết quả Bảng 11.
Bảng 11: Kết quả ước tính các nhân tố tác động đến FDI theo Pooled OLS, FEM, REM
Nguồn: Kết quả từ Phần mềm STATA 17 |
Kiểm định GLS cho thấy đa số các biến có P>||= 0,000 nên có mức ý nghĩa là 1%, chỉ riêng biến FDI có P>||= 0.046, mức ý nghĩa 5%. Hệ số hồi quy của tất cả các biến đều mang dấu dương, điều này chứng tỏ nếu các yếu tố khác không đổi, khi biến độc lập tăng thì biến phụ thuộc - lượng nhập khẩu cũng sẽ tăng theo.
Phương trình hồi quy tuyến tính đa biến được viết từ bảng kết quả bên trên như sau:
LNKit = β0 + 0,5623*GDPit + 0,6805*DSit + 0,0042*FDIit + 0,2184TGit
Trên thực tế, GDP của quốc gia càng lớn, thì khả năng quốc gia đó nhập khẩu mặt hàng da giày càng cao. Theo số liệu thống kê từ Trademap, năm 2020 EU đã nhập khẩu hơn 49.4 tỷ USD giày dép các loại, chiếm khoảng 41% tổng giá trị nhập khẩu của thế giới. Việt Nam đứng thứ 2, tỷ trọng mặt hàng giày dép Việt Nam trên tổng nhập khẩu giày dép của EU là 12.3%. Các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam thuộc ngoại khối EU như Indonesia và Ấn Độ chỉ đạt tỷ trọng lần lượt là 3.7% và 2.6%, thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam. Về tác động của dân số, EU là thị trường có dung lượng lớn với mức sống cao vào loại nhất trên thế giới và có nhu cầu tiêu thụ giày dép cao, bình quân 6-7 đôi/người/năm. Đây là một thị trường tiêu thụ giày dép rất ổn định và đầy tiềm năng. 50% giày dép tiêu thụ ở khu vực này là được nhập khẩu chủ yếu theo các đơn đặt hàng.
Điều này cho thấy, yếu tố dân số tác động đến lượng nhập khẩu của từng quốc gia nói riêng và EU nói chung. Ngoài ra, trong ngành công nghiệp da giày, nhiều nguyên liệu và thành phẩm phải được nhập khẩu, bao gồm da và các loại vật liệu khác. Do đó, biến động của tỷ giá có thể ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm và doanh thu từ xuất khẩu. Khi tỷ giá tăng, giá thành nhập khẩu của các nguyên liệu và vật liệu sẽ tăng, từ đó làm tăng giá thành sản xuất hàng da giày. Điều này dẫn đến giảm lợi nhuận hoặc tăng giá bán, làm giảm sức cạnh tranh của hàng da giày Việt Nam trên thị trường EU và ngược lại. Những con số báo cao trên cho thấy kết quả nghiên cứu là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế.
MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
Kết quả từ nghiên cứu số liệu trên cho thấy, các yếu tố ảnh hưởng bao gồm FDI, dân số, GDP và tỷ giá sẽ có tác động tích cực lên kim ngạch xuất khẩu giày của Việt Nam sang thị trường EU. Tuy vậy, có thể thấy, các doanh nghiệp Việt Nam còn khá thiếu kinh nghiệm cũng như trình độ kỹ thuật để cạnh tranh với các đối thủ quốc tế có sự am hiểu hơn về thị trường châu Âu hoặc có lợi thế hơn về mặt địa lý. Vì vậy, nhằm tận dụng tối đa được các lợi ích của EVFTA, chính phủ cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu da giày Việt Nam cần thực hiện một số biện pháp như sau:
Các kiến nghị về phía Chính phủ:
Thứ nhất, chính phủ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua các khó khăn về tài chính bằng cách cung cấp các gói vay hỗ trợ tài chính. Những gói vay ấy có thể bao gồm vay vốn ưu đãi hay hỗ trợ về vốn đầu tư cho các ngành công nghiệp da giày trong nước. Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đảm bảo hàng hóa xuất khẩu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và có chứng nhận đầy đủ về môi trường, an toàn của sản phẩm.
Thứ hai, đầu tư vào nguồn cung nguyên liệu. Cần khuyến khích việc đầu tư vào nguồn cung trong nước, tận dụng hết những lợi thế có sẵn điều kiện tự nhiên mà chỉ có Việt Nam có. Khuyến khích các doanh nghiệp tập trung vào các lĩnh vực sản xuất chuyên môn hóa bằng các khóa đào tạo, hỗ trợ đào tạo kỹ năng mới,...
Thứ ba, thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững, sản xuất “xanh”. Chính phủ cần thiết lập và thúc đẩy các doanh nghiệp bắt buộc tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường và an toàn lao động một cách nghiêm ngặt. Có chính sách bảo vệ người lao động với môi trường làm việc an toàn và các đãi ngộ, quy định công bằng trong các doanh nghiệp. Chính phủ cũng cần can thiệp đến quyết định sử dụng sản phẩm “thời trang nhanh” gây hại cho môi trường.
Các kiến nghị về phía các Bộ, ban ngành hỗ trợ thị trường xuất khẩu:
Thứ nhất, chủ động phối hợp với các tổ chức chính phủ giúp các doanh nghiệp tìm kiếm và thâm nhập những thị trường mới. Ban hành các chính sách, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục nhập xuất, hỗ trợ quảng bá thương hiệu và tiếp thị. Các bộ, ban ngành cần tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo về quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm trong ngành sản xuất da giày. Đồng thời, cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc xin chứng nhận chất lượng từ các tổ chức uy tín.
Thứ hai, khuyến khích đầu tư vào R&D. Cần tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và ổn định bao gồm việc cải thiện hạ tầng, giảm bớt các rủi ro đầu tư,... Thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu và đào tạo, tận dụng tối đa nguồn lực và kiến thức có sẵn để đẩy mạnh tiến trình R&D. Tạo động lực cạnh tranh bằng cách tạo ra các cuộc thi khuyến khích sáng tạo trong ngành sản xuất da giày.
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực. Các bộ ngành cần thiết lập mối quan hệ hợp tác vững chắc với các trường đại học và trung học nghề để cung cấp chương trình đào tạo và huấn luyện phù hợp với nhu cầu thực tế của ngành sản xuất da giày. Điều này có thể bao gồm việc thiết kế các khoá học, chương trình đào tạo ngắn hạn,... Tạo ra các chương trình học bổng và thực tập để khuyến khích sinh viên tham gia. Xây dựng các chương trình giáo dục đổi mới, hướng tới việc phát triển các kỹ năng mềm và kỹ năng công nghệ thông tin cần thiết cho người lao động trong ngành sản xuất và xuất khẩu da giày, như: kỹ năng giao tiếp, teamwork, và sử dụng công nghệ.
KẾT LUẬN
Thời gian qua, xuất khẩu hàng da giày của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt được những kết quả khả quan nhờ những nỗ lực lớn của cả nhà nước và doanh nghiệp. Điều đáng ghi nhận là một số mặt hàng da giày xuất khẩu của Việt Nam đã đủ sức cạnh tranh để duy trì và phát triển thị phần ở thị trường EU - một thị trường có yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn chất lượng hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu mặt hàng da giày của Việt Nam sang thị trường EU vẫn còn một số hạn chế, đòi hỏi phải có những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Nhằm tiếp tục khai thác tối đa những tiềm năng của Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu da giày sang thị trường EU thời gian tới, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn đề tài: "Các yếu tố ảnh hưởng tới xuất khẩu da giày của Việt Nam sang EU trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)”. Xác định rõ đối tượng của đề tài là nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng và từ đó đề xuất giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng da giày của Việt Nam sang thị trường EU, nghiên cứu đã làm được những nhiệm vụ sau:
1. Bài nghiên cứu đã tổng quan được công trình nghiên cứu trong và ngoài nước và có giá trị tham khảo tốt cho việc thực hiện đề tài nghiên cứu. Qua đó, bài nghiên cứu đã xác định được các khoảng trống nghiên cứu từ kết quả tổng quan các công trình để tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện.
2. Hệ thống hóa, bổ sung và làm rõ cơ sở lý luận về đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng da giày, cụ thể: ai làm rõ khái niệm, vai trò, nội dung, tiêu chí đánh giá đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng da giày; các nhân tố trong nước và quốc tế tác động đến đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng da giày, đặc biệt khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.
3. Phân tích, đánh giá thực trạng đẩy mạnh xuất khẩu da giày Việt Nam sang thị trường EU giai đoạn trước và sau khi EVFTA thực hiện cũng như đánh giá thực trạng các nhân tố ảnh hưởng đến xuất khẩu da giày Việt Nam sang thị trường EU thời gian qua. Trên cơ sở đó đưa ra nhận định về những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân của các hạn chế, tồn tại, cũng như các vấn đề thực tiễn đặt ra đối với đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng da giày của Việt Nam, làm cơ sở thực tiễn cho việc đề xuất các giải pháp, chính sách.
4. Phân tích, dự báo về tiềm năng của xuất khẩu da giày thời gian tới năm 2025, khi thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhận định được những xu hướng mới, những vấn đề tiếp tục cần giải quyết nhằm thúc đẩy xuất khẩu da giày của Việt Nam sang thị trường EU trong tiến trình thực thi EVFTA.
5. Dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn đã được xác lập, đưa ra quan điểm, định hướng và đề xuất các giải pháp chủ yếu nhằm đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng da giày của Việt Nam trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập và thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Tuy nhiên, do những hạn chế về năng lực, kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, trong quá trình nghiên cứu tổng quan và tổng hợp các tài liệu liên quan đến chủ đề nghiên cứu luận án không thể tránh khỏi những thiếu sót và khiếm khuyết. Nghiên cứu sinh rất mong nhận được những ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, các thầy cô, cán bộ nghiên cứu để bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện kết quả nghiên cứu.
Tài liệu tham khảo
Tài liệu tiếng Việt
1. HN Pham (2022), Đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng da giày vào thị trường EU trong tiến trình thực hiện hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Kinh tế châu Á - Thái bình dương.
2. Nguyễn Thị Bích Hạnh, Nguyễn Tiến Hoàng (2021), Tác động của hiệp định EVFTA đến xuất khẩu mặt hàng giày dép của Việt Nam sang thị trường EU, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ – Kinh tế-Luật và Quản lý, 5(2):1499-1508
3. Thành, N. V. (2022), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và tác động tới xuất khẩu nông sản Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế.
Tài liệu Tiếng Anh
1. Abdul Ghafoor, Manan Aslam, & Shafqat Rasool (2012), Determinants of Leather Goods Exports: A Case of Pakistan, Journal of Business & Economics, Vol. 4, No.2 pp.256-269.
2. Usman Rafiq (2016), Analysis of Major Factors Impacting the Footwear Export of Pakistan, Journal of Management and Research, Volume 3 Number 2.
3. Raquel Francisco, Eliana Costa e Silva, Sandra P. Sousa, & Vítor Bragal, The Determinants of Footwear Exports in a Portuguese Company,
4. Minh, D. N., & Dat, P. M. (2020), European-Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA) impacts on imports: a case study, Journal of Security & Sustainability Issues, 9.
5. Anh, T., Ha, N., & Phuong, C. (2021), Determinants efficiency of Vietnam’s footwear export: A stochastic gravity analysis, Accounting, 7(2), 311-322.
Các websites
1. http://www.lefaso.org.vn/chi-tiet-tin-tuc/27328/bao-cao-tong-ket xuat-nhap-khau-cua-nganh-da-giay-va--hoat-dong-cua-hiep-hoi-lefaso-nam-2022
2. https://trungtamwto.vn/file/21535/mat-hang-giaydep_0908.pdf
3.https://www.kas.de/documents/267709/11704235/%28VN%29+Report+Oneyear+Implementation+of+European+UnionVietnam+Free+Trade+Agreement+%28EVFTA%29+Impacts+on+the+Vietnamese+Economy+and+Policy+Formation.pdf/d31f904f-803d-bdd4-bdb69765d3f4137f?version=1.0&t=1639368744077
4. https://tamanh.net/co-hoi-vathach-thuc-cua-nganh-da-giay-viet-nam-3333.html
5. https://trungtamwto.vn/chuyende/8878-evfta---so-tay-cho-doanh-nghiep-viet-nam
6. https://khcncongthuong.vn/tintuc/t13149/hang-da-giay-xuat-khau-tu-goc-nhin-chat-luong.html
Ngày nhận bài: 12/4/2024; Ngày phản biện: 05/5/2024; Ngày duyệt đăng: 15/5/2024 |
Bình luận