Thú chơi tết ba miền khác gì nhau?
Tết của miền Bắc
Mâm cỗ tết đặc trưng của người miền Bắc
Tết Nguyên Đán được người dân miền Bắc rất chú trọng. Với họ đây là một dịp lễ hội mang nhiều phong tục tập quán và nghi thức nhằm mong cầu cho một năm mới bình an và gặp nhiều may mắn. Mỗi phong tục của người dân nơi đây đền có những ý nghĩa riêng của chúng.
Chưng hoa đào và quất: Mỗi độ xuân về dường như mỗi con đường Bắc Bộ đều ngập tràn sắc đỏ tươi thắm của hoa đào. Đây là một loài hoa không thể thiếu trong dịp Tết đến của người dân miền Bắc. Theo quan niệm từ xa xưa, hoa đào tượng trưng cho nhiều điều may mắn sẽ đến vào năm mới. Ngoài ra, màu đỏ của hoa sẽ mang đến không khí tươi vui, phấn khởi cho những ngày đầu năm trong mỗi gia đình. Bên cạnh hoa đào, người dân miền Bắc còn có phong tục chưng quất vào mỗi dịp Tết đến. Những cây quất xum xuê có cả quả vàng, quả non có ý nghĩa mang đến nhiều tài lộc trù phú cho gia chủ.
Mâm ngũ quả: Mâm ngũ quả của người miền Bắc thường tượng trưng cho ngũ hành. Điều này có ý nghĩa mang đến sự viên mãn và đơm hoa kết trái và nhiều may mắn cho gia chủ. Trong mâm ngũ quả này, chuối có màu xanh tượng trưng cho hành mộc. Quả bưởi hay quả Phật thủ có màu vàng tượng trưng cho hành thổ với ý nghĩa mang đến nhiều phúc lộc cho gia đình. Hành hoả là các loại quả có màu đỏ như cam, quýt,... Quả roi, quả đào thuộc hành kim và những quả có màu đen như mận, hồng xiêm hay nho sẽ tượng trưng cho hành thuỷ. Với nhiều màu sắc khác nhau nhưng ý nghĩa là mong cầu những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình trong một năm mới sắp đến.
Tết của miền Trung
Mâm cỗ tết người miền Trung
Miền Trung nằm giữa hai miền Nam, Bắc do đó không tránh khỏi có sự giao thoa giữa các nền văn hoá với nhau. Ở miền Trung có nhiều phong tục giống với miền Nam và miền Bắc; tuy nhiên vẫn có những phong tục riêng. Dù là phong tục nghi thức nào đi nữa cũng đều có chung ý nghĩa đó là mong cầu một năm mới thuận lợi và an lành.
Nhiều sắc hoa: Người miền Trung có thể chọn trưng cây đào hay trưng cây mai vào mỗi dịp Tết đến. Ngoài ra, họ còn có thể trưng thêm những loài hoa khác trong nhà để tô điểm thêm cho sắc xuân. Những loại hoa này thường được bày bán trong các khu chợ hoa ngày Tết.
Mâm ngũ quả: Mâm ngũ quả của người miền Trung thường khá đơn giản và không cầu kì như ở miền Bắc. Họ thường có gì cúng nấy bởi vì họ quan niệm rằng chủ yếu là tấm lòng thành tưởng nhớ đến Tổ Tiên. Tuy nhiên, người dân nơi đây thường không đặt chuối xanh trong mâm ngũ quả của mình vì chuối xanh đắng và chát. Họ thường lựa những quả ngọt để trong mâm ngũ quả.
Tết của miền Nam
Mâm ngũ quả của người miền Nam
Với người dân miền Nam, năm mới là một dịp để vui chơi, quây quần bên nhau. Chính vì thế họ thường không câu nệ chuyện hình thức và các nghi thức. Họ thường hướng đến không khí ngày đầu năm tươi vui để mang đến sự suông sẻ cho một năm mới đang đến.
Chưng mai: Mỗi dịp Xuân về dường như mỗi gia đình miền Nam đều có cho mình một cây mai. Màu vàng của mai tượng trưng cho sự ấm cúng, hiển vinh và tài lộc. Người dân thường chọn cây có nhiều hoa, nụ và hoa có nhiều cánh . Điều này tượng trưng cho nhiều may mắn sẽ đến với gia chủ trong mới này.
Mâm ngũ quả: Mâm ngủ quả của người miền Nam mang một ý nghĩa rất đặc biệt: “cầu vừa đủ xài” do đó mâm ngũ quả không thể thiếu những loại quả chính như: mãng cầu, dừa xiêm, đu đủ và xoài. Có nhiều gia đình sẽ thêm trái sung với ý nghĩa sung túc và hưng thịnh. Tuy nhiên, khác với miền Bắc, người dân miền Nam thường không chưng quýt trong mâm ngũ quả của mình, bởi vì theo họ quýt tượng trưng cho sự ly tán.
Mỗi một miền có một nét văn hoá khác nhau đã tạo nên cái Tết truyền thống mang đậm màu sắc dân tộc. Với mỗi người con xa quê có lẽ sẽ chẳng thể nào quên được hương vị của ngày Tết Nguyên Đán./.
Bình luận