Tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam được tổ chức mới đây, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO) khẳng định, chiến lược sản xuất kinh doanh ô tô của THACO là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. THACO hiện là đối tác của các hãng xe trên thế giới, từ cấp thấp đến cấp cao, như: KIA, Mazda, Peugeot và mới đây là BMW.

Công ty lấy phương châm xuất phát từ những xe rất dễ làm tiến đến khó hơn và từng bước có những sản phẩm mang thương hiệu THACO như xe bus, xe tải. Những năm qua, THACO vẫn giữ được thị phần từ 30% đến 35% và không ngừng nỗ lực để cạnh tranh, kéo được giá xe gần ngang bằng được với các nước trong khu vực.

Đối với xe tải, xe bus, THACO cố gắng nâng cấp các thương hiệu của mình, làm sao hiệu quả nhất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là góp phần điều chỉnh chi phí với các sản phẩm phù hợp.

Bên cạnh đó, THACO còn chú trọng vào xuất khẩu. Năm 2019, THACO dự kiến xuất khẩu 58 xe bus và 440 xe du lịch; năm 2020 sẽ xuất khẩu 1.745 xe, trong đó 185 xe bus và 1.560 xe du lịch.

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị THACO

Liên quan đến chiến lược cơ khí ô tô, THACO quyết tâm phát triển cơ khí, hình thành Trung tâm cơ khí đa dụng miền Trung và Trung tâm Cơ khí của Việt Nam. Hiện nay THACO có một tổ hợp sản xuất và gia công cơ khí với diện tích 19 hecta, trong đó diện tích nhà xưởng là 11,5 hecta, riêng kỹ sư cơ khí là 350 kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề là 1.300 người.

THACO cũng cung cấp dây chuyền, vật liệu, thí nghiệm vật liệu, gia công phôi, gia công định hình, gia công cơ khí chính xác, xử lý bề mặt nguyên vật liệu và đặc biệt đã bắt đầu gia công sản xuất các chi tiết cho các doanh nghiệp khác ngoài ô tô như Doosan Vina, General Electric, Makitech (Nhật Bản), Agata (Nhật Bản), Three Star (Nhật Bản) và một số doanh nghiệp trong nước đặt tại địa bàn Chu Lai.

Mặt khác, THACO đang triển khai cơ khí nông, lâm nghiệp. THACO quyết tâm đầu tư vào nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp theo phương pháp công nghiệp, cơ khí hóa trên toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất, trồng trọt, chế biến, vận chuyển, bảo quản và đặc biệt chúng tôi phải có được quy mô lớn, trong đó có sản lượng lớn, chất lượng.

“Làm lớn và cơ giới hóa không chỉ giúp nâng cấp được nông nghiệp của Việt Nam, mà còn cạnh tranh rất tốt và có hiệu quả trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế”, Chủ tịch THACO nhấn mạnh.

Đối với công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), THACO kết hợp với các doanh nghiệp nước ngoài để làm R&D tổng thể, trong đó chiếm 30%. Ngoài ra để gia công sản xuất chi tiết, thì hoạt động R&D của THACO phấn đấu đạt tỷ lệ đến 60%.

Về công nghệ, đến nay THACO đã có những công nghệ riêng thông qua đội ngũ kỹ sư mà công ty đào tạo, huấn luyện trong hơn 15 năm qua. Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, THACO cho rằng cần tập trung tinh thần vào sản xuất hoàn toàn tự động hóa nhưng theo yêu cầu riêng lẻ của khách hàng./.