Trịnh Thu Thủy

Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội

Nguyễn Thùy Dương

Khoa Kinh tế, Trường Đại học Hoa Lư

Tóm tắt

Từ tổng quan nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng tới sự hài lòng về môi trường đầu tư cũng như việc thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, nghiên cứu này thiết lập mô hình xem xét đánh giá ảnh hưởng của các chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tới dự định đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Mô hình nghiên cứu sẽ được vận dụng cho việc kiểm định đánh giá mức độ ảnh hưởng của mỗi nhân tố thành phần PCI đối với dự định đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong tương lai.

Từ khóa: chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, dự định đầu tư, mô hình nghiên cứu

Summary

From a literature review on factors affecting satisfaction with the investment environment as well as investment attraction in the province, this study establishes a model to consider and evaluate the impact of component indices of the provincial competitiveness index (PCI) on the investment intentions of businesses in Ninh Binh province. The research model will be applied to test and evaluate the influence of each PCI component factor on the investment intentions of businesses in Ninh Binh province in the future.

Keywords: provincial competitiveness index, investment intention, research model

GIỚI THIỆU

Những năm qua, Ninh Bình được đánh giá là tỉnh có nhiều tiến bộ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, tuy nhiên, thứ tự xếp hạng năng lực cạnh tranh của Ninh Bình so với các tỉnh thành khác tăng, giảm không ổn định. Vì vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh để thu hút đầu tư từ doanh nghiệp đã trở thành vấn đề cấp thiết được các cấp chính quyền Tỉnh quan tâm, đặc biệt là xem xét các yếu tố thành phần của PCI tới khả năng thu hút đầu tư của Tỉnh, trên cơ sở đó giúp các nhà quản lý và hoạch định chính sách của Tỉnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI và đạt hiệu quả trong việc thu hút đầu tư.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT

Lý thuyết dự định hành vi

Theo lý thuyết dự định hành vi của Ajzen (2016), hành vi thực sự bị ảnh hưởng bởi dự định hành vi của cá nhân đối với hành vi sắp thực hiện. Dự định là trạng thái nhận thức ngay trước khi thực hiện hành vi, là một yếu tố dẫn đến thực hiện hành vi. Dự định hành vi là yếu tố quyết định hành vi thực tế, là yếu tố quan trọng nhất dự đoán hành vi. Lý thuyết hành vi dự định cho rằng, có thể dự đoán dự định hành vi với độ chính xác tương đối cao. Mối quan hệ giữa dự định hành vi và hành vi thực hiện đã được nêu ra và kiểm chứng thực nghiệm trong các nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực, theo đó dự định thực hiện hành vi được thể hiện qua xu hướng thực hiện hành vi.

Tuy nhiên, hành vi trong quá khứ lại đóng một vai trò quan trọng đối với dự định hành vi. Những hành vi đã thực hiện trước đó sẽ có một liên kết gián tiếp với dự định hành vi sau này (Ajzen, 2016). Do vậy, hành vi trong quá khứ thường được xem xét để dự đoán dự định hành vi và hành vi sau này.

Cả về mặt lý thuyết và thực tế, dự định hành vi và hành vi thực hiện có mối quan hệ rất chặt chẽ và tương quan mạnh mẽ với nhau. Nghiên cứu dự định hành vi có tính quan trọng hơn nghiên cứu hành vi thực tế, đặc biệt là trong các mô hình tâm lý học hành vi, các nghiên cứu mang tính dự báo và nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp can thiệp vào hành vi.

Các yếu tố ảnh hưởng đến dự định đầu tư của doanh nghiệp

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư hoặc quyết định đầu tư, đặc biệt là đầu tư FDI đối với một địa phương. Theo Cheng và Kwan (2000), có 4 yếu tố quyết định đầu tư FDI tại 29 khu vực ở Trung Quốc, bao gồm: Quy mô thị trường, Cơ sở hạ tầng, Chính sách ưu đãi và Chi phí tiền lương. Trong đó, Chi phí tiền lương ảnh hưởng tiêu cực đến thu hút FDI.

Nghiên cứu của Lê Tuấn Lộc (2013) chỉ ra 6 nhóm nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của doanh nghiệp FDI tại TP. Đà Nẵng bao gồm: Cơ sở hạ tầng, Công tác về quản lý và hỗ trợ của chính quyền địa phương, Sự hình thành và phát triển của cụm ngành, Chất lượng nguồn nhân lực, Vị trí địa lý và Tài nguyên thiên nhiên.

Huỳnh Thanh Nhã (2017) phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của các doanh nghiệp có vốn FDI về môi trường đầu tư tại tỉnh Tiền Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 6 nhân tố ảnh hưởng bao gồm: Nguồn nhân lực, Chi phí đầu vào cạnh tranh, Cơ sở hạ tầng đầu tư, Môi trường sống và làm việc, Lợi thế ngành đầu tư và Chế độ chính sách đầu tư.

Hồ Chí Dũng và cộng sự (2018) nghiên cứu mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với các yếu tố cấu thành PCI và ảnh hưởng của mức độ hài lòng của các yếu tố cấu thành PCI đến sự hài lòng của nhà đầu tư về môi trường trường kinh doanh. Nhóm tác giả kết hợp nghiên cứu định tính và định lượng, với việc thu thập dữ liệu bằng phương pháp phỏng vấn chuyên sâu cá nhân các nhà đầu tư. Kết quả cho thấy, sự hài lòng đối với môi trường kinh doanh của Phú Thọ bị tác động bởi 5 chỉ số thành phần PCI: Sự hài lòng đối với hoạt động đăng ký kinh doanh; Sự hài lòng đối với sự năng động của các cơ quan nhà nước; Sự hài lòng đối với môi trường pháp luật của Phú Thọ; Sự hài lòng đối với lực lượng lao động; Sự hài lòng đối với các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Huỳnh Thị Thúy Giang (2021) nghiên cứu mối quan hệ giữa chỉ số PCI và thu hút FDI tại các địa phương Việt Nam. Tác giả khẳng định, thu hút FDI vào các địa phương bị ảnh hưởng bởi 6 yếu tố thành phần của chỉ số PCI là: Tiếp cận đất đai; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh không bình đẳng; Sự năng động của lãnh đạo; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Nghiên cứu của Trần Hoàng Nam (2021) đã chỉ ra rằng, tác động của chỉ số PCI đến tỷ lệ đầu tư có xu hướng giảm dần theo độ trễ của thời gian; các địa phương càng gần thành phố trung ương, thì tỷ lệ đầu tư càng cao; thị trường tiêu thụ cũng có tác động tích cực đến tỷ lệ đầu tư; cơ sở hạ tầng có tác động tích cực đến tỷ lệ đầu tư; thành phần Chi phí không chính thức không có ảnh hưởng đến sự thu hút đầu tư. Trong khi đó, thành phần Khả năng tiếp cận đất đai và tính minh bạch và tiếp cận thông tin, thì có ảnh hưởng lâu dài đến sự thu hút đầu tư.

Lưu Hoài Nam, Tự Quang Phương (2023) cho thấy, 5 yếu tố: Chính trị pháp luật, Môi trường kinh tế, Môi trường văn hóa, Hạ tầng kỹ thuật và Hội nhập quốc tế có tác động tích cực tới sự hài lòng của doanh nghiệp về môi trường kinh doanh tại TP. Hải Phòng.

Đặng Thị Thu Vân và cộng sự (2024) tiến hành khảo sát 230 doanh nghiệp tại tỉnh Đắk Lắk. Kết quả phân tích hồi quy chỉ ra 5 yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của nhà đầu tư trên địa bàn Tỉnh, sắp xếp theo thứ tự quan trọng như sau: Thương hiệu địa phương, Chế độ chính sách, Chất lượng dịch vụ công, Lợi thế ngành và Chi phí đầu vào.

Nhìn chung, các nghiên cứu thực nghiệm trên đã chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng tới sự hài lòng về môi trường đầu tư, cũng như quyết định đầu tư của doanh nghiệp tại các địa phương, đặc biệt là đối với FDI. Có thể thấy, các nhóm nhân tố cơ bản ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư tại các địa phương bao gồm: các chỉ số thành phần của PCI, cơ sở hạ tầng, chính sách thu hút đầu tư, chi phí tiền lương, chi phí đầu vào, quy mô thị trường, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, lợi thế ngành, thương hiệu địa phương. Ngoài ra còn có yếu tố về thời gian, khoảng cách địa lý, qui mô thị trường, môi trường văn hóa, hạ tầng kĩ thuật, hội nhập quốc tế…, cũng là những nhân tố ảnh hưởng tới thu hút đầu tư của địa phương.

Trong các nhân tố ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI đóng một vai trò quan trọng. PCI không phải chỉ là một chỉ số để đánh giá, xếp hạng đơn thuần, mà còn là một kênh phản ánh đầy đủ các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải lên chính quyền các địa phương, cung cấp góc nhìn sâu hơn về mức độ thực thi và hiệu quả của nhiều chính sách kinh tế của Chính phủ và địa phương, qua đó góp phần tạo động lực cải cách môi trường kinh doanh và cải thiện chất lượng điều hành kinh tế theo hướng tốt hơn. PCI cũng giúp cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tìm kiếm cơ hội đầu tư, cân nhắc đầu tư hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, là nguồn thông tin tham khảo hữu ích về môi trường kinh doanh tại các tỉnh và thành phố. Một số nghiên cứu thực nghiệm gần đây của Hồ Chí Dũng và cộng sự (2018), Huỳnh Thị Thúy Giang (2021), Trần Hoàng Nam (2021) đã tập trung xem xét đánh giá về ảnh hưởng của 10 chỉ số bộ phận thành phần PCI tới sự hài lòng của nhà đầu tư về môi trường kinh doanh cũng như khả năng thu hút DFI của các tỉnh.

ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU

Dựa trên lý thuyết dự định hành vi và các nghiên cứu liên quan, nhóm tác giả thiết lập mô hình thành phần PCI ảnh hưởng tới dự định đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (Hình). Khi hài lòng về môi trường đầu tư, doanh nghiệp sẽ có dự định thực hiện đầu tư trước khi quyết định thực hiện đầu tư. Vì vậy, nghiên cứu sẽ tập trung xem xét nhân tố chỉ số PCI ảnh hưởng tới dự định đầu tư của doanh nghiệp như thế nào, thay vì xem xét quyết định thực hiện đầu tư của doanh nghiệp. Dự định thực hiện hành vi có thể được dự đoán với độ chính xác cao (Ajzen, 2016).

Chỉ số PCI bao gồm 10 chỉ số thành phần với các trọng số khác nhau. Các chỉ số con trong mỗi chỉ số thành phần được lựa chọn xem xét trong mô hình trên cơ sở: chỉ số thành phần có trọng số cao nhất là 15% thì số nhân tố con được chọn là 5 (5 tiêu chí có xếp hạng thấp nhất). Các chỉ số thành phần còn lại có số nhân tố con được chọn là 4 (4 tiêu chí có thành phần xếp hạng thấp nhất toàn quốc).

Hình : Mô hình nghiên cứu

Thiết lập mô hình ảnh hưởng của chỉ số thành phần PCI tới dự định đầu tư của doanh nghiệp trên địa bản tỉnh Ninh Bình

Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất

Các giả thuyết nghiên cứu được trình bày như sau:

H1. Chi phí gia nhập thị trường ảnh hưởng ngược chiều với Dự định đầu tư của doanh nghiệp

H2. Tiếp cận đất đai dễ dàng ảnh hưởng tích cực tới Dự định đầu tư của doanh nghiệp

H3. Tính minh bạch ảnh hưởng thuận chiều tới Dự định đầu tư của doanh nghiệp

H4. Chi phí thời gian ảnh hưởng ngược chiều tới Dự định đầu tư của doanh nghiệp

H5. Chi phí không chính thức ảnh hưởng ngược chiều tới Dự định đầu tư của doanh nghiệp

H6. Cạnh tranh bình đẳng ảnh hưởng thuận chiều tới Dự định đầu tư của doanh nghiệp

H7. Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh ảnh hưởng thuận chiều tới Dự định đầu tư của doanh nghiệp

H8. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng thuận chiều tới Dự định đầu tư của doanh nghiệp

H9. Đào tạo lao động tốt sẽ ảnh hưởng tích cực tới Dự định đầu tư của doanh nghiệp

H10. Thiết chế pháp lý tốt sẽ ảnh hưởng tích cực tới Dự định đầu tư của doanh nghiệp

KẾT LUẬN

Có nhiều nhân tố ảnh hưởng tới sự hài lòng của nhà đầu tư cũng như quyết định đầu tại địa phương. Trong đó, chỉ số PCI là một thước đo quan trọng, giúp ích cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm kiếm cơ hội đầu tư, cân nhắc đầu tư hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, là nguồn thông tin tham khảo hữu ích về môi trường kinh doanh tại các tỉnh và thành phố.

Vì vậy, nhóm tác giả đã thiết lập mô hình xem xét đánh giá ảnh hưởng của các chỉ số thành phần PCI tới dự định đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Mỗi nhân tố ảnh hưởng bao gồm 4 đến 5 nhân tố thành phần con (chỉ số thành phần con). Mô hình nghiên cứu sẽ được vận dụng cho việc kiểm định đánh giá mức độ ảnh hưởng của mỗi nhân tố thành phần PCI đối với dự định đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình./.

Tài liệu tham khảo

1. Ajzen, I. (2016), The Theory of Planned Behavior, retrieved from https://people.umass.edu/ aizen/pdf.html.

2. Cheng, L.K. and Kwan, Y.K. (2000), What Are the Determinants of the Location of Foreign Direct Investment? The Chinese Experience, Journal of International Economics, 51, 379-400.

3. Đặng Thị Thu Vân, Phạm Thảo Vy, Vũ Trinh Vương (2024), Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Tạp chí Khoa học Tây Nguyên, 18.

4. Hồ Chí Dũng và cộng sự (2018), Ảnh hưởng của các yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đến sự hài lòng của doanh nghiệp về môi trường kinh doanh: Nghiên cứu tại Phú Thọ, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Kinh tế và Kinh doanh, 34(3).

5. Hồ Ngọc Ninh, Trần Tuấn Sơn (2022), Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của doanh nghiệp và hợp tác xã về môi trường đầu tư trong nông nghiệp tại tỉnh Hoà Bình, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 305(2).

6. Huỳnh Thanh Nhã (2017), Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của doanh nghiệp FDI về môi trường đầu tư tại tỉnh Tiền Giang, truy cập từ https://tapchicongthuong.vn/cac-nhan-to-anh-huong-den-su-hai-long-cua-doanh-nghiep-fdi-ve-moi-truong-dau-tu-tai-tinh-tien-giang-21320.htm.

7. Huỳnh Thị Thúy Giang (2021), Mối quan hệ giữa chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các địa phương Việt Nam, Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng, 228.

8. Lê Tuấn Lộc (2013), Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài: Trường hợp nghiên cứu điển hình tại Thành phố Đà Nẵng, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, 11(21).

9. Lưu Hoài Nam, Tự Quang Phương (2023), Môi trường kinh doanh ảnh hưởng tới sự hài lòng của doanh nghiệp tại Tp. Hải Phòng, Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 9/2023.

10. Nguyen, Ngoc Anh and Nguyen, Thang (2007), Foreign direct investment in Vietnam: An overview and analysis the determinants of spatial distribution across provinces, MPRA Paper 1921, University Library of Munich, Germany.

11. Nguyễn Xuân Quang (2021), Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của tỉnh Thái Nguyên, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 21.

12. Phạm Xuân Tiến (2016), Nâng cao năng lực cạnh tranh của Hà Nội trong việc thu hút đầu tư để phát triển thương mại trong giai đoạn hiện nay, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Thương mại.

13. Trần Hoàng Nam (2012), Đánh giá tác động của chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh PCI đến thu hút vốn đầu tư của địa phương tại Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.


Bài nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST) theo đề tài mã số T2022-PC-079.

Ngày nhận bài: 17/5/2024; Ngày phản biện: 10/6/2024; Ngày duyệt đăng: 26/6/2024