Nhiều nơi chưa có kế hoạch hành động

Trong phiên họp Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm hôm nay (29/6), trước khi yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, nhiều địa phương còn không biết Nghị quyết 19 nói về cái gì?

Theo đó, ngày 18/3/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/2014/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đến năm 2015. Đến tháng 3/2015, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP, ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2015-2016.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, có thể do 2 nghị quyết này trùng tên (Nghị quyết 19) nên nhiều địa phương lúng túng, tưởng Chính phủ ban hành "nhầm".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Nghị quyết 19 để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, liên quan trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nếu Việt Nam không làm được điều này, thì khó đạt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Nghị quyết 19/2015/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hai năm 2015-2016 xác định mục tiêu là: “Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính... Cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng chuyển sang hậu kiểm”. Cũng theo mục tiêu của Nghị quyết là phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta đạt và vượt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 6 vào cuối năm 2015 và ASEAN 4 vào cuối năm 2016. Để đạt mục tiêu nêu trên, Nghị quyết đề ra 13 nhiệm vụ, giải pháp tổng thể và 80 giải pháp cụ thể cho các bộ, cơ quan và địa phương.

Theo yêu cầu của Nghị quyết 19, trước 30/4/2015, các bộ, cơ quan, địa phương phải ban hành kế hoạch hành động. Tuy nhiên đến nay, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới nhận được kế hoạch hành động của 12 bộ và cơ quan, 12 UBND tỉnh, thành phố. Như vậy, vẫn còn 13 bộ, cơ quan và 51 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa có kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19.

Một số bộ, cơ quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bảo hiểm Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đã hiểu đúng phương pháp, ý nghĩa của các chỉ tiêu Nghị quyết 19 đề ra và đã tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp đề ra theo yêu cầu. Một số bộ, cơ quan khác chưa bám sát chỉ tiêu nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cầu của Nghị quyết 19. Tất cả kế hoạch hành động của các địa phương đều không nêu rõ cách thức của lộ trình triển khai như thế nào.

Trước thông tin mới có hơn chục bộ, ngành có kế hoạch hành động, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm hơn nữa việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19, muốn cạnh tranh thành công không có cách nào khác là phải có năng lực cạnh tranh.

Thủ tướng chỉ rõ, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tốn kém tiền bạc, thời gian trong việc thực hiện các thủ tục hành chính như thế, thì chúng ta phải tập trung cải cách. Người đứng đầu Chính phủ nói: "Việt Nam là quốc gia có người dân sử dụng internet cao hơn mức bình quân khu vực và thế giới, rất mừng. Vậy tại sao chỉ số chính phủ điện tử lại thấp? Sao ta không tận dụng để thực hiện các dịch vụ công, chính phủ điện tử?"

Dẫn chứng ngay trong việc thu thuế, Thủ tướng cho rằng, trước đây thu thuế bằng cách xách bao tiền đến xếp hàng nộp, giờ thu thuế qua mạng lợi biết bao nhiêu. Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi Bộ Tài chính cho biết, đến tháng 9/2015 dự kiến sẽ có 90% doanh nghiệp nộp thuế điện tử. Nếu làm được như vậy thì sẽ tiết kiệm rất nhiều cho doanh nghiệp cũng như cho nền kinh tế.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần đưa ngay công nghệ thông tin vào để quản lý, thực hiện Chính phủ điện tử không chỉ quy định trên giấy.

Đã có chỉ tiêu đạt và vượt mức ASEAN 6

Báo cáo cụ thể về thực hiện Nghị quyết 19/2014/NQ-CP, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết kết quả rất đáng khích lệ. Cụ thể:

- Về chỉ tiêu Khởi sự kinh doanh: Thời gian đăng ký kinh doanh còn 3 ngày, vượt chỉ tiêu so với yêu cầu (Nghị quyết 19 đặt chỉ tiêu 6 ngày). Theo đó, thời gian Khởi sự kinh doanh còn 17 ngày và xếp hạng cải thiện từ vị trí 109 lên vị trí 37 (tăng 72 bậc), cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước ASEAN 6 (vị trí 99).

- Về chỉ tiêu Bảo vệ nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư thiểu số theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế tốt: điểm số về Bảo vệ nhà đầu tư tăng từ 3,33 điểm lên 6,2 điểm nhờ đổi mới của Luật Doanh nghiệp 2014 và xếp hạng chỉ số này sẽ tăng 105 bậc (từ vị trí 157 lên vị trí 52), đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 6 như yêu cầu của Nghị quyết.

- Về chỉ tiêu Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội (BHXH): Trong năm 2014 và đầu năm 2015, số giờ nộp thuế dự kiến giảm được 380 giờ (từ 537 giờ/năm xuống còn 157 giờ/năm). Tuy vậy, thời gian nộp thuế vẫn chưa đạt yêu cầu của Nghị quyết và cần tiếp tục giảm thêm 35,5 giờ nữa.

Cùng với những cải cách về thuế, quy trình nộp BHXH đã được rút gọn. Thời gian nộp BHXH dự kiến giảm được 100 giờ, từ 335 giờ/năm xuống còn 235 giờ/năm. Mức giảm này còn khoảng cách tương đối xa so với mục tiêu là 49,5 giờ/năm, do đó BHXH cần tiếp tục giảm thêm 185,5 giờ.

Tổng thời gian Nộp thuế và BHXH dự kiến giảm được 480 giờ và cải thiện 27 bậc, từ vị trí 149 lên vị trí 122. Tuy nhiên, vị trí này vẫn thấp hơn khá nhiều so với trung bình của các nước ASEAN 6 (vị trí 67).

- Về chỉ tiêu Tiếp cận điện năng: Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành các văn bản quy định rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng. Nhờ vậy, tiếp cận điện năng giảm được khoảng 30 ngày, từ 115 ngày xuống còn 85 ngày và thứ hạng cải thiện 12 bậc (từ vị trí 156 lên vị trí 144). Tuy vậy, thời gian giảm chưa đạt yêu cầu của Nghị quyết và cần giảm thêm 15 ngày.

- Về chỉ tiêu Giao dịch thương mại qua biên giới: Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã rà soát và sửa đổi một số quy định, chính sách liên quan, giải quyết vướng mắc về thủ tục hải quan cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa qua không chỉ là trách nhiệm của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan mà còn thuộc trách nhiệm của các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành. Năm 2014, chưa nhiều bộ chú trọng tới cải thiện thủ tục quản lý chuyên ngành, do vậy chỉ số này chưa có sự cải thiện rõ rệt./.

Thực hiện Nghị quyết 19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát và đề nghị bãi bỏ 3.299 điều kiện kinh doanh quy định tại 170 thông tư, quyết định của các bộ. Theo quy định của Luật Đầu tư 2014 thì 3.299 điều kiện này sẽ đương nhiên bị bãi bỏ và hết hiệu lực thi hành kể từ 1/7/2016. Bởi, theo Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực từ 1/7/2015, các điều kiện kinh doanh chỉ được quy định tại cấp Nghị định của Chính phủ trở lên. Vì vậy, những điều kiện kinh doanh quy định tại các thông tư, quyết định cấp bộ trưởng trở xuống sẽ không còn hiệu lực.

Tuy nhiên, để có bước chuyển đổi, luật cho phép trong vòng 1 năm (từ 1/7/2015 đến 1/7/2016) để chuyển đổi các điều kiện kinh doanh này. Nếu điều kiện này nào cần thiết, hợp lý thì được chuyển từ các thông tư, quyết định (không hợp lệ) đưa vào các nghị định của Chính phủ cho hợp lệ.