Theo đánh giá của báo cáo này, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới dẫn đến nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm, đồng thời cũng làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương trước các cú sốc bên ngoài. Các khoản thu về tài nguyên, đất đai sau nhiều năm tăng ở mức cao đã giảm xuống cùng với việc thực hiện nhiều chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng dẫn đến tăng thu có xu hướng chậm lại trong những năm gần đây.

Hệ quả của các xu hướng trên dẫn đến dư địa tài khóa bị thu hẹp. Bội chi ngân sách bình quân trong giai đoạn 2011-2015 lên đến 5,6% GDP, cao hơn đáng kể so với các giai đoạn trước. Việc bội chi ngân sách kéo dài ở mức cao đã làm tăng mức nợ công, rút ngắn kỳ hạn nợ và làm tăng gánh nặng trả nợ cho ngân sách, làm dấy lên quan ngại về khả năng bền vững tài khóa trong trung hạn. Bên cạnh đó, tốc độ mở cửa và phân cấp nhanh chóng khiến cho việc quản lý kinh tế – tài chính trở nên phức tạp hơn.

Theo đánh giá chi tiêu công này, tốc độ tăng thu của Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2015 (sau khi loại trừ yếu tố tăng giá), tuy vẫn tích cực, những đã chậm hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo đó, tỷ lệ thu từ ngân sách nhà nước so GDP đã giảm từ 26,4% trong giai đoạn 2006-2010 xuống 23,4% trong giai đoạn 2011-2015, nguyên nhân chủ yếu là do giảm thu từ dầu thô (từ 4,8% xuống 3%), từ hoạt động xuất nhập khẩu (5,5% xuống 4,2%), và các khoản thu về đất (2,5% xuống còn 1,7%).

Báo cáo cũng đánh giá, tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) – bao gồm cả chi từ nguồn trái phiếu – bình quân chiếm 29,2% GDP trong giai đoạn 2011-2015, so với 28,9% trong giai đoạn trước và ở mức cao so với khu vực và các quốc gia có mức phát triển tương đương.

Đặc biệt, cơ cấu chi thay đổi theo hướng chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Tỷ lệ so sánh giữa chi thường xuyên và đầu tư là khoảng 70:30 trong thời kỳ 2011-2015 so với 63:37 của thời kỳ 2006-2010. Chi thường xuyên tăng lên và cao hơn mức tăng thu chủ yếu là do tăng chi để thực hiện các chính sách mới về an sinh xã hội, chi lương và phụ cấp và chi trả lãi các khoản vay.

Hơn nữa, quỹ lương tăng nhanh, chiếm khoảng khoảng 20% tổng chi ngân sách, chủ yếu do tăng lương cơ sở và tăng số lượng công chức, viên chức, với tốc độ cao hơn tốc độ tăng dân số, đặc biệt là ở cấp địa phương. Mặc dù so sánh quốc tế cho thấy, tỷ lệ chi lương cho công chức, viên chức của Việt Nam chưa quá cao nhưng xu hướng chi lương tăng nhanh cho thấy cần phải thận trọng. Chi đầu tư, mặc dù giảm tỷ trọng trong tổng chi tiêu NSNN, nhưng vẫn được duy trì ở mức cao so với khu vực và thế giới.

Nếu so với tổng đầu tư toàn xã hội, chi đầu tư từ NSNN chiếm 29,1% trong giai đoạn 2011-2015, tăng nhẹ so với mức 28,4% của thời kỳ 2006-2010, cho thấy đầu tư của Nhà nước vào hạ tầng công cộng vẫn tiếp tục được duy trì trong thời gian qua, chủ yếu do cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện đang còn ở mức thấp, chưa phát triển.

Một điểm rất đáng lưu ý nữa là trong giai đoạn 2011-2015, chi đầu tư của địa phương chiếm khoảng 70% tổng chi đầu tư công, thuộc dạng cao nhất trong các quốc gia đang phát triển với mức trung bình khoảng gần 40%.

Trong số các khuyến nghị, Báo cáo này có lưu ý việc Chính phủ cần xây dựng và thực hiện một lộ trình củng cố tình hình tài khóa, để đảm bảo sự bền vững tài khóa song không hoặc ít ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải có cam kết mạnh mẽ về giảm bội chi và duy trì nợ công trong phạm vi giới hạn cho phép (65% GDP).

Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả đầu tư công, tăng cường động lực tăng trưởng bền vững. Cơ cấu lại ngân sách ở mức độ nhất định cho phù hợp, bao gồm phân bổ ngân sách giữa trung ương và địa phương, giữa đầu tư và thường xuyên, và giữa các lĩnh vực trong cùng một ngành. Ngoài ra, cần duy trì và nâng cao hiệu suất sử dụng tài sản thông qua việc từng bước tăng chi khai thác và duy tu bảo dưỡng qua kế hoạch tài chính-ngân sách và kế hoạch đầu tư trung hạn.

Báo cáo cũng khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục nâng cao công bằng trong phân phối nguồn lực giữa các địa phương; tiếp tục cải cách các thể chế quản lý tài chính công, trong đó cần tăng cường mức độ toàn diện và minh bạch của ngân sách, tăng cường cơ chế quản lý hiệu quả hoạt động và giải trình trách nhiệm, tăng cường giám sát và kiểm toán của cơ quan kiểm toán nhà nước và kiểm toán bên ngoài./.