Từ khóa: doanh nghiệp, nguồn lao động, thực trạng

Summary

The article aims to assess the current situation of labor resources in Vietnamese enterprises in recent years. Research results show that the number of employees working in enterprises tends to increase, in which, workers working in non-state enterprises account for the highest proportion. The research results also show that workers working in the manufacturing sector account for the highest percentage and employees working in state-owned enterprises earn the highest average income. However, compared to some other countries in the region, the income of Vietnamese workers is quite low. On that basis, the article proposes some recommendations to improve labor resources in the coming time.

Keywords: enterprise, labor source, current situation

Giới thiệu

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế, những thay đổi từ bên ngoài đã có những ảnh hưởng nhất định tới kinh tế trong nước, các đối tượng tham gia vào hoạt động kinh tế Việt Nam không chỉ tăng lên về số lượng, mà còn có hình thức đa dạng hơn. Trong đó, hệ thống các doanh nghiệp được xem là bộ phận quan trọng nhất, đóng góp quyết định đến tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước (Nguyễn Ngọc Hà, 2016). Trong hơn 15 năm qua, các doanh nghiệp đã tạo lập được cơ sở sản xuất, trang bị những dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại với công suất lớn, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao. Hiện nay nhiều doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận ISO 9002, là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh của mình, gây dựng uy tín cho doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm đối với khách hàng. Những thành tựu đạt được của doanh nghiệp trong những năm qua thể hiện ở quy mô sản xuất không ngừng mở rộng, doanh thu, lợi nhuận, nghĩa vụ với nhà nước đều tăng lên qua các năm, ngày càng nâng cao mức thu nhập người lao động, cải thiện đời sống vật chất của người lao động. Đóng góp vào sự thành công đó có sự góp phần không nhỏ của lực lượng lao động tại các doanh nghiệp. Bởi đây là nguồn lực giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lựợng và hiệu quả công việc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các doanh nghiệp nuớc ta chưa quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực một cách toàn diện, chưa coi việc phát triển nguồn nhân lực là đầu tư cho tương lai của doanh nghiệp. Chính vì vậy, bài viết phân tích thực trạng nguồn lao động tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, để làm cơ sở đề xuất giải pháp góp phần phát triển lao động trong thời gian tới.

THỰC TRẠNG NGUỒN LAO ĐỘNG TẠI CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp ở nước ta gần đây đã có sự gia tăng mạnh mẽ. Năm 2000, cả nước chỉ có 42.288 doanh nghiệp; đến năm 2015, tăng lên gấp 10,5 lần với 442.485 doanh nghiệp, tương ứng bình quân mỗi năm tăng 25.012 doanh nghiệp, với tốc độ tăng bình quân là 15,81%/năm. Đến năm 2020, tổng số doanh nghiệp đã tăng lên và đạt 684.260 doanh nghiệp. Từ đó, kéo theo nhu cầu cầu lao động làm việc tại các doanh nghiệp cũng gia tăng.

Sự phát triển của doanh nghiệp đã tạo điều kiện thu hút lực lượng lao động tham gia vào quá trình sản xuất. Quy mô về lao động cũng thể hiện năng lực sản xuất của các doanh nghiệp. Bên cạnh gia tăng về quy mô vốn, thì các doanh nghiệp cũng không ngừng thu hút thêm lao động, tạo việc làm. Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê ở Bảng 1 cho thấy, năm 2000, quy mô lao động làm việc tại các doanh nghiệp ở Việt Nam đạt 3.537 nghìn lao động. Đến năm 2010, số lượng lao động làm việc tại các doanh nghiệp đã tăng lên 9.830,9 nghìn lao động, năm 2020 đạt 14.702,55 nghìn lao động. Trong đó, lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước có xu hướng gia tăng, từ mức 29,43% tăng lên 58,54% trong tổng số lao động làm việc tại các doanh nghiệp.

Bảng 1: Quy mô lao động của các doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2000-2020

Đơn vị: 1.000 lao động

Năm

Tổng

Phân theo loại hình

Doanh nghiệp nhà nước

Doanh nghiệp ngoài nhà nước

Doanh nghiệp FDI

Số lượng

Cơ cấu

(%)

Số lượng

Cơ cấu

(%)

Số lượng

(Doanh nghiệp)

Cơ cấu

(%)

Số lượng

Cơ cấu

(%)

2000

3.537

100

2.088,53

59,05

1.040,9

29,43

407,57

11,52

2005

6.237,4

100

2.037,66

32,67

2.979,12

47,76

1.220,62

19,57

2006

6.715,17

100

1.899,94

28,29

3.369,86

50,18

1.445,37

21,52

2007

7.382,16

100

1.763,12

23,88

3.933,18

53,28

1.685,86

22,84

2008

8.246,24

100

1.725,4

20,92

4.691,35

56,89

1.829,49

22,19

2009

8.921,54

100

1.735,52

19,45

5.266,43

59,03

1.919,59

21,52

2010

9.830,9

100

1.691,8

17,21

5.983

60,86

2.156,1

21,93

2011

10.895,6

100

1.664,4

15,28

6.680,6

61,31

2.550,6

23,41

2012

11.084,9

100

1.606,4

14,49

6.758,5

60,97

2.720

24,54

2013

11.565,9

100

1.660,2

14,35

6.854,8

59,27

3.050,9

26,38

2014

1.213,5

100

1.537,6

12,67

7.148,4

58,91

3.449

28,42

2015

12.856,9

100

1.371,8

10,67

7.712,6

59,99

3.772,7

29,34

2016

14.012,3

100

1.285,9

9,18

8.572,4

61,18

4.154

29,65

2017

14.518.3

100

1.201,1

8,27

8.807,2

60,66

4.510

31,06

2018

14.817,81

100

1.126,7

7,60

8.977,16

60,58

4.713,95

31,81

2019

15.151,63

100

1.107,62

7,31

9.075,26

59,90

4.968,75

32,79

2020

14.702,55

100

1.005,37

6,84

8.607,05

58,54

5.090,13

34,62

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Điều này là do các doanh nghiệp ngoài nhà nước ngày càng gia tăng về quy mô, nên nhu cầu lao động làm việc ngày một tăng. Số lượng lao động làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng có sự gia tăng đáng kể, từ mức 11,52% vào năm 2000 đã tăng lên 34,62% trong tổng số lao động của cả nước vào năm 2020. Riêng lao động làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước giảm đáng kể, từ mức 59,05% trong tổng số lao động vào năm 2000 giảm xuống còn 6,84% vào năm 2020. Điều này được giải thích là do số lượng các doanh nghiệp nhà nước giảm trong thời gian qua, do Chính phủ thực hiện chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thực hiện hiện nhiều chính sách hỗ trợ tất cả các loại hình doanh nghiệp phát triển.

Về mức tăng trưởng lao động trong doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng bình quân về lao động nhỏ hơn tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng doanh nghiệp, thể hiện các doanh nghiệp mới thành lập có quy mô ngày càng thu nhỏ. Nếu trong 2 giai đoạn 2000-2005 và 2006-2010 có sự tăng trưởng khá mạnh về số lượng lao động hơn 10%/năm, thì sang giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng về số lượng lao động đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng 4,22%/năm. Điều này chỉ ra, số lượng việc làm mới tạo ra trong 5 năm gần đây có xu hướng giảm đáng kể.

Xét theo loại hình doanh nghiệp, trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng lao động của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI tăng nhanh rõ rệt so với khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước (10,28%/năm so với 3,66%/năm). Trong khi đó, do sự sụt giảm của số lượng doanh nghiệp nhà nước, nên số lượng lao động trong khu vực nhà nước cũng đã giảm trong giai đoạn này. Trong giai đoạn 2016-2020, lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm về tỷ trọng (từ 59,05% xuống 6,84%); ngược lại lao động trong khu vực ngoài nhà nước tăng mạnh (từ 29,43% lên 58,54%). Lao động trong khu vực doanh nghiệp FDI cũng tăng, tỷ trọng lao động của khu vực doanh nghiệp này năm 2020 là 34,62%.

Quá trình phát triển của nền kinh tế đã tạo điều kiện cho nhiều ngành nghề phát triển. Từ đó, lao động ở Việt Nam cũng có điều kiện tham gia vào nhiều ngành nghề khác nhau. Đặc biệt, với định hướng và chiến lược phát triển nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lao động tham gia vào lĩnh vực công nghiệp ngày một gia tăng. Số liệu ở Bảng 2 cho thấy, lao động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất, năm 2010 ở mức 45,6% trong tổng số lao động của nền kinh tế và đã tăng lên 51,1% vào năm 2020. Tiếp theo là lao động làm việc xây dựng chiếm vị trí thứ hai, chiếm 16,7% ở năm 2010 và có xu hướng giảm xuống còn 9,7% vào năm 2020, chiếm vị trí thứ ba. Lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác cũng thu hút khá nhiều lao động tham gia. Năm 2010, tỷ lệ lao động tham gia vào lãnh vực này chiếm 14,1% trong tổng số lao động của cả nước, đứng vị trí thứ ba và chiếm 12,2% tổng số lao động của cả nước vào năm 2020, đứng vị trí thứ hai.

Bảng 2: Tỷ lệ lao động tham gia vào các ngành nghề của nền kinh tế

Đơn vị: %

Năm

2010

2015

2016

2017

2018

2019

2020

TỔNG SỐ

100

100

100

100

100

100

100

Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản

4,95

3,59

3,14

3,07

3,09

2,92

2,53

Công nghiệp chế biến, chế tạo

45,6

48,5

48,2

48,8

49,3

49,9

51,1

Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan

7,3

8,9

8,6

8,7

8,9

9,1

8,8

Xây dựng

16,7

14,1

13,7

12,8

11,3

10,7

9,7

Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác

14,1

13,2

13,6

13,6

13,7

13,5

12,6

Khác

11,44

11,79

12,75

13,03

13,65

13,91

15,37

Nguồn: Tác giả tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê

THU NHẬP CỦA LAO ĐỘNG VIỆT NAM VÀ TƯƠNG QUAN SO SÁNH VỚI LAO ĐỘNG TRONG KHU VỰC

Thu nhập của người lao động cũng là vấn đề được quan tâm. Số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê tại Bảng 3 cho thấy, kể từ năm 2010, thu nhập lao động đạt bình quân 47,38 triệu đồng/năm. Mức thu nhập này có xu hướng tăng lên và đạt bình quân 112,68 triệu đồng/người/năm. Trong đó, lao động làm việc ở các doanh nghiệp nhà nước có mức thu nhập cao nhất và đạt 185,15 triệu đồng/người/năm vào năm 2020. Lao động làm việc ở các doanh nghiệp FDI có mức thu nhập cao thứ hai và đạt bình quân 124 triệu đồng/người/năm. Lao động làm việc ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước có mức thu thập thấp nhất trong các loại hình doanh nghiệp và đạt trung bình 97,1 triệu đồng/người/năm.

Bảng 3: Thu nhập bình quân của lao động làm việc trong nền kinh tế

Đơn vị: triệu đồng/người/năm

Năm

2010

2015

2016

2017

2018

2019

2020

TỔNG SỐ

47,38

80,59

86,24

96,51

104,39

109,83

112,68

Doanh nghiệp nhà nước

73,93

115,03

137,76

144,12

151,91

171,05

185,15

Doanh nghiệp ngoài nhà nước

39,64

71,40

72,78

86,07

92,69

97,88

97,10

Doanh nghiệp FDI

48,02

86,84

98,06

104,23

115,30

117,99

124,71

Nguồn: Tác giả tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê

Xét về tương quan so sánh với thu nhập của lao động nước ngoài, kết quả khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) (Hình) cho thấy, người lao động Trung Quốc làm việc ở các công ty Nhật Bản có mức thu nhập cao nhất với mức 493 USD/người/tháng, lao động làm việc tại các công ty Nhật Bản có mức thu nhập cao thứ hai là ở Thái Lan với mức 446 USD/người/tháng. Lao động Việt Nam làm việc cho các công ty Nhật Bản đạt mức thu nhập 236 USD/người/tháng. Mức thu nhập này chỉ cao hơn so với thu nhập của lao động ở Campuchia, Lào và Myanma. Trong khi thu nhập của người lao động Trung Quốc cao gấp 2,08 lần thu nhập của lao động Việt Nam làm việc tại các công ty Nhật Bản, thu nhập của người lao động Thái Lan cao gấp 1,89 lần thu nhập của lao động Việt Nam làm việc tại các công ty Nhật Bản (Sơn Hà, 2022).

Hình: Thu nhập của lao động làm việc tại các công ty Nhật Bản

Đơn vị: USD
Thực trạng nguồn lao động tại các doanh nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây
Nguồn: Sơn Hà (2022)

Phân tích của JICA chỉ ra rằng, do tác động của quan hệ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, nhà đầu tư Nhật Bản có xu hướng lựa chọn Việt Nam để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, mức thu nhập của lao động Việt Nam làm việc các công ty của Nhật Bản vẫn thấp hơn khá nhiều so với lao động ở các quốc gia khác. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp này vẫn tập trung ở các ngành có giá trị gia tăng thấp, còn đối với những ngành nghề đòi hỏi trình độ cao, thì lao động Trung Quốc, Thái Lan vẫn chiếm ưu thế hơn so với Việt Nam (Sơn Hà, 2022).

KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT KIẾN NGHỊ

Lao động làm việc tại các khu vực doanh nghiệp của Việt Nam có xu hướng gia tăng trong những qua và tham gia vào nhiều ngành nghề khác nhau của nền kinh tế. Mức thu nhập của lao động làm việc tại các doanh nghiệp cũng có sự gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, lao động tập trung nhiều vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và mức thu nhập của lao động làm việc ở các loại hình doanh nghiệp khác nhau cũng có sự khác nhau đáng kể. Từ thực trạng này, tác giả đề xuất một số kiến nghị, góp phần phát triển nguồn lực lao động tại các doanh nghiệp và nâng cao thu nhập cho người lao động như sau:

Về phía Nhà nước, cần dành sự đầu tư lớn hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung, đầu tư mạnh mẽ cho phát triển lực lượng lao động có kỹ năng thông qua nâng cao chất lượng đào tạo nghề, cùng với cơ chế, chính sách sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực. Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của dạy nghề trong chiến lược phát triển nhân lực của đất nước, hoàn thiện cơ chế, chính sách về dạy nghề, học nghề. Đổi mới cơ cấu hệ thống dạy nghề trên cơ sở khung trình độ quốc gia, tiêu chuẩn kỹ năng nghề phù hợp với đất nước, cũng như xu thế chung của các nước trong khu vực và trên thế giới; gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động.

Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần triển khai đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học theo hướng hiện đại, đón đầu sự phát triển của xã hội trong bối cảnh hội nhập với khu vực và thế giới, phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn, cũng như nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của các địa phương. Ðối với các trường đào tạo các ngành nghề trọng điểm và các chương trình “đào tạo có địa chỉ”, cần đầu tư theo tiêu chuẩn các nước tiên tiến. Mặt khác, bằng cách tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động vốn đầu tư trong và ngoài nước để xây dựng các trường dạy nghề chất lượng cao, đổi mới trang thiết bị dạy học, thí nghiệm, thực hành, xưởng trường, xây dựng ký túc xá…

Về phía doanh nghiệp, cần tạo điều kiện cho người lao động tham gia các khóa đào tạo nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động tham gia các khóa đạo tạo này.

Đối với người lao động, cần thay đổi tư duy và tầm nhìn trong quá trình chọn nghề và tham gia các chương trình đào tạo theo hướng đủ khả năng tham gia các thị trường lao động khu vực và quốc tế. Điều này trước hết sẽ mang lại lợi ích lớn cho người lao động, vì với trình độ và năng lực cao, họ có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm với mức lương cao hơn, đồng thời, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh cho phân khúc lao động chất lượng cao./.

Đào Thúy Em - Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 14, tháng 5/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Ngọc Hà (2016), Phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Tạp chí Tài chính, kỳ II, tháng 10/2016

2. Phạm Thị Bạch Tuyết (2014), Thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với lao động ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Đại học Khoa học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, số 60/2014.

3. Sơn Hà (2022), Lao động Việt thu nhập bằng một nửa Thái Lan, truy cập từ https://vnexpress.net/lao-dong-viet-thu-nhap-bang-mot-nua-thai-lan-4505462.html.

4. Tổng Cục Thống kê (2023a), Số lượng doanh nghiệp Việt Nam, truy cập từ

https://pxweb.gso.gov.vn/pxweb/vi/Doanh%20nghi%e1%bb%87p/Doanh%20nghi%e1%bb%87p/V05.06.px/?rxid=233fabd8-1944-4ff7-95c7-d398784412b3, ngày 20/3/2023.

5. Tổng Cục Thống kê (2023b), Số lượng lao động làm việc tại các doanh nghiệp Việt Nam, truy cập từ https:// https://pxweb.gso.gov.vn/pxweb/vi/Doanh%20nghi%e1%bb%87p/Doanh%20nghi%e1%bb%87p/V05.10.px/?rxid=233fabd8-1944-4ff7-95c7-d398784412b3, ngày 20/3/2023.

6. Trần Đoàn Thanh Thanh, Lê Nữ Minh Phương, (2017), Xu hướng phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Hội thảo Khoa học và Quản trị kinh doanh COMB2017, Đà Nẵng.