Tại sao thu thuế thì nhanh, mà hoàn thuế thì lại chậm?
“Dài cổ” chờ hoàn thuế
Dẫn nguồn tin của báo Tuổi trẻ về trường hợp của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ thép Khương Mai, bị “kẹt” 7 tỷ đồng tiền hoàn thuế từ năm 2011 đến nay, ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ thép Khương Mai cho biết, việc hoàn thuế giá trị gia tăng ngày càng kéo dài, chưa kể điều kiện hoàn thuế được bổ sung rất nhiều điều kiện khó khăn hơn.
Theo ông Khương, trong 5 năm qua, doanh nghiệp ông đã nộp thuế giá trị gia tăng ước 250 tỷ đồng, nhưng lại không được hoàn thuế do vướng nhiều thủ tục, doanh nghiệp buộc phải đi vay tiền để hoạt động.
“Mỗi tháng doanh nghiệp xuất vài lô hàng mà tiền hoàn thuế cứ bị nợ làm sao tồn tại nổi”, ông Khương cho biết.
Hay như trường hợp của Công ty Uniexport qua lời kể của ông Nguyễn Đức Hậu, Phó Giám đốc Công ty, đó là không dám nhận các đơn hàng lớn, bởi càng xuất nhiều tiền thuế giá trị gia tăng càng tăng, mà lại chậm được hoàn thuế, nên chỉ dám nhận những đơn hàng nhỏ lẻ để cầm chừng và duy trì công việc cho nhân viên.
Một doanh nghiệp ngấp nghé bờ vực phá sản vì có quyết định hoàn thuế từ cách đây 5 năm, nhưng đến nay số tiền được hoàn vẫn chưa thấy đâu. Một doanh nghiệp khác có nhiều đơn hàng, nhưng không dám xuất vì khoản lợi nhuận không đủ bù chi trả lãi vốn vay lưu động trong thời gian chờ hoàn thuế.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều các ví dụ tiêu biểu về sự khó khăn của doanh nghiệp trước sự chậm trễ trong việc hoàn thuế. Bởi, việc không được hoàn thuế đúng hạn, thiếu vốn, doanh nghiệp phải vay ngân hàng và phải trả lãi, thêm gánh nặng cho doanh nghiệp đang được xem là câu chuyện “thường ngày ở huyện” hiện nay.
Và hậu quả của tình trạng này là làm thui chột động lực kinh doanh, gây ức chế cho doanh nghiệp. Trong khi mục đích của hoàn thuế là giảm bớt khó khăn về vốn và chi phí lãi vay cho doanh nghiệp, khuyến khích xuất khẩu và mở rộng sản xuất.
Vì sao nên nỗi?
Nếu doanh nghiệp chậm nộp thuế, cơ quan thuế được phạt 0,05%/ngày, nhưng ngược lại thì cơ quan thuế chẳng phải trả đồng nào cho số tiền chiếm dụng của người nộp, tại sao thu thuế thì nhanh, mà hoàn thuế thì lại chậm đến vậy? Đây đang là câu hỏi của nhiều doanh nghiệp trong diện được hoàn thuế, nhưng chưa thấy tăm hơi của khoản tiền đó đâu. Phải chăng do ngân sách khó khăn không trả nổi?
Tuy nhiên, trả lời về vấn đề này, trong buổi đối thoại giữa lãnh đạo Bộ Tài chính và doanh nghiệp ngày 05/11/2015, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã khẳng định, “hầu bao” ngân sách không bị eo hẹp đến nỗi không thể hoàn thuế cho doanh nghiệp. Vậy tại sao lại xảy ra tình trạng trên?
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn đưa tin, để được hoàn thuế, có doanh nghiệp đã phải chấp nhận “chung chi” cho cán bộ thuế từ 1%-2% số tiền được hoàn. Tính ra chi phí này đỡ tốn kém hơn là phải đi vay ngân hàng để hoạt động. Một số trường hợp, doanh nghiệp đã phải thuê cò làm dịch vụ hoàn thuế với điều kiện cưa đôi số tiền được hoàn nếu không muốn bị chờ dài cổ bởi các thủ tục “rắc rối”.
Một lý do khác được ông Mai Thanh Tòng, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ngày 08/03/2016, đó là có quá nhiều quy định phức tạp và lạ lùng trong việc hoàn thuế.
Ông Tòng lấy dẫn chứng về quy định không hoàn thuế nếu doanh nghiệp chưa góp đủ vốn điều lệ.
“Thật vô lý! Thuế là thuế mà góp vốn là góp vốn. Đây là hai chuyện khác nhau. Không thể vì chuyện vốn mà ách chuyện hoàn thuế. Tôi mua máy móc, thiết bị đã có thuế rồi, do vậy phải hoàn để tôi còn lấy tiền đó đi trang bị máy móc khác nữa”, ông Tòng bức xúc.
Từ những phân tích trên, ông Tòng cho rằng đừng làm khó người dân và đừng đẻ ra quá nhiều điều kiện mà không cho hoàn thuế.
Cũng đưa ra ý kiến góp ý tháo gỡ khó khăn của tình trạng trên, bà Đặng Minh Phương, Tổng Giám đốc Công ty Minh Phương Logistics cho rằng, đã đến lúc ngành thuế và ngân hàng cần liên thông với nhau để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực tế hơn.
Dù rất chia sẻ với Nhà nước về những khó khăn tạm thời khi nguồn tiền chưa có để hoàn thuế cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp cũng sẽ rất khó khăn nếu không có kịp thời nguồn tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Để giảm căng thẳng cho doanh nghiệp khi tiền hoàn thuế chưa về, cần có quy định cho phép doanh nghiệp có quyết định hoàn thuế được mang thế chấp chính quyết định hoàn thuế này cho ngân hàng để được vay bằng đúng với số tiền mà cơ quan thuế đang giữ hộ và Nhà nước sẽ trả phần lãi này. Như vậy, vừa tránh được áp lực cho cả đôi bên, vừa duy trì được mạch sản xuất của doanh nghiệp không bị gián đoạn”, bà Phương nói (Ánh Hồng – Trần Vũ Nghi, 2016)./.
Tham khảo từ:
Ánh Hồng – Trần Vũ Nghi (2016). Hoàn thuế quá khó, doanh nghiệp phải vay tiền hoạt động, truy cập từ http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160309/hoan-thue-qua-kho-doanh-nghiep-phai-vay-tien-hoat-dong/1064134.html
Hải Đăng – Ánh Hồng (2016). Chậm được hoàn thuế, nhiều doanh nghiệp thoi thóp, truy cập từ http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20151109/cham-duoc-hoan-thue-nhieu-doanh-nghiep-thoi-thop/999544.html
Bình luận