Tuyệt đối không được thỏa mãn, chủ quan

Chiều nay (ngày 28/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023..., theo Văn phòng Quốc hội.

Cũng tại phiên họp chiều nay, giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, năm 2022 là năm hết sức đặc biệt. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm nay được xây dựng trong bối cảnh nhiều vấn đề thế giới và trong nước chưa lường hết được, đặc biệt là thay đổi rất nhanh, rất phức tạp, rất khó lường và vượt xa các dự báo.

Thách thức trong thời gian tới là rất lớn với nhiều yếu tố bất định hơn
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 được xây dựng trong bối cảnh nhiều vấn đề thế giới và trong nước chưa lường hết được (nguồn: quochoi.vn)

Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng cho biết, nền kinh tế còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế, bất cập về: chất lượng tăng trưởng kinh tế; năng suất lao động; quản lý điều hành xăng dầu; thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia…

“Những khó khăn, thách thức trong thời gian tới là rất lớn với nhiều yếu tố bất định hơn, phức tạp hơn, tác động nhanh hơn, mạnh hơn, toàn diện hơn. Vì vậy, chúng ta tuyệt đối không được thỏa mãn, chủ quan, lơ là, đặc biệt là những yếu tố tác động trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như mong muốn

Liên quan đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng cho rằng, đây là nội dung quan trọng, then chốt để thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi, phát triển kinh tế và được các đại biểu, cũng như cử tri cả nước quan tâm. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành rất nhiều nghị quyết, công điện, văn bản để đôn đốc, chỉ đạo; triển khai, tổ chức 3 hội trực tuyến, 6 tổ công tác. Kết quả tuy có thấp hơn khoảng 1 điểm phần trăm, nhưng về giá trị tuyệt đối thì đã thực hiện cao hơn 40.000 tỷ đồng, tức là tăng 16%.

Thách thức trong thời gian tới là rất lớn với nhiều yếu tố bất định hơn
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên họp Quốc hội chiều 28/10 (nguồn: quochoi.vn)

Về Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đây là chương trình rất lớn và lần đầu tiên thực hiện quy mô lớn, nên đòi hỏi phải tiết kiệm, hiệu quả; chống thất thoát, lãng phí và trục lợi. Vì vậy phải ban hành nhiều chính sách để quản lý. Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy nhanh hơn triển khai chương trình này…

Về nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như mong muốn, Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 76,5% vốn ngân sách nhà nước là do địa phương quản lý và tổ chức thực hiện, nên đề nghị nâng cao vai trò của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát từ khâu lựa chọn dự án, chuẩn bị đầu tư, đến giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng kiến nghị nghiên cứu sửa ngay trong Luật Đất đai theo hướng cho thực hiện một số hành động trước như kiểm đếm, đo đạc, khảo sát khi chúng ta đã có quy hoạch và có chủ trương đầu tư. Như vậy sẽ giảm được 6 - 8 tháng về tiến độ triển khai.

Tiếp thu, ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, về phần Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan để tiếp tục theo dõi chặt chẽ, nghiên cứu kịp thời, đề xuất các giải pháp trong thời gian tới./.