Tích trữ nhiều thực phẩm

Trong dịp Tết, người dân thường có thói quen tích lũy nhiều thực phẩm trong nhà, nhất là các loại thực phẩm có nhu cầu tiêu dùng nhiều như bánh kẹo, bia rượu, nước giải khát, thịt, cá, rau củ quả... Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế ở các tỉnh miền Bắc, dịp Tết Nguyên đán hay có mưa phùn, thời tiết ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nên nhiều thực phẩm rất dễ mốc, gây ngộ độc cho người sử dụng.

Còn ở miền Nam, thời tiết nóng, nhiệt độ cao, cũng khiến các sản phẩm có nhiều đạm như thịt, cá, cua, tôm... rất dễ ôi thiu. Vì vậy, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không nên tích lũy nhiều thực phẩm trong mấy ngày Tết bởi hiện nay, các sản phẩm tươi sống như thịt, cá, rau, củ quả… luôn sẵn có, đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng

Trữ thức ăn trong tủ lạnh quá lâu

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), không nên coi tủ lạnh là "bảo bối" tích trữ thực phẩm dịp Tết Nguyên đán.

Theo Viện Dinh dưỡng, với các loại thịt thời gian lưu giữ không nên quá 3-5 ngày, cá là 3 ngày, riêng các loại phô mai có thể để được 1-3 tháng. Với thức ăn chín, khi đã được lấy ra khỏi tủ lạnh chỉ sử dụng một lần cho bữa sau, và nếu còn không để lại bữa sau. Thức ăn bị nhiễm vi khuẩn, để lâu trong tủ lạnh vẫn sinh ra độc tố. Thức ăn đun lại, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100ºC, nhưng độc tố do vi sinh khuẩn sinh ra vẫn còn nguyên gây ngộ độc cho người sử dụng.

Sử dụng nhiều đồ uống có chứa cồn

Ngày Tết, gặp nhau mời uống một chút rượu để chúc sức khỏe là một nét văn hóa của người Việt. Tuy nhiên uống nhiều rượu bia, đặc biệt ép nhau uống rượu bia thì không phải là nét “văn hóa” và hoàn toàn không tốt cho sức khỏe.

Khi nói đến tác hại của rượu bia, mọi người thường nghĩ ngay đến hậu quả gây rối loạn tâm thần, xơ gan và tai nạn giao thông. Tuy nhiên trong thực tế hậu quả lớn nhất của uống rượu bia đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều. Chúng ẩn họa những nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm phổ biến hiện nay.

Không nên uống rượu, bia, nhất là khi điều khiển phương tiện giao thông. Nếu uống thì nên hạn chế, không nên lạm dụng, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, có công bố; tuyệt đối không sử dụng các loại không rõ nguồn gốc sử dụng tránh bị ngộ độc, ông Phong cho biết.

Thời gian gần đây, tại các bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc rượu methanol. Chất cồn này vào cơ thể được chuyển hóa trở thành chất độc gây tổn thương đến tất cả bộ phận cơ thể, đặc biệt là mắt, não… Phải 12 giờ hoặc thậm chí 1-2 ngày sau uống rượu, nạn nhân mới có biểu hiện ngộ độc như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê…; khi đó thì tình trạng đã nặng nguy hiểm đến tính mạng./.