Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 10 năm xây dựng và trưởng thành
Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch Nước tặng thưởng
Những thành tựu đáng tự hào
Ông Trần Kỳ Sơn Chánh Thanh tra Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, So với Thanh tra các ngành khác, Thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư ra đời muộn nhất. Do nhu cầu thực tiễn của xã hội, ngày 19/8/2003, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Quyết định số 614/QĐ-BKH về việc thành lập Thanh tra Bộ. Đến ngày 01/6/2004, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2004/TTLT/BKH-BNV hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp UBND cấp tỉnh, cấp huyện quản lý nhà nước về kế hoạch và đầu tư ở địa phương, trong đó có hướng dẫn việc thành lập tổ chức Thanh tra trực thuộc sở kế hoạch và đầu tư tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong những năm đầu mới được thành lập, tuy số lượng cán bộ mỏng, kinh nghiệm hạn chế, nhưng Thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành song song 2 hoạt động thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính phục vụ yêu cầu trong công tác quản lý nhà nước của ngành.
Lực lượng cán bộ Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư được tăng cường qua từng năm, cụ thể: năm 2005 mới có 174 người, năm 2010 đã có 246 người, đến tháng 8/2014, số lượng cán bộ thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư đã là 294 người. Bình quân mỗi Thanh tra Sở có từ 4 - 5 cán bộ, không còn tình trạng bố trí 1 - 2 cán bộ như trước thời điểm năm 2010 ở một số Thanh tra Sở.
Hiện tại, số lượng cán bộ, công chức của Thanh tra Bộ là 34 người, gồm: Chánh Thanh tra, 03 Phó Chánh Thanh tra và 06 Phòng chuyên môn, nghiệp vụ.
Trong 10 năm, Thanh tra Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành 8.327 cuộc thanh tra chuyên ngành. Thanh tra Bộ tiến hành 76 cuộc thanh tra chuyên ngành, phát hiện và kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 6.874 tỷ đồng và 67 triệu USD (trong đó: kiến nghị thu hồi về ngân sách là 982,5 tỷ đồng; giảm trừ khi thanh toán, quyết toán là 45,85 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 5.683,7 tỷ đồng và 67 triệu USD), kiến nghị thu hồi gần 6 ha đất; kiến nghị thu hồi 57 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 12.185 tỷ đồng và 15 triệu USD, diện tích đất đăng ký khoảng 5.269,7 ha.
Từ những tồn tại, hạn chế phát hiện được qua thanh tra, Thanh tra Bộ đã kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp để khắc phục. Đây là những vấn đề thực tiễn rất có giá trị đóng góp vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đầu tư công, đầu tư ở khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp, quy hoạch...
Trong giai đoạn đầu, Thanh tra Bộ tập trung thanh tra các dự án đầu tư xây dựng cụ thể về giao thông, thuỷ lợi, điện, thanh tra công tác đấu thầu....Từ năm 2011 đến nay, trên cơ sở các bài học kinh nghiệm từ tổng kết hoạt động giai đoạn 2004-2010, Thanh tra Bộ chuyển hướng tiến hành thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề ở một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, như: đầu tư bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng (07 cuộc); đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT, BTO (04 cuộc); đầu tư phát triển bằng nguồn vốn Nhà nước và kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg (16 cuộc).
Ở địa phương, theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, của tỉnh, Thanh tra các Sở tiến hành 8.251 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và đã phát hiện sai phạm về kinh tế là 96 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 66,6 tỷ đồng; xử lý khác về kinh tế là 29,4 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 6 ha đất, 593 giấy chức nhận đăng ký kinh doanh, 10 giấy chứng nhận đầu tư; ra 1.880 quyết định xử phạt hành chính với số tiền xử phạt là 13,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc triển khai thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của Thanh tra Sở cũng chưa được sâu rộng và phổ biến. Nhiều Thanh tra Sở chỉ mới tập trung vào một số lĩnh vực nhất định như: dự án đầu tư xây dựng cụ thể; hoạt động doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh; đấu thầu...
Trong 10 năm qua, Thanh tra Kế hoạch và Đầu tư tiến hành là 418 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính. Trong đó: Thanh tra Bộ đã tiến hành 21 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế và kiến nghị thu hồi số tiền là 1,7 tỷ đồng và 47.000 USD.
Ở giai đoạn đầu, vừa ổn định tổ chức, bộ máy vừa tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra để tích lũy kinh nghiệm, các cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính tập trung vào các dự án hỗ trợ kỹ thuật do các đơn vị thuộc Bộ thực hiện. Từ năm 2010 đến nay, thực hiện Kết luận Hội nghị tổng kết 5 năm, Thanh tra Bộ đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thanh tra các Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành 397 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính, đã phát hiện và kiến nghị xử lý về kinh tế 2,1 tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu hồi 1,5 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 22 cá nhân, đồng thời yêu cầu các tổ chức, cá nhân kiểm điểm, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và đề ra các biện pháp sửa đổi.
Thanh tra Bộ 10 năm liên tiếp (2004-2013) đạt được danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động hạng II năm 2014; Huân chương Lao động hạng III năm 2009; Cờ thi đua Chính phủ năm 2011; Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm 2007 và năm 2011; và được của Bộ trưởng, Tổng Thanh tra Chính phủ tặng nhiều Cờ thi đua, Bằng khen. |
Mặc dù số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính chưa nhiều, nhưng phần nào đã đáp ứng được yêu cầu quản lý đề ra, đã giúp cho Thủ trưởng các đơn vị nắm rõ tình hình hoạt động của đơn vị, khắc phục được những sai sót, khuyết điểm, phát huy yếu tố tích cực trong công tác quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả công việc.
Trong những năm gần đây, Thanh tra ngành cũng đã nhận thêm một nhiệm vụ hoàn toàn mới là công tác kiểm toán nội bộ: Đây là nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh tăng cường công tác phòng chống tham nhũng trong các dự án ODA.
Thanh tra Bộ đang triển khai kiểm toán nội bộ Dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2 do WB tài trợ, với các hoạt động như: xây dựng tài liệu và tổ chức đào tạo về phương pháp kiểm toán nội bộ; xây dựng kế hoạch kiểm toán và thực hiện kiểm toán tại các đơn vị quản lý và thực hiện dự án.
Hiện tại, Thanh tra Bộ đang chuẩn bị thực hiện kiểm toán nội bộ 02 Dự án: (1) Dự án giảm nghèo các tỉnh Tây Nguyên và (2) Dự án đổi mới sáng tạo hướng tới người có thu nhập thấp.
Thời gian qua, Thanh tra Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp hơn 273 lượt công dân (trong đó 10 đoàn khiếu kiện đông người), đã tiếp nhận và xử lý 2.704 đơn khiếu nại, tố cáo, bao gồm: 1.916 đơn khiếu nại, 788 đơn tố cáo; trong đó thuộc thẩm quyền giải quyết: 463 đơn khiếu nại và 129 đơn tố cáo.
Các vụ việc thuộc thẩm quyền đều đã được giải quyết giải đảm bảo thời hạn, trình tự pháp luật quy định, đạt tỷ lệ giải quyết 98%. Qua theo dõi, ngành Kế hoạch và Đầu tư không còn vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, phức tạp.
Chặng đường phía trước còn rất nặng nề
Trong bài trả lời phỏng vấn của Báo Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã chỉ rõ, nhiệm vụ của Thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian tới rất nặng nề.
Đặc biệt, trong hoạt động thanh tra chuyên ngành, nhiệm vụ của Thanh tra ngành là đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về đầu tư công đã để đánh giá việc thực hiện Luật đầu tư công và việc triển khai giao kế hoạch vốn đầu tư trung hạn; tiếp tục thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật hợp tác xã, công tác quản lý và thực hiện các Chương trình, Dự án sử dụng ODA...
Trong giai đoạn 2015-2017 tiến hành thanh tra các chuyên đề về (i) đầu tư phát triển tại các Bộ, ngành, địa phương; (ii) các dự án BOT, BT, PPP... trong lĩnh vực giao thông, điện, môi trường...; (iii) các dự án ODA; (iv) các Chương trình hỗ trợ có mục tiêu theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Triển khai nghiên cứu các đề án thanh tra các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ để đưa vào Kế hoạch thanh tra trong các giai đoạn tiếp theo.
Thanh tra Bộ có trách nhiệm hướng dẫn Thanh tra Sở triển khai các hoạt động thanh tra chuyên ngành phù hợp với định hướng từng giai đoạn.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, công tác thanh tra khó khăn, phức tạp, nhưng đặc biệt quan trọng và cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi Chính phủ nỗ lực thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, mà trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, vốn đầu tư được bố trí theo kế hoạch trung hạn 5 năm; các bộ, ngành, địa phương được phân cấp lựa chọn dự án, quyết định đầu tư.
“Thanh tra chính là công cụ giúp Bộ trưởng thực hiện công tác hậu kiểm trong đầu tư công”, Bộ trưởng khẳng định.
Ở một góc độ khác, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết, trong thời gian tới, cụ thể là năm 2015, ASEAN sẽ trở thành khối cộng đồng kinh tế thống nhất. Do đó, Việt Nam cần có cách ứng xử chung vàc các hoạt động thanh tra, kiểm tra cybgx cần có sự tương thích. Thứ trưởng yêu cầu Thanh tra Bộ cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện thể chế hoạt động Thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư phù hợp các quy định mới của như Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu... để nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính chuyên nghiệp trong công tác.
Trên cơ sở tăng cường lực lượng, Thứ trưởng cũng yêu cầu Thanh tra ngành mở rộng đối tượng thanh tra. Mảng FDI và môi trường kinh doanh hiện nay còn hạn chế. Trong khi đó, các nước trong khu vực ưu tiên lĩnh vực này.
Thứ trưởng đánh giá, công tác thanh tra giấy phép kinh doanh, độ minh bạch, trình tự thủ tục, thanh tra lĩnh vực FDI đã được những kết quan trọng, nhưng vẫn có nhiều vấn đề khúc mắc. Vì vậy, cần phối hợp với Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành để lãm rõ những vấn đề xã hội quan tâm.
“Như vậy, sẽ thay đổi được môi trường kinh doanh. Và, đây cũng là cách tốt nhất giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước của mình”, Thứ trưởng Trung chỉ rõ./.
Bình luận