Thủ tướng trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo về kết luận thanh tra
Làm rõ thêm một số nội dung đại biểu Quốc hội chất vấn về lĩnh vực thanh tra tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội diễn ra chiều ngày 5/11, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, năm 2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo công tác thanh tra, coi đây là công tác trọng tâm; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ trong công tác thanh tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong quá trình chỉ đạo thanh tra, Chính phủ yêu cầu thường xuyên nâng cao chất lượng hoạt động, xử lý chồng chéo trong kiểm toán, kiểm tra, thanh tra, nhất là ở các doanh nghiệp… |
Về công tác phòng, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ xác định công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực là công tác trọng tâm, đồng thời chỉ đạo bộ, ngành địa phương thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm tham nhũng, kiểm soát tài sản thu nhập, thu hồi tài sản tham nhũng, phòng chống tham nhũng trong khối ngoài nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về lĩnh vực này. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác này. Chính phủ sẽ tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội, để tiếp tục khắc phục trong thời gian tới, đảm bảo phát huy vai trò của ngành Thanh tra trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chính phủ đã chỉ đạo ngành Thanh tra tập trung thanh tra trong một số lĩnh vực quan trọng như: xây dựng, đấu thầu, chứng khoán, ngân hàng… Thủ tướng Chính phủ trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo về kết luận thanh tra, nhất là với những vấn đề phức tạp, qua đó nhiều cuộc thanh tra đạt kết quả tốt, xử lý nghiêm các vi phạm. |
Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến việc thu hồi tài sản cho nhà nước, phát hiện vi phạm pháp luật, xử lý sau thanh tra. Phó Thủ tướng cho biết, 9 tháng đầu năm nay, trên 3.000 kết luận thanh tra đã được ngành Thanh tra thực hiện, chiếm trên 60% tổng số kết luận thanh tra. Đây là kết quả đáng ghi nhận.
Theo Phó Thủ tướng, trong một số trường hợp, kết luận thanh tra còn chưa đảm bảo rõ ràng về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp. Để khắc phục điều này, cần nâng cao chất lượng công tác thanh tra thông qua hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cán bộ, quy định chặt chẽ quy trình công tác thanh tra.
Về xây dựng pháp luật, Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi) để khắc phục hạn chế của Luật hiện hành. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi). Đây là một giải pháp quan trọng sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong ngành…/.
Bình luận