Thẩm định Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ
Sáng nay, 15/12, Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, đã họp. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Thường Bùi |
Vùng Đông Nam Bộ hướng tới trở thành trung tâm kinh tế, tài chính... đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của cả nước và khu vực
Thay mặt đơn vị tư vấn lập quy hoạch, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển TS. Trần Hồng Quang báo cáo về nội dung chính của Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn năm 2050.
TS. Trần Hồng Quang nêu rõ, Đông Nam Bộ là đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm. Hệ thống khu, cụm công nghiệp ở vùng Đông Nam Bộ phát triển bậc nhất cả nước (chiếm 30,6%) gắn với các hành lang kinh tế.
Đây là khu vực có tỷ lệ đô thị hóa đứng đầu cả nước (67,3%), được phân bố tương đối hợp lý, diện mạo ngày càng hiện đại với các trung tâm dịch vụ tài chính-ngân hàng, thương mại, logistics, trung tâm về đào tạo, y tế, khoa học công nghệ.
Tuy nhiên, vùng Đông Nam Bộ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại, chậm đổi mới mô hình tăng trưởng. Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Các hành lang kinh tế, tiểu vùng động lực chưa rõ nét. Công nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, phân bổ chưa hợp lý, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, nhà ở) quá tải...
Theo báo cáo của đơn vị tư vấn lập quy hoạch, kịch bản phát triển trong giai đoạn 2021-2030 của vùng Đông Nam Bộ được lựa chọn có tốc độ tăng trưởng trung bình 8-9%/năm, thu nhập bình quân đầu người 14.500-15.800 USD/năm. Mô hình tăng trưởng của vùng ưu tiên các ngành công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, trong đó, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm, động lực phát triển.
Vùng Đông Nam Bộ hướng tới trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Không gian phát triển của vùng gắn với hệ thống kết cầu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tập trung xây dựng các hành lang kinh tế, vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics kết nối với các vùng, địa phương lân cận và quốc tế; gắn kết giữa đất liền và không gian biển, quản lý và sử dụng hiệu quả không gian ngầm, không gian trên cao; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, khai thác hiệu quả tài nguyên số; chú trọng bảo vệ môi trường, rừng, tài nguyên biên, an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong đó, tiểu vùng trung tâm (TP. Hồ Chí Minh, khu vực phía nam tỉnh Bình Dương, phía tây nam tỉnh Đồng Nai) ưu tiên cho dịch vụ chất lượng cao về tài chính-ngân hàng, y tế, giáo dục-đào tạo; công nghiệp công nghệ cao, chuyên sâu; đầu mối giao thương quốc tế.
Tiều vùng ven biển (khu vực Cần Giờ của TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phát triển kinh tế biển như: cảng biển, logistics, khai thác và chế biến dầu khí, du lịch biển đảo, khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản…
Tiểu vùng phía bắc (các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và khu vực phía bắc của hai tỉnh Đồng Nai, Bình Dương) phát triển kinh tế cửa khẩu, logistics, công nghiệp chế biến nông lâm sản, mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng, trồng cây công nghiệp, bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học.
Hệ thống đô thị của vùng Đông Nam Bộ phát triển theo hướng thông minh, hiện đại, kết nối với các đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới; dọc theo các đầu mối giao thông lớn, tại các vùng có địa hình cao; hạn chế mở rộng đô thị trên diện rộng, đặc biệt tại khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics; chuỗi công nghiệp-đô thị; các tổ hợp công nghiệp-dịch vụ-đô thị.
Khu vực nông thôn ưu tiên bố trí khu dân cư tập trung, hạn chế bám dọc theo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, phù hợp với đặc điểm và hình thái phân bố tại vùng đô thị hoá, sản xuất xuất nông nghiệp hàng hoá, đồng bằng, ven biển, biên giới…
Nguồn: Báo cáo của đơn vị tư vấn lập quy hoạch |
Đến thời điểm trình thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được tổng cộng khoảng 620 ý kiến tham gia
Thay mặt Cơ quan lập quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ là quy hoạch vùng thứ ba được Hội đồng thẩm định tổ chức thẩm định (sau Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung).
Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ được lập trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quốc hội thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, hiện nay đã có 108/111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch đã hoàn thành việc lập, trình thẩm định; đến nay đã có 19 quy hoạch cấp quốc gia, 01 quy hoạch vùng và 33 quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ trưởng cho biết, trên cơ sở nhiệm vụ lập quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 463/QĐ-TTg ngày 14/4/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức điều tra, thu thập số liệu, phân tích và đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2011-2020 và triển khai lập quy hoạch.
Trong quá trình lập quy hoạch vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức các Hội nghị giữa đơn vị tư vấn với các chuyên gia, nhà khoa học; tổ chức các đoàn khảo sát và làm việc với 06 địa phương trong vùng; làm việc với các cơ quan, đơn vị chuyên môn của các Bộ, ngành trung ương để thống nhất nội dung phát triển ngành trên địa bàn vùng hoàn thiện dự thảo quy hoạch vùng.
Ngày 18/9/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản và gửi Hồ sơ quy hoạch vùng để xin ý kiến Mặt trận Tổ quốc, các Bộ, ngành Trung ương, 06 địa phương trong vùng và 04 địa phương liền kề với vùng. Song song với quá trình lấy ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ ngày 26/11/2023 tại Thành phố Hồ chí Minh để tham gia đối với quy hoạch. Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng điều phối vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch vùng để trình Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng tại Tờ trình số 9198/TTr-BKHĐT ngày 03/11/2023.
Tính đến thời điểm trình thẩm định quy hoạch vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được tổng cộng khoảng 620 ý kiến tham gia đối với quy hoạch; trong đó, đã nghiên cứu tiếp thu khoảng 475 ý kiến, giải trình 50 ý kiến, còn lại khoảng 95 ý kiến là các nội dung cụ thể thuộc phạm vi của quy hoạch tỉnh không thuộc phạm vi của quy hoạch vùng.
Thay mặt đơn vị tư vấn lập quy hoạch, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Trần Hồng Quang báo cáo về nội dung chính của Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn năm 2050 |
6 nội dung cốt lõi trình Hội đồng thẩm định
Theo Thứ trưởng, nội dung quy hoạch vùng được hoàn thiện, trình Hội đồng thẩm định tập trung vào một số nội dung cốt lõi, đó là:
(i) Quan điểm là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030; phát triển với mục tiêu tăng trưởng cao, dựa vào 3 trụ cột chính: con người - thiên nhiên - truyền thống văn hóa, lịch sử; lấy con người là trung tâm, thiên nhiên là nền tảng, truyền thống văn hóa lịch sử là động lực cho phát triển.
(ii) Phát triển vùng thành một trung tâm, đầu tàu, mô hình mẫu về phát triển kinh tế - xã hội và là trung tâm lớn nhất về kinh tế - xã hội của đất nước.
(iii) Cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp, dịch vụ, du lịch; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, công nghệ cao; phát triển nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
(iv) Về cấu trúc phát triển gồm 03 tiểu vùng; 06 hành lang kinh tế và vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ; 02 hành lang xanh - sinh thái gắn với các lưu vực sông; vùng động lực quốc gia với Thành phố Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng; Phân bố lại không gian công nghiệp - đô thị gắn với chuyển đổi các khu công nghiệp theo mô hình hiện đại, sinh thái, tuần hoàn;
(v) Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, ưu tiên phát triển công nghiệp bán dẫn, sản xuất chíp, phát triển dịch vụ tài chính theo hướng đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính toàn cầu;
(vi) Phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện mạng lưới hạ tầng kết nối như: đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị nội vùng, cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng Cái Mép - Thị Vải; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông nội vùng, liên vùng, kết nối với khu vực. Tập trung xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh./.
Bình luận