Từ khóa: hiệu quả, vốn sử dụng, kết quả hoạt động, ngân hàng thương mại

Summary

This study aims to analyze the impact of capital efficiency on the performance of 24 Vietnamese commercial banks from 2012 to 2021. The panel data regression model estimate shows that capital efficiency have a positive effect on the performance of Vietnamese commercial banks both before and during the Covid-19 pandemic. Therefore, improving capital efficiency should always be prioritized to achieve higher profitability under any circumstances.

Keywords: efficiency, capital, performance, commercial banks

GIỚI THIỆU

Hiệu quả hoạt động của NHTM có thể được đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau, bao gồm: hiệu quả về thị trường, hiệu quả về nhân sự, hiệu quả về quy trình và hiệu quả về tài chính, trong đó hiệu quả tài chính thường được sử dụng để đánh giá hiệu quả hoạt động của NHTM thông qua khả năng sinh lời của NHTM. Trong phạm vi bài viết, tác giả sử dụng hai chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam là tỷ suất lợi nhuận trên tài sản trung bình (ROAA) và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trung bình (ROAE).

CƠ SỞ LÝ THUYẾT

Latif và cộng sự (2012) chỉ ra rằng, hiệu quả vốn sử dụng là nhân tố chính quyết định đến kết quả của các ngân hàng truyền thống. Kamal và cộng sự (2012) nhận thấy mối tương quan cùng chiều giữa hiệu quả vốn sử dụng và tỷ suất sinh lợi của các ngân hàng tại Malaysia. Do đó, nhóm tác giả đưa ra khuyến nghị rằng, các ngân hàng Malaysia có thể cải thiện hiệu quả hoạt động bằng cách tăng hiệu quả vốn sử dụng. Mondal và Ghosh (2012) kết luận, hiệu quả vốn sử dụng tác động dương đến hiệu quả tài chính (gồm: tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản, tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu), đây là một phần quan trọng quyết định năng suất ngân hàng. Lê Hà Như Thảo (2017) nhận thấy, hiệu quả vốn sử dụng tài chính có mối quan hệ cùng chiều với hiệu quả sử dụng tài sản của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trần Thị Cẩm Thanh và Lê Thị Mỹ Tú (2021) tìm thấy mối quan hệ cùng chiều mạnh mẽ và có ý nghĩa ở mức 1% giữa vốn vật chất/tài chính (CEE) với hiệu quả hoạt động, phù hợp với các nghiên cứu trước đó. Lê Hồng Nga và Nguyễn Thành Đạt (2021) phân tích tác động của vốn trí tuệ đến hiệu quả hoạt động của 30 NHTM Việt Nam từ năm 2007 đến năm 2019. Sử dụng phương pháp GMM, kết quả cho thấy CEE có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả hoạt động tài chính của các NHTM Việt Nam, do vậy, các NHTM Việt Nam cần nâng cao hiệu quả vốn sử dụng của mình để đạt được mức sinh lời cao hơn.

DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Dữ liệu được sử dụng trong nghiên cứu là bộ dữ liệu bảng của 24 NHTM Việt Nam trong giai đoạn 10 năm (2012-2021) với 240 quan sát. Bộ dữ liệu được thu thập từ các nguồn uy tín như bộ cơ sở dữ liệu S&P Capital IQ Pro và các báo cáo tài chính sau kiểm toán của các NHTM Việt Nam.

Nghiên cứu đề xuất phương trình đánh giá tác động của hiệu quả vốn hữu hình tới hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam như sau:

Tác động của hiệu quả vốn sử dụng đến kết quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam

PERit = 0 + 1CEEit + 2CONTROL + it

Trong đó: biến phụ thuộc PER đại diện cho hiệu quả tài chính của các NHTM Việt Nam (được thể hiện qua hai chỉ số là ROAA và ROAE).

CEE là biến đại diện cho hiệu quả vốn hữu hình của ngân hàng theo đề xuất của Pulic (2000). Theo đó, CEE được tính bằng cách lấy giá trị gia tăng (Value added – VA) chia cho vốn chủ sở hữu (với VA = OP + HC + D, trong đó: OP là lợi nhuận thuần, HC là chi phí cho nhân viên được đo bằng tổng lương và D là chi phí khấu hao). CONTROL là các biến kiểm soát được đưa vào mô hình, bao gồm: SIZE (quy mô ngân hàng, được đo lường bằng logarit tự nhiên tổng tài sản của ngân hàng), CAP (tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản), DEP (tỷ lệ tiền gửi trên tổng tài sản), LOAN (tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản) và COVID (biến giả, nhận giá trị 1 trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam năm 2020 và 2021, các năm còn lại nhận giá trị 0).

Để lựa chọn mô hình phù hợp nhất với bộ dữ liệu, tác giả thực hiện kiểm định Breusch và Pagan Lagrangian và kiểm định Hausman. Kết quả kiểm định cho thấy, mô hình tác động cố định (Fixed Effect Model - FEM) là mô hình phù hợp nhất. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo kết quả nghiên cứu là chính xác và bền vững, các kiểm định nhằm phát hiện hiện tượng phương sai sai số thay đổi và hiện tượng tự tương quan cũng được thực hiện. Tác giả cũng thực hiện hiệu chỉnh và sửa lỗi các mô hình để kết quả nghiên cứu có tính vững chắc cao hơn (Nghiên cứu sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam giai đoạn 2012-2021

Hình 1 và 2 cho thấy, trong giai đoạn 2012-2015, tỷ suất lợi nhuận của các NHTM Việt Nam có xu hướng giảm dần qua từng năm, từ mức 0.009 vào năm 2012 xuống còn 0.005 vào năm 2015 đối với ROAA và từ 0.088 năm 2012 xuống còn 0.064 vào năm 2015 đối với ROAE. Đây là khoảng thời gian mà các NHTM Việt Nam thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 254/QĐ-TTg, ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu chính là xử lý nợ xấu, tăng cường sự ổn định và an toàn của hệ thống tài chính, nâng cao chất lượng và độ hiệu quả của hoạt động tổ chức tín dụng, cũng như đảm bảo quyền lợi của khách hàng và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong đó, việc xử lý các khoản nợ xấu cũng như việc tái cơ cấu, hợp nhất các NHTM Việt Nam trong giai đoạn này khiến chi phí tăng lên và lợi nhuận của nhiều NHTM Việt Nam suy giảm. Từ năm 2016 đến năm 2021, tỷ suất lợi nhuận của các NHTM Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể và liên tục tăng mạnh qua từng năm. Theo đó, ROAA trung bình của các NHTM đã tăng từ 0.006 vào năm 2016 lên hơn gấp đôi, đạt 0.014 vào năm 2021. Tương tự, ROAE cũng ghi nhận mức tăng trưởng tốt trong giai đoạn này, từ 0.076 vào năm 2016 lên 0.159 vào năm 2021.

Hình 1: ROAA của các NHTM Việt Nam
Tác động của hiệu quả vốn sử dụng đến kết quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam
Hình 2: ROAE của các NHTM Việt Nam
Tác động của hiệu quả vốn sử dụng đến kết quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Tác động của hiệu quả vốn sử dụng đến kết quả hoạt động của các NHTM

Bảng 1 trình bày kết quả thống kê mô tả cho thấy, chỉ số đại diện cho hiệu quả vốn hữu hình (CEE) có giá trị trung bình là 0.2346, dao động từ 0.0594 đến 0.5059 với độ lệch chuẩn là 0.1075. Quy mô của các NHTM Việt Nam được đo lường bằng logarit tự nhiên của tổng tài sản có độ lệch chuẩn cao (1.1407), nghĩa là có sự chênh lệch lớn về quy mô giữa các NHTM Việt Nam.

Bảng 1: Kết quả thống kê mô tả

Biến

Số quan sát

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Min

Max

ROAE

240

0.1042

0.0772

0.0003

0.3064

ROAA

240

0.0090

0.0072

0.0000

0.0366

CEE

240

0.2346

0.1075

0.0594

0.5059

SIZE

240

25.6433

1.1407

23.4101

28.1973

CAP

240

0.0907

0.0361

0.0406

0.2384

DEP

240

0.6688

0.1029

0.4141

0.8937

LOAN

240

0.5798

0.1163

0.2224

0.8006

COVID

240

0.2000

0.4008

0.0000

1.0000

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả

Hệ số tương quan giữa các biến độc lập trong nghiên cứu được trình bày tại Bảng 2. Theo đó, hệ số tương quan của các biến độc lập đều nhỏ hơn mức tiêu chuẩn là 0.8, nên không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến và thích hợp để hồi quy.

Bảng 2: Ma trận tương quan

CEE

SIZE

CAP

DEP

LOAN

COVID

CEE

1.0000

SIZE

0.6625

1.0000

CAP

-0.3327

-0.5601

1.0000

DEP

0.0066

0.1626

-0.1423

1.0000

LOAN

0.3850

0.3275

-0.0298

0.4725

1.0000

COVID

0.2476

0.2440

-0.0455

-0.0116

0.2187

1.0000

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả

Kết quả ở Bảng 3 cho thấy:

Một là, hệ số hồi quy của biến hiệu quả vốn hữu hình (CEE) có giá trị dương và có ý nghĩa thống kê ở mức 1% ở cả hai mô hình ROAA và ROAE, hàm ý rằng ngân hàng có hiệu quả vốn sử dụng hữu hình càng lớn, thì có tỷ suất lợi nhuận trung bình càng cao. Kết quả này đúng với kỳ vọng của tác giả và tương đồng với nghiên cứu của Mondal và Ghosh (2012), Lê Hồng Nga và Nguyễn Thành Đạt (2021). Theo đó, NHTM có chỉ số CEE cao đồng nghĩa với việc ngân hàng đó đang sử dụng nguồn vốn đầu tư của mình một cách hiệu quả để tạo ra lợi nhuận. Bên cạnh đó, các NHTM sử dụng vốn hữu hình hiệu quả có khả năng quản lý vốn một cách an toàn hơn và có khả năng giảm thiểu các rủi ro tài chính, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động và gia tăng lợi nhuận.

Bảng 3: Kết quả nghiên cứu chính

ROAA

ROAE

Hệ số hồi quy

P-value

Hệ số hồi quy

P-value

CEE

0.0514***

0.000

0.7175***

0.000

SIZE

0.0035**

0.011

0.0164**

0.048

CAP

0.1425***

0.000

0.6588***

0.000

DEP

- 0.0079

0.177

- 0.0174

0.661

LOAN

0.0087**

0.041

0.0953**

0.028

COVID

0.0007

0.158

0.0064

0.106

_cons

- 0.0958

0.009

- 0.4786

0.028

Các ký hiệu *, ** và *** tương ứng có ý nghĩa ở mức lần lượt là 10%, 5% và 1%

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả

Hai là, ở cả hai mô hình ROAA và ROAE, quy mô ngân hàng (SIZE), tỷ lệ vốn chủ sở hữu (CAP) và tỷ lệ cho vay (LOAN) có tác động tích cực đến tỷ suất lợi nhuận của các NHTM Việt Nam và có ý nghĩa thống kê ở mức cao. Các ngân hàng lớn ở Việt Nam tận dụng các lợi thế về quy mô nhằm giảm thiểu chi phí, từ đó gia tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, các NHTM lớn ở Việt Nam có khả năng huy động các nguồn tiền gửi giá rẻ với lãi suất thấp nhờ việc tận dụng uy tín cao của mình trên thị trường, từ đó gia tăng tỷ suất lợi nhuận.

Đối với biến CAP, các ngân hàng có tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản càng cao đồng nghĩa với việc ngân hàng đó càng ít phụ thuộc vào nguồn vốn vay bên ngoài, từ đó giảm được chi phí lãi vay và gia tăng lợi nhuận. Hơn nữa, các ngân hàng có lượng vốn chủ sở hữu lớn sẽ có tỷ lệ đòn bẩy tài chính thấp hơn và có khả năng đối phó với các giai đoạn khủng hoảng tốt hơn và có rủi ro thấp hơn. Lượng vốn chủ sở hữu lớn cũng cho phép các ngân hàng này tham gia vào các hoạt động đầu tư rủi ro hơn, từ đó thu được lợi nhuận tốt hơn.

Đối với biến LOAN, ở Việt Nam, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động là khá lớn, dẫn đến việc ngân hàng cho vay càng nhiều, thì lợi nhuận thu được càng cao. Do đó, mối quan hệ tích cực giữa tỷ lệ cho vay và tỷ suất lợi nhuận của các NHTM Việt Nam là hợp lý.

Ba là, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, các NHTM Việt Nam đã thực hiện giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua khó khăn, dẫn đến sự suy giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, các NHTM Việt Nam đã đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng số, số hóa các giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân, kết hợp với các đợt giãn cách kéo dài khiến tần suất sử dụng các dịch vụ ngân hàng số tăng lên rõ rệt và cải thiện nguồn thu nhập của ngân hàng.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT

Dựa trên kết quả nghiên cứu, để tăng hiệu quả CEE, các NHTM Việt Nam cần gia tăng lợi nhuận thuần, hoặc chi phí cho nhân viên, hoặc chi phí khấu hao, trong đó, việc gia tăng lợi nhuận thuần là phương án tối ưu nhất. Tác giả đưa ra một số giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, các NHTM Việt Nam có thể đa dạng nguồn thu nhập để tăng khả năng sinh lời. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, quy mô ngân hàng càng lớn, thì khả năng sinh lời của ngân hàng càng cao. Vì vậy, các ngân hàng cần đa dạng hóa nguồn vốn cũng như tăng quy mô ngân hàng một cách an toàn, trong đó tăng vốn tự có của cổ đông là giải pháp an toàn và hiệu quả nhất. Các NHTM không thể chỉ dựa vào vốn cấp 2 để đáp ứng quy định về an toàn vốn. Thay vào đó, các NHTM cần tăng vốn cấp 1 (vốn chủ sở hữu) để cho phép ngân hàng cho vay nhiều hơn, từ đó tăng tổng tài sản và có khả năng mở rộng quy mô.

Để tăng vốn cấp 1, NHTM có thể phát hành cổ phiếu. Đây là một trong những cách nhanh nhất để tăng quy mô vốn tự có. Ngoài tăng vốn điều lệ, ngân hàng còn thu được thặng dư vốn cổ phần. Khác với giấy tờ có giá, cổ phiếu phổ thông là loại chứng khoán không có kỳ hạn nên NHTM không phải chịu áp lực trả nợ khi đáo hạn. Bên cạnh đó, cổ tức bằng cổ phiếu không phải là gánh nặng tài chính đối với ngân hàng trong những năm ngân hàng kinh doanh thua lỗ. Điều này có thể giảm thiểu rủi ro cho các NHTM.

Bên cạnh đó, ngân hàng có thể tăng vốn tự có thông qua tăng lợi nhuận giữ lại. Lợi nhuận giữ lại là khoản lãi ròng của ngân hàng sau khi trừ đi các khoản dự phòng, quỹ… Lợi nhuận giữ lại giúp ngân hàng không phải phụ thuộc vào thị trường vốn, qua đó tránh được chi phí huy động vốn. Không chỉ vậy, việc tăng vốn chủ sở hữu bằng lợi nhuận giữ lại không làm thay đổi quyền biểu quyết, không pha loãng cổ phiếu của ngân hàng. Phương pháp này rất an toàn, nhưng chỉ áp dụng được với những ngân hàng lớn, có lãi liên tục và đều đặn. Tuy nhiên, cách này không thể áp dụng thường xuyên vì ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông cũng như chịu nhiều bất lợi về thuế.

Thứ hai, các NHTM Việt Nam cần cắt giảm hoặc tối ưu hóa chi phí hoạt động để gia tăng lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro, nhất là trong các giai đoạn khủng hoảng như đại dịch Covid-19 vừa qua. Theo đó, các NHTM có thể thực hiện các biện pháp quản lý chi phí hiệu quả, bao gồm: tăng cường giám sát việc thực hiện các định mức chi tiêu, xây dựng phương án kiểm soát chi phí trong điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của toàn hệ thống.

Mặt khác, tập trung phát triển hoạt động dịch vụ nhằm tối đa hóa nguồn doanh thu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, cụ thể là: rà soát chi phí thuê ngoài; thiết kế lại mạng lưới chi nhánh để hoạt động với chi phí thấp hơn, linh hoạt hơn; rà soát, điều chỉnh tổ chức bộ máy, tập trung hóa chức năng; tối ưu hóa cơ chế làm việc, chính sách nhân sự theo hướng linh hoạt hơn; đẩy nhanh quá trình ra quyết định và giảm quản lý cấp trung. Ngoài ra, các NHTM Việt Nam cũng có thể ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như thực hiện chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thiểu nhân công trong các nghiệp vụ mà máy móc có thể thay thế, từ đó giảm chi phí hoạt động, tăng lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro.

Thứ ba, các NHTM Việt Nam cần tăng cường cho vay an toàn, hiệu quả. Cho vay nhiều hơn có nghĩa là đem lại nhiều lợi nhuận hơn cho ngân hàng. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng cho vay bừa bãi, thiếu kiểm soát, thì không những không tăng được lợi nhuận, mà còn gặp phải rủi ro tín dụng. Vì vậy, để tăng lợi nhuận mà không làm tăng rủi ro, ngân hàng cần xây dựng hệ thống dự báo rủi ro tốt, cũng như hệ thống quản trị rủi ro tín dụng hiệu quả. Theo đó, cần xây dựng hệ thống dự báo rủi ro với đầy đủ các loại rủi ro, đặc biệt là rủi ro thị trường để có cơ sở dữ liệu dự báo tốt, hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro cao. Bên cạnh hệ thống dự báo, các ngân hàng cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đảm bảo công tác xét duyệt, thẩm định, kiểm tra, giám sát chất lượng tín dụng đạt hiệu quả cao nhất./.

Phan Anh - Học viện Ngân hàng

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 14 - tháng 5/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Latif, M., Malik, M. S., Aslam, S. (2012), Intellectual capital efficiency and corporate performance in developing countries: a comparison between Islamic and conventional banks of Pakistan, Interdisciplinary Journal Of Contemporary Research In Business, 4(1).

2. Lê Hà Như Thảo (2017), Phân tích về tác động hiệu quả vốn sử dụng trí tuệ đến kết quả hoạt động của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Đại học Đà Nẵng, 5(114).

3. Lê Hồng Nga, Nguyễn Thành Đạt (2021), Tác động của vốn trí tuệ đến kết quả hoạt động của các NHTM tại Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Tài chính - Marketing, 61(1), 48-63.

4. Mondal, A., Ghosh, S. K. (2012), Intellectual capital and financial performance of Indian banks, Journal of Intellectual Capital, 13(4), 515–530.

5. Pulic, A. (2000), VAIC - An accounting tool for IC management, International Journal of Technology Management, 20(5), 702-714.

6. Trần Thị Cẩm Thanh, Lê Thị Mỹ Tú (2021), Nâng cao hiệu quả tài chính doanh nghiệp thông qua vốn trí tuệ: Bằng chứng tại các công ty niêm yết Việt Nam, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số 211, tháng 4/2021.