Thành tích "tái" đầu tư công có được là do… thiếu vốn
Ngày 7/11, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Giải pháp Tái cơ cấu đầu tư công trong khuôn khổ đổi mới mô hình tăng trưởng”.
Có giảm, nhưng…
Theo báo cáo của Chính phủ, quá trình chuyển dịch cơ cấu có sự thay đổi theo hướng tích cực. Hệ số ICOR toàn nền kinh tế giảm từ mức 6,7 giai đoạn 2008-2010 xuống còn 5,53 giai đoạn 2011-2013. Điều này cho thấy, việc triển khai nguồn vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch trung hạn đã bước đầu phân bổ vốn nhà nước một cách tập trung, hiệu quả hơn.
Tỷ trọng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP bình quân giai đoạn 2011-2013 thấp hơn giai đoạn 2006-2010 (31,5% so với 42,7% GDP)…
Đặc biệt tình hình tái cơ cấu đầu tư công đã được thực hiện đạt chuyển biến nhất định, song còn chậm.
Tỷ trọng đầu tư công trong nền kinh tế đã giảm từ 8,5% GDP giai đoạn 2006-2010 xuống còn 6% GDP giai đoạn 2011-2013. Tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội cũng giảm từ 53,4% giai đoạn 2006-2010 xuống còn trên dưới 40% trong giai đoạn 2011-2013 (vốn NSNN 19,6%; vốn trái phiếu Chính phủ 5,6%, vốn tín dụng đầu tư nhà nước 4,8%, vốn đầu tư DNNN 8,8%).
“Tuy nhiên vì sao đạt được kết quả. Chưa phải do nhận thấy cần điều chỉnh, mà cái chính là …. thiếu tiền. Chi ngân sách đã đến 72% GDP, chi trả nợ đã vượt 26% GDP. Vậy kể cả bội chi cũng có rất ít tiền cho đầu tư công. Do đó, các ngành và địa phương... Đành phải lựa chọn mà thôi, chứ chưa thành hành động có chủ đích, thừa tiền cũng không làm như vậy”, GS. Thái thẳng thắn.
Đồng thời, trên thực tế, khi phải giảm tổng đầu tư, thì tỷ trọng vốn Nhà nước lại tăng lên vượt 40%, tiếp tục vượt sức nền kinh tế, do bố trí từ nhiều nguồn, gây nợ công tăng nhanh.
“Câu hỏi đặt ra nếu nền kinh tế hồi phục, tốt rồi, thì ta có cần tái hay không?”, ông Thái đặt câu hỏi.
Đầu tư công có dấu hiệu bị lạm dụng
TS. Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Chính sách đầu tư - CIEM, chia sẻ, 6 năm nghiên cứu về đầu tư công tại 12 tỉnh, thành cho thấy, đầu tư công cấp địa phương bị khép kín do quá trình phê duyệt chủ trương và danh mục đầu tư. Do đó, quy trình này có nguy cơ bị tác động bởi các nhóm lợi ích.
“Nhiều danh mục đầu tư công tại các tỉnh, thành phố xuất phát từ những đề xuất của chủ đầu tư, thậm chí do tư vấn theo đuổi”, ông Thắng nói.
Ngoài ra, do có danh mục dự án đầu tư hằng năm, nên việc thẩm định dự án chỉ mang tính thủ tục, tỷ lệ loại bỏ dự án rất thấp.
Như Đà Nẵng, 5 năm qua chỉ loại bỏ 1 dự án sau khi thẩm định. Phần lớn dự án không đưa ra các phương án để lựa chọn phương án hiệu quả nhất, chi phí thấp nhất.
Đồng tình với TS. Thắng, TS. Đoàn Hồng Quang (đại diện Ngân hàng Thế giới) chỉ rõ, đầu tư công thường bị các chính khách lạm dụng để gây ảnh hưởng chính trị cho mình. Chính khách về thăm các địa phương và có thể đưa ra quyết định đầu tư cho một dự án nào đó, hoặc chủ trương đầu tư được quyết định trong cuộc họp
Còn GS. Nguyễn Quang Thái thì chỉ rõ, cơ chế phân cấp và thể chế nói chung còn yếu, đầu tư công quy định đầu tư trung hạn, ý tưởng rất hay, nhưng có vấn đề.
GDP sẽ không để cho từng tỉnh tính nữa, mà để Tổng cục Thống kê tính chung. Song, do chưa thi hành, trong khi sang năm là đại hội đảng các cấp. Như vậy, tất cả các đại hội sẽ cho các chỉ tiêu tăng cao, sẽ theo cái cũ.
Quy định đầu tư trung hạn sẽ hiếu đồng bộ. Bởi, nếu tầm nhìn trung hạn, thì phải theo tính toán đồng bộ. Nhưng, tính toán kế hoạch thì theo như cũ, trong khi tính toán thực hiện lại theo cái mới.
Trong thực tế, tình trạng phân cấp đến khoán trắng, nên dù ban đầu khoảng 50% được phân về địa phương, kết hợp với ủy quyền có thể còn lên thêm, nhưng các địa phương lại sử dụng với ưu tiến khác của quốc gia, nên việc thực hiện mục tiêu đã bị lệch. Chất lượng điều chỉnh chưa cao, một phần vì mới có luật Đầu tư công.
Mặt khác cân đối đầu tư trung hạn, nhưng toàn bộ tài chính công, thì vẫn làm từng năm.
“Thành ra, trong điều kiện kinh tế chưa ổn định vững chắc, thì các dự kiến 5 năm, xây dựng kế hoạch đầu tư bị “trượt” nghe thì hay, nhưng sẽ hành động khó vì thiếu đồng bộ. Kế hoạch vay trả nợ cũng là tính vĩ mô cho 5-10 năm, nhưng cụ thể các ngành, các địa phương thế nào cũng chưa rõ”, GS. Thái đánh giá.
Vậy phải làm gì?
Theo ông Thắng, cần xem khâu thẩm định, đánh giá dự án đầu tư công là yếu tố then chốt trong cải cách thể chế quản lý đầu tư công. Đồng thời, thị trường hóa các dự án đầu tư công để thu hút vốn khu vực ngoài nhà nước, tăng tính độc lập, công khai, minh bạch của dự án, trách nhiệm của người phê duyệt, chủ đầu tư.
GS. Nguyễn Quang Thái cho rằng, cần coi đầu tư công chỉ là “mồi”, vai trò chủ lực đầu tư phải là kinh tế tư nhân.
“Đầu tư công là để phục vụ xã hội. Sau khi đầu tư, nếu có hiệu quả, Nhà nước có thể thoái vốn cho tư nhân thực hiện tiếp”, ông Thái nói.
Tiếp tục cải cách thể chế, tạo điều kiện nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của cả nền kinh tế, phát triển theo hướng bền vững và bao trùm.
Phân tích về mối liên hệ giữa đầu tư công và nợ công, TS. Lê Hải Mơ (Bộ Tài chính) cho rằng: Để giải quyết vấn đề nợ công và đầu tư công phải quay lại cái gốc của vấn đề là nhận thức lại cho thật đúng vai trò kinh tế Nhà nước, DNNN...; xác định lại căn bản phạm vi, lĩnh vực cần có mặt của kinh tế Nhà nước và đầu tư công. Chìa khóa giải quyết 2 vấn đề này là tái cơ cấu cơ bản cơ cấu, quy mô chi NSNN, hệ thống quỹ ngoài ngân sách.
Ông Phạm Sỹ An, Viện Kinh tế Việt Nam, khuyến nghị, cần giảm quy mô của đầu tư công. Thay đổi tỷ trọng của đầu tư công vào từng lĩnh vực: cung cấp cơ sở vật chất hạ tầng, dịch vụ công chất lượng; tăng đầu tư vào giáo dục-đào tạo, hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ…
Ông cũng cho rằng, cần có lộ trình tái cơ cấu đầu tư công và công cụ để giám sát tiến trình, tăng cường vai trò của người dân, các tổ chức xã hội, các phương tiện truyền thông trong việc giám sát hoạt động đầu tư công, tăng cường sự tham gia của các đối tượng thụ hưởng hay đối tượng chịu ảnh hưởng đến quá trình quyết định, thực hiện các dự án đầu tư công./.
Bình luận