Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ sáu của Ban Chỉ đạo vào chiều nay (ngày 14/11), theo chinhphu.vn.

Thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích những khó khăn, rào cản và đề xuất các phương hướng, giải pháp cụ thể, thiết thực để đạt được mục tiêu cải cách hành chính năm 2023. Ảnh: VGP

Theo chương trình, phiên họp sẽ đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính của 10 tháng năm 2023 (đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm), thảo luận phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính những tháng cuối năm và những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cải cách hành chính là vấn đề rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm đời sống cho người lao động, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước đặc biệt quan tâm, nhất là tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đang diễn ra.

Thời gian qua, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự cố gắng, nỗ lực và quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương, của các thành viên Ban Chỉ đạo, công tác cải cách hành chính đã có những chuyển biến tích cực, đạt được kết quả khá toàn diện trên cả 6 nội dung (1) Cải cách thể chế; (2) Cải cách thủ tục hành chính; (3) Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; (4) Cải cách chế độ công vụ; (5) Cải cách tài chính công; (6) Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Trong đó, công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách chế độ công vụ có nhiều cải thiện; góp phần quan trọng vào phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng; người dân, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực; kỷ luật, kỷ cương hành chính nhiều nơi còn chưa nghiêm, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm chưa được giải quyết triệt để… Những tồn tại, hạn chế đó cần sớm khắc phục để mau chóng khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.

“Các thành viên Ban Chỉ đạo, các đại biểu cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất, thông thoáng nhất cho người dân, doanh nghiệp, khẳng định sự chủ động...”, Thủ tướng đề nghị.

Thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp... Ảnh: VGP

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách không còn phù hợp, chậm được sửa đổi, bổ sung. Quy trình, thủ tục hành chính trong nội bộ của từng cơ quan và giữa các cơ quan có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Việc phân cấp, phân quyền trong một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới...

“Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, giải quyết vướng mắc pháp lý, nhất là về định giá đất, nhà ở, bất động sản, quy hoạch, đấu thầu, đầu tư, xây dựng…; rà soát, đơn giản hóa điều kiện, quy định kinh doanh, quy trình thủ tục về thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư, xây dựng; các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp và đẩy mạnh thực hiện Đề án 06. Yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách hành chính.”, Thủ tướng nhấn mạnh./.