Thủ tướng: Chính phủ luôn cầu thị, lắng nghe, không bỏ qua ý kiến nào của doanh nghiệp
Năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế
Thông tin tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, vừa diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy, riêng năm 2023, tổng doanh thu của các DNNN đạt hơn 1,652 triệu tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch; lợi nhuận hơn 125.000 tỷ đồng. Trong đó, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Viettel có doanh thu đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm 79% tổng doanh thu. Tổng số tiền thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước của khu vực DNNN là hơn 166.000 tỷ đồng, đạt 108% so với kế hoạch phê duyệt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Nguồn: VGP |
Trong 5 tháng đầu năm 2024, doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ước đạt hơn 823.000 tỷ đồng, bằng 112% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 28.000 tỷ đồng, bằng 133% so với cùng kỳ; giá trị nộp ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 70.000 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp vẫn còn thua lỗ; kết quả giải ngân vốn đầu tư của nhiều DNNN quy mô lớn chưa đạt kế hoạch; tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là trong các lĩnh vực mới như: sản xuất năng lượng sạch, sản xuất chip, vi mạch, bán dẫn, hydrogen... chưa được xem xét, ưu tiên; năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số của các DNNN còn hạn chế; công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp còn chậm…
5 định hướng lớn
Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh nhấn mạnh một số định hướng, mà trước hết là luôn xác định rõ vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, DNNN là lực lượng quan trọng, nòng cốt đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. Đây là nhiệm vụ quan trọng của các DNNN. Phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tinh thần sáng tạo, yêu nước, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để thực hiện sứ mệnh cao cả này. Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất chip bán dẫn, hydorgen, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).
"Nếu DNNN không làm trụ cột, đi đầu, tiên phong mở đường trong đầu tư phát triển, tạo động lực, dẫn dắt, lan tỏa trong phát triển kinh tế-xã hội, thì thành phần kinh tế nào có thể làm được?", Thủ tướng đặt vấn đề. Nguồn: VGP |
Thứ hai, tiếp tục rà soát, triển khai hiệu quả các đề án cơ cấu lại, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm và 5 năm đã được phê duyệt; xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án dở dang, chậm tiến độ nhiều năm, thực hiện công tác quyết toán các dự án đúng thời hạn quy định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các báo cáo, ý kiến, hoàn thiện, trình ban hành văn bản chỉ đạo phù hợp sau Hội nghị. |
"Chiến lược đúng sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức. Vì vậy, với kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm và 5 năm, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng lộ trình chi tiết, cụ thể ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như phấn đấu đạt toàn bộ các chỉ tiêu chủ chốt gồm: doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước, thu nhập bình quân của người lao động.
Thứ ba, chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN một cách căn cơ, bài bản, toàn diện, bền vững thông qua đổi mới, tối ưu hóa các phương thức sản xuất, hợp tác, công nghệ, quản trị, nhân sự…; chú trọng đổi mới công tác cán bộ, nguồn nhân lực là then chốt của then chốt, tuyển dụng, thuê nguồn nhân lực chất lượng cao, xem xét thí điểm thuê các giám đốc điều hành của nước ngoài, nhân sự lãnh đạo không phải là đảng viên; xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, tiền lương phù hợp.
Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư phát triển của DNNN để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, động lực tăng trưởng mới, 3 đột phá chiến lược. Quán triệt, nhận thức rõ ưu thế nổi trội về nguồn lực, về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao đang nắm giữ.
Thứ năm, ưu tiên hình thành, phát triển lực lượng doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng có lợi thế cạnh tranh, khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
"Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần có những doanh nghiệp trong nước đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế, có thương hiệu, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa", Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị các DNNN, nhất là những DNNN quy mô lớn cần nỗ lực hơn nữa, tăng cường tích luỹ, tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư, trở thành đầu tàu lớn ngang tầm khu vực và thế giới, vươn lên khẳng định uy tín, thương hiệu doanh nghiệp quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế.
Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị DNNN thực hiện tốt "5 tiên phong": (1) Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4; (2) Tiên phong trong hội nhập quốc tế, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả; (3) Tiên phong trong khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước, đi đôi với tích cực đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (4) Tiên phong trong nghiên cứu, đề xuất, thực hiện các cơ chế, chính sách đột phá phát triển đất nước, trong đó có phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với làm tốt an sinh xã hội; (5) Tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh.
Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nỗ lực hơn nữa, bám sát tình hình quốc tế và khu vực, diễn biến trong nước và hoạt động của doanh nghiệp để luôn đổi mới; tiên phong trong tháo gỡ khó khăn, giảm thủ tục hành chính, đề xuất các cơ chế, chính sách, nghiên cứu chính sách ưu đãi để phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, rà soát các thủ tục pháp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính.../.
Bình luận