ĐẶT VẤN ĐỀ

Ngày nay, việc ứng dụng phân tích SWOT trở thành một phương pháp được sử dụng phổ biến, đặc biệt trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh cho các tổ chức, công ty. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hiểu rõ những vấn đề cũng như quy trình thực hiện phân tích SWOT. Nghiên cứu tổng qua sau đây giới thiệu về phân tích SWOT - một công cụ hữu ích trong đánh giá chiến lược kinh doanh

PHÂN TÍCH SWOT: KHÁI NIỆM, NGUỒN GỐC, CHIẾN LƯỢC CƠ BẢN VÀ QUY TRÌNH THỰC HIỆN

Khái niệm phân tích SWOT

Phương pháp phân tích SWOT là một công cụ phân tích chiến lược hiện đại, hữu dụng trong việc nắm bắt, tìm hiểu vấn đề từ đó đưa ra quyết định trong các lĩnh vực kinh doanh, marketing hay quản lý dự án. Một cách cụ thể hơn, SWOT có thể được xem là một khung lý thuyết mà dựa vào đó chúng ta có thể xét duyệt lại các chiến lược, xác định vị thế, định hướng của một tổ chức, một công ty, một doanh nghiệp hay có thể là các vấn đề, các đề xuất hay bất kỳ ý tưởng kinh doanh nào của một cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp. Trên thực tế, việc ứng dụng phương pháp phân tích SWOT vào việc hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch kinh doanh, khảo sát thị trường, đánh giá đối thủ cạnh tranh, phát triển sản phẩm hay trong các nghiên cứu… đã và đang được các doanh nghiệp quan tâm và lựa chọn sử dụng vì phương pháp này có thể giúp đánh giá tình hình nội bộ và bên ngoài của một cá nhân, tổ chức hay sản phẩm, dịch vụ trên thị trường.

SWOT là tập hợp những chữ cái đầu tiên của các từ tiếng Anh bao gồm: Strengths (Sức mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức). Trong 4 yếu tố của mô hình phân tích SWOT thì S (Điểm mạnh) và W (Điểm yếu) là những yếu tố nội bộ có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của tổ chức. (S) Điểm mạnh là những yếu tố tích cực hay những lợi thế mà tổ chức có cần được duy trì và phát huy, trong khi (W) điểm yếu là những yếu tố tiêu cực hay những bất lợi mà tổ chức cần phải có giải pháp khắc phục, cải thiện. Vậy nên, việc phân tích thật kỹ để có thể tìm ra những điều cần phát huy, tận dụng các điểm mạnh và đồng thời dựa vào phân tích khắc phục những điểm yếu đang còn mắc phải. Ngoài ra, việc phân tích điểm mạnh và điểm yếu giúp cho tổ chức có cái nhìn tổng quan, rõ ràng, chân thật, từ đó có thể tận dụng sức mạnh và đối phó với điểm yếu. O (Cơ hội) và T (Thách thức) là những yếu tố khách quan bên ngoài ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức. Đây là những yếu tố mà tổ chức khó hay thậm chí là không thể thay đổi được, chỉ có thể tìm cách dự báo để kiểm soát và khắc phục. Cơ hội là những yếu tố ngoại cảnh có tiềm năng tạo ra lợi thế cạnh tranh cho tổ chức, trong khi thách thức là những yếu tố có nguy cơ gây khó khăn cho hoạt động của tổ chức. Việc phân tích cơ hội và thách thức giúp cho tổ chức có cái nhìn rõ ràng về tình hình thực tế, thị trường, khách hàng và các yếu tố khác trong môi trường kinh doanh. Một số yếu tố thuộc hai vấn đề trên có thể kể đến như đối thủ, thị trường, thị hiếu, giá chung, các luật pháp.

Nguồn gốc của phân tích SWOT

Mô hình phân tích SWOT là kết quả của một cuộc khảo sát trên 500 công ty có doanh thu cao nhất do tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) bình chọn và được tiến hành tại Viện Nghiên cứu Standford trong khoảng thập niên 60-70, với mục đích đi tìm nguyên nhân thất bại của các công ty trong việc thực hiện các kế hoạch kinh doanh. Nhóm nghiên cứu này gồm có Marion Dosher, Albert Humphrey, Ts. Otis Benepe, Robert Stewart và Birger Lie.

Năm 1960, Robert F. Stewart, một chuyên gia lập kế hoạch phát triển thuộc Viện nghiên cứu Standford, Menlo Park, California đã tổ chức một nhóm nghiên cứu với mục đích tìm hiểu về quá trình lập kế hoạch của doanh nghiệp nhằm giúp các nhà lãnh đạo tìm được sự đồng thuận và tiếp tục thực hiện kế hoạch theo đúng như hoạch định. Các nhà nghiên cứu ban đầu đưa ra đề xuất về mô hình phân tích được gọi với tên SOFT, là viết tắt của các từ tiếng Anh bao gồm: S (Satisfactory - Sự thỏa mãn), O (Opportunity - Cơ hội), F (Fault - Lỗi) và T (Threat - Nguy cơ).

Năm 1964, khi trình bày với Urick và Orr tại Hội thảo về Lập kế hoạch dài hạn tại Dolder Grand, Zurich, Thụy sĩ, nhóm nghiên cứu đã quyết định đổi F thành W (Weakness - Điểm yếu), từ đó, mô hình SOFT đã chính thức được đổi tên thành SWOT, đánh dấu sự ra đời của mô hình phân tích SWOT. Đến năm 1966, phiên bản đầu tiên của mô hình phân tích SWOT được thử nghiệm và giới thiệu đến công chúng dựa trên công trình nghiên cứu tại tập đoàn Erie Technological Corp. Năm 1970, phiên bản này đã được giới thiệu ở Anh dưới sự tài trợ của công ty W. H. Smith & Sons PLC và được chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện vào năm 1973, cũng trong năm này, SWOT được sử dụng khi sáp nhập các cơ sở xay xát và nướng bánh của CWS vào J.W.Frenhch Ltd, từ đây, SWOT bắt đầu thực sự phát triển và trở nên phổ biến, được sử dụng thành công nhiều lần ở nhiều tổ chức thuộc các lĩnh vực khác nhau. Đầu năm 2004, SWOT đã được hoàn thiện và cho thấy sự hữu ích của nó trong việc đề ra và thống nhất các mục tiêu của tổ chức phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp mà không cần phụ thuộc vào tư vấn hay các nguồn lực bên ngoài khác.

Chiến lược cơ bản trong phân tích SWOT

Phân tích SWOT là việc đánh giá một cách chủ quan các dữ liệu thu thập được sắp xếp theo định dạng SWOT một cách có trật tự, dễ hiểu, dễ quan sát, nhận xét, thảo luận và đưa ra quyết định, vậy nên mô hình này có thể được sử dụng trong mọi quá trình ra quyết định. Mẫu phân tích SWOT được trình bày dưới dạng một ma trận 2 hàng và 2 cột, chia làm 4 phần tương ứng với bốn chữ cái viết tắt cho S (Strengths), W (Weakness), O (Opportunities) và T (Threats). Phân tích SWOT giúp đánh giá triển vọng hay tiềm năng của một vấn đề hay một chủ thể nào đó, vậy nên việc xác định rõ chủ thể hay vấn đề cần được phân tích là điều rất quan trọng. Các chủ đề hay chủ thể có thể là đối tượng được sử dụng phân tích SWOT như là: một tổ chức, cơ quan, sản phẩm, nhãn hiệu, ý tưởng kinh doanh, chiến lược kinh doanh, phương pháp nghiên cứu, đối tác tiềm năng, đối thủ cạnh tranh, cơ hội đầu tư...

Bốn chiến lược cơ bản của mô hình SWOT được trình bày trong Bảng 1.

Bảng 1: Chiến lược cơ bản của mô hình SWOT

STRENGTHS

(Điểm mạnh - S)

WEAKNESS

(Điểm yếu - W)

OPPORTUNITIES

(Cơ hội - O)

Chiến lược SO

Chiến lược dựa trên ưu thế của một tổ chức, theo đuổi các cơ hội phù hợp với điểm mạnh của tổ chức đó

Chiến lược WO

Các chiến lược dựa trên khả năng khắc phục các điểm yếu, từ đó tận dụng tạo ra cơ hội tiềm năng cho tổ chức

THREATS

(Thách thức - T)

Chiến lược ST

Các chiến lược dựa trên ưu thế của tổ chức để phòng tránh các rủi ro từ thị trường hay môi trường bên ngoài gây ra

Chiến lược WT

Các chiến lược mang tính phòng thủ để tránh cho những điểm yếu của tổ chức bị khai thác, tác động nặng nề từ thị trường, môi trường bên ngoài

Khái quát về mô hình phân tích SWOT, ta có:

Điểm mạnh là những tác nhân bên trong của tổ chức, mang tính tích cực, là những yếu tố mà khi được tận dụng sẽ giúp tổ chức đó có được lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh hoặc tạo ra giá trị đáng kể cho khách hàng. Điểm mạnh thường là bước đầu tiên của mô hình phân tích SWOT, giúp nên bật các lợi thế, điểm nổi trội và độc đáo mà tổ chức được phân tích đang nắm giữ so với đối thủ cạnh tranh. Để khai thác điểm mạnh, những câu hỏi nghiên cứu thường được đặt ra như là: Tổ chức có sở trường gì, công việc nào tổ chức đó làm tốt nhất, nguồn lực hiện có, ưu thế mà đối thủ nhìn vào tổ chức là gì... Cần quan điểm bằng cách trả lời các câu hỏi gợi ý trên một cách thực tế, không cần thiết tỏ ra khiêm tốn, luôn đúng mực đặc biệt khi đánh giá điểm mạnh của tổ chức khi so sách với các đối thủ cạnh tranh khác.

Điểm yếu tuy đối lập với điểm mạnh nhưng cũng là những tác nhân bên trong của tổ chức, mang tính tiêu cực, có thể gây trở ngại hoặc rủi ro cho tổ chức đó. Điểm yếu về cơ bản có thể xuất hiện trong một tổ chức thông qua các mặt như nguồn lực, tài sản, con người... Ở những mặt không phải là điểm mạnh thì ở đó sẽ tồn tại điểm yếu. Các câu hỏi nghiên cứu thường đặt ra để khai thác về điểm yếu thường là: Công việc mà tổ chức đang làm kém nhất, đang né tránh, những điều nào mà tổ chức đang nhận về nhiều góp ý tiêu cực nhất từ khách hàng và thị trường... Giống với điểm mạnh, khi nghiên cứu và đánh giá điểm yếu cần phải quan điểm một cách thực tế, sẵn sàng chấp nhận và đối mặt với sự thật, nhận ra những giới hạn trong tổ chức của mình, từ đó đi tìm lý do về những điều mà đối thủ cạnh tranh có thể làm tốt hơn mình, tìm kiếm giải pháp để khắc phục, vượt qua khó khăn.

Cơ hội là những những yếu tố mang tính tích cực bên ngoài tổ chức, là những tiềm năng hoặc xu hướng có thể đem lại lợi ích cho tổ chức đó trong tương lai. Những câu hỏi thường sử dụng khi phân tích cơ hội như là: Cơ hội tốt đang ở đâu, xu hướng nào đang được quan tâm, những thay đổi về công nghệ và thị trường đem lại cơ hội gì cho tổ chức... Các cơ hội thường được liên kết với sự phát triển thị trường, sự thay đổi trong nhu cầu của khách hàng, sự phát triển của công nghệ và xu hướng kinh tế. Phương thức tìm kiếm hữu ích nhất là rà soát lại các điểm mạnh và điểm yếu của tổ chức, từ đó tự đưa ra các câu hỏi xem xét có thể tận dụng từ các điểm mạnh hay điểm yếu để tìm ra các cơ hội mới. Khi rà soát các điểm mạnh, có thể tìm kiếm những cơ hội mới, những thị trường, mảng mà tổ chức mình có thế mạnh nhưng chưa được quan tâm chú trọng phát triển. Ngược lại, khi rà soát các điểm yếu, câu hỏi được đặt ra là có cơ hội nào có thể xuất hiện khi loại bỏ được điểm yếu liên quan.

Nguy cơ có phần tương tự như cơ hội khi cũng là những tác nhân bên ngoài tổ chức, mang tính tiêu cực, là những rủi ro không mong muốn có thể xảy ra trong tương lai, gây tổn thất cho tổ chức. Các nguy cơ thường được liên kết với những thách thức, rủi ro hoặc khó khăn trong hoạt động của tổ chức. Phân tích nguy cơ thường trả lời các câu hỏi như: Những trở ngại đang gặp phải? Đối thủ cạnh tranh đang làm gì? Những đổi mới về công nghệ có nguy cơ gì đối với tổ chức không? Vấn đề tài chính như nợ hay dòng tiền của tổ chức có ổn không? Các câu hỏi này giúp phân tích để tìm ra việc mà một tổ chức cần tập trung làm để có thể biến điểm yếu, nguy cơ thành cơ hội.

Tóm lại, mô hình phân tích SWOT thích hợp cho việc đánh giá hiện trạng đối với một tổ chức hay thông qua việc phân tích tình hình bên trong (Strengths - Weakness) và bên ngoài (Opportunities - Threats). Phân tích SWOT giúp xử lý các thông tin, dữ liệu thu thập được một cách có trật tự, dễ hiểu, dễ vận dụng hơn. Chất lượng của phân tích SWOT phụ thuộc vào chất lượng của dữ liệu thu thập được, vì vậy, để tránh quan điểm chủ quan, một chiều, nhà nghiên cứu cần tìm kiếm, thu thập thông tin từ nhiều phía, bên cạnh đó có những biện pháp kết hợp để chọn lựa thông tin phù hợp với mục đích thực hiện SWOT, các nguồn thông tin có thể đến từ giám đốc, khách hàng, đối tác, nhà cung cấp, đối thủ cạnh tranh...

Quy trình thực hiện phân tích SWOT

Albert Humphrey, một nhà kinh tế có kinh nghiệm làm cố vấn cho hơn 100 công ty, tổ chức tại các quốc gia Anh, Mỹ, Mê-hi-cô, Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Na Uy và Đan Mạch, đã cụ thể hóa SWOT thành 6 hành động sau:

(1) Sản phẩm (Trao đổi điều gì?)

(2) Quá trình (Trao đổi bằng cách nào?)

(3) Khách hàng (Đối tượng được nhắm đến?)

(4) Phân phối (Cách tiếp cận khách hàng?)

(5) Tài chính (Chi phí, giá bán?)

(6) Quản lý (Cách quản lý tất cả các hoạt động?)

Các yêu cầu trong phân tích SWOT được phân thành 6 mục như trên sẽ giúp đánh giá vấn đề một cách định lượng, chi tiết hơn, giúp các nhóm có việc làm cụ thể, có trách nhiệm tùy theo từng bối cảnh cụ thể của một tổ chức, từ đó dễ dàng quản lý các hoạt động khác.

Tùy vào bối cảnh cụ thể, một mô hình phân tích SWOT có thể đưa ra một hay một vài mục trong danh sách 6 bước hành động nói trên. Về cơ bản, phân tích SWOT giúp chúng ta đánh giá được những gì là “tốt” và “xấu” trong công việc kinh doanh, hoặc nghiên cứu hay là với một ý kiến, đề xuất mới cho tương lai.

Khi ứng dụng phân tích SWOT trong hoạt động kinh doanh, mục tiêu phân tích SWOT hướng tới là cải thiện công ty, lúc này phân tích SWOT có mẫu như hình 1.9.

Trong trường hợp phân tích SWOT được dùng để đánh giá một ý kiến, đề xuất, nó có thể chỉ ra được ý tưởng đó mạnh hay yếu. Nếu ý tưởng hay đề xuất đó quá yếu (đặc biệt khi so sánh với các đề xuất khác) thì chứng tỏ không nên đầu tư vào đó. Lúc này, cần xem xét đánh giá các đề xuất khác, dừng đưa ra các kế hoạch tiếp theo cho đề xuất ban đầu. Đối với các đề xuất mạnh, hay, có khả năng thành công cao, cần xem xét đầu tư, phát triển các kế hoạch tiếp theo và sử dụng các mục trong phân tích SWOT sao cho phù hợp.

Ngoài ra, phân tích SWOT còn có một số cách áp dụng khác, tùy theo hoàn cảnh và mục đích, 6 mục trên của phân tích SWOT có thể được sắp xếp và chọn lọc lại sao cho nó có thể phản ánh đầy đủ vấn đề, từ đó có được đánh giá cụ thể nhất.

Hình 1. Sơ đồ thực hiện phân tích SWOT

Ưu nhược điểm của phân tích SWOT

Ưu điểm

Phân tích SWOT là một phương pháp có lợi ích cho tổ chức bởi vì nó khuyến khích lập kế hoạch thực tế và cải thiện khả năng dự báo các sự kiện trong tương lai. Đối với kế hoạch, phương pháp này giúp xác định các điểm mạnh và yếu của tổ chức, cơ hội và các mối đe dọa tiềm tàng. Nhờ đó, tổ chức có thể khai thác các điểm mạnh và cơ hội và giải quyết các điểm yếu và mối đe dọa. Đối với khả năng dự báo, phương pháp này giúp tổ chức đánh giá các rủi ro tiềm tàng và tạo kế hoạch để giảm thiểu tác động của chúng.

Nhược điểm

Mặc dù phân tích SWOT được biết đến rộng rãi và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành chiến lược của tổ chức hoặc cá nhân bằng cách đánh giá các yếu tố bên trong và bên ngoài, nhưng nó cũng vấp phải những nhược điểm. Một số nhà phê bình cảm thấy rằng công cụ này tỏ ra quá hời hợt và công thức, do đó cản trở hiệu suất vì kết quả đầu ra có thể bị hiểu sai hoặc sử dụng sai. Điểm thứ hai này đặc biệt thích hợp khi phân tích SWOT được thực hiện mà không có sự phản ánh phê bình thực sự của một nhóm tập thể. Việc chỉ có một vài cá nhân thực hiện đánh giá sẽ làm tăng nguy cơ thông tin đầu vào trong phân tích SWOT bị sai, dẫn đến kết quả đầu ra sai. Ngoài ra, các tổ chức có thể chú trọng vào một khía cạnh của phân tích mà bỏ qua các yếu tố quan trọng khác của ma trận. Cuối cùng, SWOT nắm bắt các khía cạnh bên trong và bên ngoài chỉ một thời điểm duy nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Alan Sarsby. A Useful Guide to SWOT Analysis. Pansophic Online; 2012.

Nguyễn Hoàng Phương. Phân Tích SWOT Trong Chiến Lược Kinh Doanh. NXB Thông Tin Truyền Thông ; 2012.

2. Brodsky M. SWOT Analysis. In: Teaching Business Information Literacy. Vol Chapter 15. American College & Research Libraries; 2022:151-156.

3. Dac Teoli, Terrence Sanvictores, Jason An. SWOT Analysis. In: StatPearls. ; 2022.

4. Leigh D. SWOT Analysis. In: Handbook of Improving Performance in the Workplace: Volumes 1-3. John Wiley & Sons, Inc.; 2010:115-140. doi:10.1002/9780470592663.ch24

5. Witika BA, Choonara YE, Demana PH. A SWOT analysis of nano co-crystals in drug delivery: present outlook and future perspectives. RSC Adv. 2023;13(11):7339-7351. doi:10.1039/D3RA00161J

6. Debnath F, Chakraborty D, Giri S, et al. Existing Policies/Guidelines on the Environmental Dimension of Antimicrobial Resistance in India: An Insight into the Key Facets through Review and SWOT Analysis. Trop Med Infect Dis. 2022;7(11):336. doi:10.3390/tropicalmed7110336

7. Abraham K, Franken M. A SWOT analysis of the complex interdependencies of the Maltese reimbursement processes. Health Policy Open. 2023;4:100095. doi:10.1016/j.hpopen.2023.100095

8. Thomas L. Saaty. The Analytic Hierarchy Process: Planning, Priority Setting, Resources, Allocation. McGraw-Hill; 1980.

9. Thomas L. Saaty, Kirti Peniwati. Group Decision Making: Drawing out and Reconciling Differences. RWS Publications; 2008.

10. Chin K, Chiu S, Rao Tummala VM. An evaluation of success factors using the AHP to implement ISO 14001‐based EMS. International Journal of Quality & Reliability Management. 1999;16(4):341-362. doi:10.1108/02656719910248226

11. Sevkli M, Oztekin A, Uysal O, Torlak G, Turkyilmaz A, Delen D. Development of a fuzzy ANP based SWOT analysis for the airline industry in Turkey. Expert Syst Appl. 2012;39(1):14-24. doi:10.1016/j.eswa.2011.06.047

12. Saracoglu BO. Selecting industrial investment locations in master plans of countries. European J of Industrial Engineering. 2013;7(4):416. doi:10.1504/EJIE.2013.055016.

ThS. DS. Trương Văn Đạt – Phó Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Nguyên Giảng viên Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh

DS. Phan Nguyễn Hoài Bảo – Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh