Diến đàn phát triển Việt Nam 2017 (VDF) có chủ đề “Tăng năng suất - đòn bẩy cho phát triển bền vững” đã diễn ra sáng nay (13/12) dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione.

Năng suất : vấn đề cốt lõi của nền kinh tế

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, năm 2017 là năm kinh tế Việt Nam gặt hái được nhiều thành công. Trong đó, thành công lớn nhất là sau nhiều năm, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội được Quốc hội giao dự kiến đều đạt và vượt. Nền kinh tế đang tăng trưởng tốt, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt khoảng 6,7%.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trên diễn đàn Quốc hội trong kỳ họp vừa qua, nhiều đại biểu quan tâm nhiều hơn đến chất lượng tăng trưởng, trong đó nhân tố quyết định là năng suất.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, công cuộc đổi mới đã đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn đang chủ yếu dựa vào việc gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động và khai thác tài nguyên. Cách thức tăng trưởng này không còn phù hợp với tình hình hiện nay, bối cảnh trong nước có nhiều thay đổi, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức cho nền kinh tế Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh đó, mô hình cũ không thể giúp chúng ta gia tăng tốc độ tăng trưởng một cách nhanh chóng và bền vững. Để nâng cao mức sống cho người dân và thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước, tăng năng suất chính là chìa khóa của tăng trưởng bền vững. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay”.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc tăng năng suất, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện hàng loạt giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018 được Chính phủ báo cáo tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV cũng nhấn mạnh nội dung nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh, khuyến khích đổi mới sáng tạo khởi nghiệp. Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo điều hành các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 với tinh thần phát huy mạnh mẽ những thành tựu đã đạt được, khắc phục triệt để những hạn chế tồn tại của năm 2017, tăng cường kỷ cương, nâng cao liêm chính, tranh thủ mọi thời cơ, tận dụng tốt các cơ hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo sự đồng thuận cao của mọi hệ thống hành động quyết liệt hướng đến phát triển nhanh và bền vững.

Mặc dù biết rõ cần nâng cao năng suất, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng đây là một thách thức với Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ rất cần sự hỗ trợ, tư vấn của các đối tác phát triển, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước nhằm tìm ra những giải pháp chính sách phù hợp giúp hiện thực hóa mục tiêu trên.


Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc

Việt Nam có nhiều dư địa tăng năng suất

Cũng tại phiên khai mạc, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione cho rằng, năm 2017, Việt Nam đã chứng kiến một nền kinh tế đạt trưởng mạnh và ổn định kinh tế vĩ mô với mức lạm phát và tỉ giá đối hoái tương đối thấp, vị thế đối ngoại trên trường quốc tế ngày càng được củng cố. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ trong cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính…

Theo ông Ousmane Dione, những cải thiện về hiệu suất cần phải được đưa ra ở các ngành riêng rẽ cũng như liên ngành, đòi hỏi phải có thể chế thị trường hiệu quả.

Ông Ousmane Dione đánh giá, hiện nay, có rất nhiều dư địa để Việt Nam tăng hiệu suất trong các ngành kinh tế, năng lượng trong công nghiệp, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nông nghiệp, hệ thống giao thông và logistic kết nối hiệu quả. Việc vươn lên trong nấc thang chuỗi giá trị đóng vai trò quan trọng để cải thiện năng suất.

Quá trình chuyển đổi nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long là minh chứng rõ ràng. Theo đó, việc chuyển từ mô hình lúa - hoa quả - tôm sang tôm - hoa quả - lúa đóng vai trò quan trọng. Cùng với đó là sự liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng rất quan trọng giúp Việt Nam nâng cao năng suất, vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng, đổi mới sáng tạo trong quá trình tìm kiếm giải pháp tăng trưởng năng suất của Việt Nam. Bên cạnh đó là việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi hiệu quả nhất khi nguồn vốn này đang rút dần khi Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình.

VDF 2017 tập trung vào phân tích thực trạng và các trở ngại cho việc tăng năng suất tại Việt Nam, từ đó đề ra các giải pháp cụ thể để thúc đẩy tăng năng suất, một trong các giải pháp lâu dài cho Việt Nam phát triển, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và bắt kịp các nền kinh tế phát triển trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự diễn đàn thảo luận trong hai phiên với chủ đề “Tăng trưởng năng suất: Xu thế toàn cầu và thách thức tại Việt Nam” và phiên 2 “Giải phóng năng suất vì sự phát triển bền vững của Việt Nam”./.