Không lo ngân hàng thiếu vốn

Theo số liệu của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, tổng vốn huy động trên địa bàn Thành phố thực hiện đến 01/9/2015 đạt 1.451.000 tỷ đồng, tăng 2% so tháng trước (chỉ số này tháng trước tăng 0,5%) và tăng 19,3% so với tháng cùng kỳ. Như vậy, tính từ đầu năm, vốn huy động đã tăng 8% so với cuối năm trước.

Vốn huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần chiếm 54,1% tổng vốn huy động, tăng 14,8% so với tháng cùng kỳ năm trước. Vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 16,2%, tăng 28,3% so tháng cùng kỳ. Vốn huy động bằng VNĐ chiếm 83,8% tổng vốn huy động, tăng 17,7% so tháng cùng kỳ. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm chiếm 54,7% tổng vốn huy động (đạt 793.400 tỷ đồng), tăng 16,1% so với tháng cùng kỳ.

Trả lời phỏng vấn Tạp chí điện tử Diễn đàn đầu tư, Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù lãi suất huy động so với những năm trước có giảm nhưng nguồn vốn vào ngân hàng vẫn ổn định. Do vậy, không lo ngân hàng thiếu vốn cho nền kinh tế.

Đối với hoạt động cho vay, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố đến đầu tháng 9 đạt 1.143.200 tỷ đồng, so với tháng 12/2014 tăng 7,1% và tăng 14,3% so với tháng cùng kỳ.

Dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần đạt 640.000 tỷ đồng, chiếm 56% tổng dư nợ, tăng 15,2% so tháng cùng kỳ. Dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 158.400 tỷ đồng, chiếm 13,9% tổng dư nợ, giảm 5,2% so tháng cùng kỳ. Dư nợ tín dụng bằng VNĐ đạt 984.800 tỷ đồng chiếm 86,1% tổng dư nợ, tăng 18,2% so tháng cùng kỳ.

Dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm 55,2%, tăng 28,1% so tháng cùng kỳ. Dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm 44,8%, tăng 0,8% so tháng cùng kỳ.

Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13-15% cả năm, như vậy từ nay đến cuối năm Thành phố cần khoảng 60.000 - 100.000 tỷ đồng (tương ứng 5%-7%) để cung ứng cho các doanh nghiệp vay vốn cuối năm. Theo ông Minh, tín dụng tăng từ đầu năm đến nay chủ yếu tập trung vào sản xuất kinh doanh, chiếm 80,2%, còn 19,8% tăng còn lại thì có khoảng 13% là cho vay bất động sản và 6,8% là cho vay tiêu dùng.

TP. Hồ Chí Minh đã "về đích" nợ xấu

Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, tính đến cuối tháng 8/2015, ngành ngân hàng trên địa bàn Thành phố có nợ xấu là 52.529 tỷ đồng, chiếm 4,6% tổng dư nợ.

Nếu trừ nợ xấu của 3 ngân hàng bị mua 0 đồng (OceanBank, CBBank và GPBank) là 20.500 tỷ đồng, thì tổng nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn chỉ khoảng 32.029 tỷ đồng, tương ứng mức 2,8%. So với chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, thì ngành ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đã về mức dưới 3% đúng thời hạn.

Ngân hàng Nhà nước đã giao các ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh phải xử lý xong 25.300 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay, trong đó tự xử lý là 3.100 tỷ đồng, bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) là 22.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong 9 tháng qua các ngân hàng đã tự xử lý nợ xấu được 5.731 tỷ đồng, đạt 183% kế hoạch được giao. Bán nợ cho VAMC được 21.404 tỷ đồng, đạt 96,7% kế hoạch giao. Như vậy, tổng nợ xấu đã được xử lý là 27.135 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch giao 7,3%.

Với việc nợ xấu đã được xử lý rốt ráo, do vậy, tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong những tháng cuối năm 2015. Ông Minh khẳng định, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13%-15% trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh là hoàn toàn khả thi./.

Nguồn tham khảo:

http://www.pso.hochiminhcity.gov.vn

http://bizlive.vn/tai-chinh/no-xau-cua-ngan-hang-tphcm-da-ve-duoi-3-1316346.html