Chủ kinh doanh online cố tình “né” thuế

Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh online (bán hàng qua mạng internet/ mạng xã hội/ mạng viễn thông) ngày càng được xã hội chú trọng và dần trở thành kênh bán hàng ưu tiên khi khởi nghiệp.

Nhiều người kinh doanh online có doanh thu cao và lãi suất lớn, nhưng đến nay ngành thuế vẫn không thu được đồng tiền thuế nào từ hoạt động này. Điều này đã tạo ra môi trường không công bằng, bình đẳng với những doanh nghiệp khác và ngân sách nhà nước cũng bị thất thoát một khoản thuế lớn.

Nhiều chủ kinh doanh online thu được lợi nhuận lớn, nhưng không phải đóng thuế

Để khắc phục tồn tại này, hiện nay, cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều đã triển khai việc thu thuế đối với những doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức bán hàng online.

Theo đó các tổ chức, cá nhân có hoạt động mua bán, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ qua các website, mạng xã hội, như: Facebook, Zalo, Instagram… sẽ phải tiến hành kê khai các thông tin về hoạt động kinh doanh của mình đối với cơ quan thuế.

Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng qua, khi các cơ quan chức năng ngành thuế bắt đầu "sờ gáy" thì chủ tài khoản facebook bán hàng có doanh thu "khủng" đã có nhiều thay đổi nhằm "né" thuế, như: Tăng cường giao dịch bằng tiền mặt, lập nhiều trang bán hàng, đổi địa điểm kinh doanh, không kê khai chính xác doanh thu, không công khai giá bán, thậm chí có shop kinh doanh online còn giả chết..

Một ví dụ về vấn đề này đã được ông Nguyễn Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục thuế quận 1, TP. Hồ Chí Minh đưa ra trên báo Tuổi trẻ, đó là, theo danh sách được giao xuống từ Cục Thuế Thành phố, cơ quan này đã gửi giấy mời đến 8 doanh nghiệp có kinh doanh qua mạng trên địa bàn nhưng không nhận được phản hồi.

Khi kiểm tra, cơ quan này phát hiện các địa chỉ kinh doanh này đều là ảo, các doanh nghiệp đăng ký địa chỉ kinh doanh ở Q.1, nhưng giao dịch tại Q.8, sau đó một đơn vị đã đối phó với cơ quan thuế bằng cách... đóng cửa.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2017, Chi Cục Thuế quận Bình Thạnh cũng cho biết, Chi cục này đã gửi thư mời tới 172 chủ trang web (doanh nghiệp) có số lượng truy cập cao, tần suất kinh doanh, mua bán đa dạng, số người tham gia bình luận nhiều…, lên làm việc để hướng dẫn kê khai thuế. Tuy nhiên, chỉ có 98 chủ trang web đến cơ quan thuế. Riêng nhóm 677 cá nhân là chủ trang Facebook và trang web được Chi cục này gửi thư mời đến làm việc thì có đến 548 chủ trang không đến và 59 thư mời bị bưu điện trả lại.

Kết hợp cả biện pháp “cứng” và “mềm”

Trước tình trạng trên, Tổng cục Thuế đã gửi văn bản đến các cục thuế và định hướng, nếu cá nhân kinh doanh qua mạng cố tình trốn hoặc chây ỳ nộp thuế, cơ quan thuế sẽ phối hợp với nhà mạng, cơ quan quản lý khác ngăn chặn giao dịch.

Ngành thuế cũng đang tính đến phương án phối hợp với Facebook tại Việt Nam để chặn tài khoản kinh doanh có doanh số lớn, nhưng không chấp hành các nghĩa vụ thuế.

Thậm chí, Cục thuế TP. Hồ Chí Minh khẳng định sẽ công khai danh tính những cá nhân, tổ chức có hành vi trốn thuế kinh doanh qua mạng. Nếu những cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng mà không kê khai nộp thuế sẽ bị Cục Thuế này gửi văn bản đề nghị Bộ Thông tin - Truyền thông đóng tài khoản.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cũng cho biết, bên cạnh việc huy động nhân lực thanh tra, kiểm tra sẵn có, cơ quan thuế còn có thể phối hợp với các cơ quan chức năng khác, như: cơ quan quản lý truyền thông, tổ chức tín dụng, thậm chí có thể phối hợp với an ninh dữ liệu mạng để khôi phục những dữ liệu mà các cá nhân cố ý xóa đi để tính toán lại doanh thu nộp thuế để truy thu. Khi các cá nhân, doanh nghiệp đã không tự nguyện thì việc truy thu thuế còn kèm theo cả tiền phạt.

Ở góc độ khác, trên báo Dân Trí, luật sư Đào Nguyễn Hương Duyên nhận định, nếu căn cứ theo Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý Thuế thì có thể cấm kinh doanh đối với những chủ tài khoản Facebook "chây ì" nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, nếu "hành xử" kiểu cấm kinh doanh qua mạng vì không đóng thuế cũng khó vì tài khoản Facebook đăng ký miễn phí. Cấm tài khoản này thì người ta đăng ký tài khoản khác.

"Việc đánh thuế kinh doanh online cần sự tự nguyện của chủ tài khoản. Các hình thức chế tài đối với hoạt động này cần có thời gian, lộ trình và sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành", luật sư Đào Nguyễn Hương Duyên nói.

Còn theo ông Chung Thành Tiến, Trưởng Văn phòng phía Nam Hội Kế toán hành nghề Việt, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền đến các chủ kinh doanh online. Nếu làm công tác tư tưởng, tuyên truyền cặn kẽ, thông suốt thì việc triển khai thực hiện sẽ dễ dàng hơn.

“Suy cho cùng, người kinh doanh nào kiếm ra lợi nhuận cũng muốn được "ăn ngon ngủ yên" chứ không ai muốn nơm nớp lo một ngày nào đó mình sẽ bị cơ quan nhà nước kiểm tra, xử phạt vì chưa đăng ký kinh doanh hoặc vì những lý do gì khác”, ông Tiến cho biết.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, Bộ Công thương cũng cho rằng, để quản lý loại hình kinh doanh trên mạng, cơ quan thuế tập trung hướng dẫn, hỗ trợ, khuyến khích người kinh doanh đăng ký theo quy định của Luật Quản lý thuế và tự giác thực hiện nghĩa vụ theo quy định. Đồng thời tổ chức quản lý giám sát, đối với trường hợp cố tình không đăng ký thuế sẽ thực hiện các giải pháp theo quy định của pháp luật./.

Theo Cục thuế TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, các cá nhân, hoạt động kinh doanh trên facebook có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm có nghĩa vụ đăng ký, khai nộp thuế. Các loại thuế, lệ phí phải nộp gồm: Lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân; và thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường… (nếu có).

Mức lệ phí môn bài: Doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm chịu phí 300 nghìn đồng/năm; doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm chịu phí 500 nghìn đồng/năm; doanh thu trên 500 triệu đồng/năm phí 1 triệu đồng/năm.

Với thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được tính trên giá hoàng hóa, dịch vụ nhân với tỷ lệ phần trăm (%) thuế từng loại hàng hóa, dịch vụ (bảng thuế tính theo phụ lục 1 của Thông tư 92/2014/TT-BTC).

Cụ thể, kinh doanh phân phối, cung cấp hàng hóa chịu thuế GTGT là 1%, thuế TNCN là 0,5%; Dịch vụ chịu thuế GTGT là 5%, thuế TNCN là 2%; Vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa chịu thuế GTGT là 3%; thuế TNCN là 1,5%; Hoạt động kinh doanh khác chịu thuế GTGT là 2%; thuế TNCN là 1%.

Tổng hợp từ:

Công Quang – Quế Sơn (2017). http://dantri.com.vn/kinh-doanh/thu-thue-kinh-doanh-online-san-tai-khoan-co-doanh-thu-ca-map-20170605164540399.htm

Ánh Hồng (2017). Mới phổ biến thuế, nhiều người bán hành qua facebook né tránh, truy cập từ http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20170603/moi-pho-bien-thue-nhieu-nguoi-ban-hang-qua-facebook-ne-tranh/1324713.html

BT (2017). Khuyến khích người kinh doanh qua mạng tự giác nộp thuế, truy cập từ http://www.antv.gov.vn/tin-tuc/kinh-te/khuyen-khich-nguoi-kinh-doanh-qua-mang-tu-giac-nop-thue-211887.html