So với tháng 12/2023, CPI tháng 4 tăng 1,19% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,4%. Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%.

So với tháng trước, CPI tháng 4/2024 tăng 0,07% (khu vực thành thị tăng 0,07%; khu vực nông thôn tăng 0,08%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 8 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 3 nhóm hàng giảm giá (Hình 1).

Hình 1: Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 4/2024 so với tháng trước

Giá xăng dầu tăng đẩy CPI tháng 4 tăng 0,07% so với tháng trước
Nguồn: Tổng cục Thống kê

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 4/2024 tăng 4,4%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm tăng giá và 1 nhóm giảm giá.

So với tháng 12/2023, CPI tháng 4 tăng 1,19%, trong đó có 9 nhóm hàng tăng giá và 2 nhóm giảm giá. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm 2024 tăng 3,93% so với cùng kỳ năm 2023 (Bảng 1).

Giá xăng dầu tăng đẩy CPI tháng 4 tăng 0,07% so với tháng trước
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Lạm phát cơ bản tháng 4/2024 tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 2,79% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,93%), chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu và giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động tăng CPI, nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Các chuyên gia kinh tế đều đánh giá lạm phát năm 2024 không đáng lo ngại. Theo TS. Cấn Văn Lực, lạm phát hiện nay không quá lo ngại, do giá cả và lạm phát trên thế giới đã và đang giảm. Đồng thời vòng quay tiền tại Việt Nam đang chậm lại. Năm ngoái con số này là 0,65 lần, năm 2022 là 0,67 lần, tức tiền đang tồn đọng trong nền kinh tế, trong đó có bất động sản và một số lĩnh vực khác. Dự báo lạm phát năm 2024 trong tầm kiểm soát từ mức 3,5% - 4%.

Trên cơ sở tình hình thị trường trong nước quý I/2024, đánh giá tình hình thế giới và phân tích các yếu tố tác động tới lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới, bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ thống kê giá, Tổng cục Thống kê - đưa ra 3 kịch bản lạm phát cho năm 2024.

Các kịch bản lạm phát được xây dựng thông qua dự báo biến động giá của các nhóm hàng hóa và dịch vụ ảnh hưởng nhiều tới chỉ số giá tiêu dùng như: lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, xăng dầu, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục… 3 kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%; 4,2% và 4,5%.

Các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ dự kiến cũng sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong thời gian tới.

Để kiểm soát lạm phát năm 2024 đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra, bà Nguyễn Thu Oanh nhấn mạnh đến việc cần đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thịt lợn, xăng dầu, gas...) để có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào dịp cuối năm nhằm hạn chế tăng giá. Cần có các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra./.