Theo cập nhật của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 11 tháng năm 2022 ước đạt 1.638,9 nghìn tỷ đồng, bằng 116,1% dự toán, tăng 17,4% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa đạt 110,5% dự toán, tăng 13,5%; thu từ dầu thô vượt 144,6% dự toán; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 132,4% dự toán, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2021…

Nguyên nhân giúp thu NSNN 11 tháng vượt dự toán, theo phân tích của Bộ Tài chính, chủ yếu do hoạt động kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng khả quan; giá dầu và một số hàng hóa, nguyên liệu đầu vào tăng cao đã góp phần tăng thu từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Cùng với đó, cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường quản lý thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn từ hóa đơn điện tử, để truy dấu gian lận, rà soát những nguồn thu có tiềm năng nhưng còn thất thu để đưa vào quản lý, quyết liệt quản lý, chống thất thu, khai thác tăng thu từ hoạt động thương mại điện tử, từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Thu ngân sách từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2022 chưa đạt tiến độ dự toán
Theo Bộ Tài chính, trong số 10 khoản thu vượt dự toán có thu tiền sử dụng đất đạt 136,1% dự toán

Nhờ đó, đến nay đã có 10 khoản thu vượt dự toán, trong đó thu tiền sử dụng đất đạt 136,1% dự toán; thu từ hoạt động sổ xố kiến thiết đạt 110,7% dự toán... Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho hay, còn 2 khoản thu đến nay chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường đạt 68% dự toán (bằng 76,4% so với cùng kỳ năm trước) và thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đạt 11% dự toán.

Theo Bộ Tài chính, đến hết ngày 25/11/2022, đã thực hiện phát hành 176,07 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 12,91 năm, lãi suất bình quân 3,19% năm.

Cũng theo cập nhật của Bộ Tài chính, tổng chi NSNN 11 tháng ước đạt 1.359 nghìn tỷ đồng, bằng 76,2 dự toán, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 64,3% dự toán Quốc hội quyết định đầu năm, đạt 58,33 kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (bao gồm cả vốn chương trình mục tiêu năm trước chuyển sang và vốn chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội); chi trả nợ lãi đạt 79,8% dự toán; chi thường xuyên đạt 84,2% dự toán…

Riêng về chi đầu tư phát triển, mặc dù đã có tiến bộ trong những tháng gần đây, nhưng tiến độ giải ngân 11 tháng vẫn chậm so yêu cầu, tuy con số tuyệt đối tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tỷ lệ mới đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 63,86%), trong đó giải ngân vốn ngoài nước chỉ đạt 27,99% kế hoạch. Có 16 bộ và 29 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt trên 60% kế hoạch, trong khi vẫn còn 12 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương tỷ lệ giải ngân vốn đạt dưới 30% kế hoạch vốn được giao./.