Học viên cao học Dương Quang Hải

Trường Đại học Thủ Dầu Một

Email: 2418340101006@student.tdmu.edu.vn

Địa chỉ: 06 Trần Văn Ơn, Phú Hòa, Thủ Dầu Một, Bình Dương

Tóm tắt

Bình Dương có nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng, thế mạnh để dẫn đầu phát triển kinh tế đặc biệt là công nghiệp và dịch vụ - thương mại và đô thị. Trong những năm qua, Bình Dương đã đạt được nhiều thành công trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần nâng cao sự phồn vinh và hạnh phúc của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công bước đầu, sự phát triển kinh tế xã hội của Bình Dương vẫn còn những hạn chế nhất định làm chậm tốc độ phát triển của tỉnh đặc biệt trong bối cảnh mới hiện nay cũng như chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Bài viết sẽ phân tích thực trạng phát triển kinh tế xã hội Bình Dương và qua đó đề xuất những giải pháp thúc đẩy nền kinh tế tỉnh phát triển hiệu quả và bền vững hơn với mục tiêu trở thành“đô thị thông minh của vùng và cả nước”.

Từ khóa: Kinh tế, Bình Dương, phát triển bền vững, công nghiệp

Summary

Binh Duong has many favorable conditions and potentials, strengths to lead economic development, especially in industry and services - trade and urban areas. In recent years, Binh Duong has achieved many successes in economic development, socio-culture and ecological environment protection, contributing to improving the prosperity and happiness of the people. However, besides the initial successes, the socio-economic development of Binh Duong still has certain limitations that slow down the development speed of the province, especially in the current new context, and is not commensurate with the potential and advantages of the province. The article will analyze the current situation of socio-economic development of Binh Duong and thereby propose solutions to promote the province's economy to develop more effectively and sustainably with the goal of becoming a "smart city of the region and the whole country".

Keywords: Economy, Binh Duong, sustainable development, industry

ĐẶT VẤN ĐỀ

Bình Dương là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp trực tiếp với TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Phước, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và kết nối liên vùng và là địa điểm hấp dẫn của các dòng vốn FDI làm tăng quá trình đô thị hóa và phát triển mạnh mẽ các khu công nghiệp. Bên cạnh đó dịch vụ du lịch và nông nghiệp cũng phát triển theo hướng toàn diện, hiện đại như cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị và hiệu quả cao, từng bước giảm tỷ trọng trồng trọt và tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi. Theo Cục thống thống kê, trong năm 2024 quy mô GDP của nước ta ước đạt 11.511,9 nghìn tỉ đồng, tương đương 476,3 tỉ USD, GDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023. GRDP bình quân đầu người của tỉnh Bình Dương đạt 181,2 triệu đồng đứng đầu cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công bước đầu, sự phát triển kinh tế xã hội của Bình Dương vẫn còn những hạn chế nhất định về nguồn lực nhân lực, nguồn lực đầu tư, về cơ sở hạ tầng, thực thi cơ chế chính sách, liên kết phát triển kinh tế xã hội,... khiến cho kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Vì vậy, nghiên cứu thực trạng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Dương, tìm ra các nguyên nhân hạn chế và đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Dương hiệu quả và bền vững hơn là cần thiết, mang ý nghĩa về cả lý luận và thực tiễn.

TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN CỦA TỈNH BÌNH DƯƠNG

Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bình Dương là tỉnh có nhiều thành phố nhất cả nước với 5 thành phố. Theo Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 29/12/2013 của Chính phủ, tỉnh Bình Dương có diện tích tự nhiên là 2.694,43 km2 (chiếm khoảng 0,83% diện tích cả nước, khoảng 12% diện tích miền Đông Nam Bộ); dân số 2.823.400 người, mật độ dân số trung bình là 1.047,8 người / km2 (Tổng cục Thống kê – 2023); 09 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm: thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Dĩ An, thành phố Thuận An, thành phố Bến Cát, thành phố Tân Uyên và các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo) và 91 đơn vị hành chính cấp xã (41 xã, 45 phường, 05 thị trấn) theo Nghị quyết số 725/NQ-UBTVQH15 ngày 13/02/2023 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Bảng 1: Dân số và lao động của Bình Dương giai đoạn 2019-2023

Chỉ tiêu

2019

2020

2021

2022

2023

Dân số trung bình (nghìn người)

2.456,3

2.580,6

2.596,8

2.763,1

2.823,4

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên (nghìn người)

1.647,6

1.650,9

1.656,2

1.782,8

1.871,3

Số lao động có việc làm (nghìn người)

1.603,8

1.597,9

1.620,4

1.760,3

1.845,3

Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo (%)

21,9

20,1

21,0

21,1

23,3

Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam

Bình Dương có hạ tầng giao thông hiện đại với mạng lưới đường bộ, đường sắt phát triển và sự gần gũi với sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành trong tương lai, Bình Dương trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời sự tập trung của nhiều khu công nghiệp, tỷ lệ đô thị hóa cao và sự hình thành nhiều thành phố hiện đại trong tỉnh giúp tạo đà cho tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và chuyển mình thành đô thị hiện đại. Bình Dương có dân số đông, trẻ và năng động, là nguồn nhân lực dồi dào cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Nhờ sự phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống của người dân Bình Dương được nâng cao đáng kể. Mức thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Bình Dương có hệ thống giáo dục và y tế phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập và chăm sóc sức khỏe của người dân. An ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn được đảm bảo ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội.

Khu công nghiệp Bình Dương là một thương hiệu lâu đời trên thị trường đầu tư của Việt Nam và ví như thủ phủ khu công nghiệp ở phía Nam Việt Nam. Với các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, công nghiệp tỉnh nói chung và thị trường KCN Bình Dương nói riêng đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, đặc biệt góp phần vào sự phát triển kinh tế tổng thể và là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư FDI. Bình Dương có vị trí là trung tâm trong phát triển kinh tế số tại khu vực Đông Nam Bộ với hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối và có nhiều lợi thế là trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam. Việt Nam có tổng 414 khu công nghiệp, trong đó có 4 khu chế xuất. Nhưng riêng các khu công nghiệp ở Bình Dương là 31 khu công nghiệp với tổng diện tích 12.721 ha chiếm 13% diện tích các khu công nghiệp của các nước và tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 98%. Ngoài ra, tỉnh còn sở hữu 12 cụm công nghiệp với quy mô lên đến 790 ha và tỷ lệ lấp đầy cao đạt 67,4%. Ngoài ra, Bình Dương hiện nay đã có 6 khu công nghiệp đang áp dụng nền tảng quản trị và điều hành thông minh của Tổng Công ty Becamex IDC (Lê Ánh, 2024).

Hình 1: Bản đồ phân bố các khu công nghiệp Bình Dương (tỷ lệ: 1/450.000)

Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững kinh tế tỉnh Bình Dương trong bối cảnh mới
Nguồn: Savills Việt Nam

Tỉnh Bình Dương không chỉ nổi tiếng với công nghiệp mà còn có tiềm năng phát triển nông nghiệp đáng kể. Với khí hậu nhiệt đới gió mùa và đất đai màu mỡ, Bình Dương thuận lợi cho việc trồng các loại cây nhiệt đới như cây ăn trái và rau màu. Tỉnh cũng đang hướng tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng các mô hình nhà kính, nhà lưới và hệ thống tưới tiêu tự động để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản. Bên cạnh đó, Bình Dương có cơ sở hạ tầng phát triển, hệ thống giao thông thuận lợi kết nối với các tỉnh lân cận và TP. Hồ Chí Minh, giúp việc vận chuyển và tiêu thụ nông sản dễ dàng hơn. Chính quyền tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ như cung cấp vốn, đào tạo kỹ thuật và xúc tiến thương mại, khuyến khích phát triển nông nghiệp bền vững. Ngoài ra, với tốc độ đô thị hóa nhanh, Bình Dương có tiềm năng phát triển nông nghiệp đô thị, cung cấp thực phẩm sạch tại chỗ. Du lịch nông nghiệp cũng là một hướng đi tiềm năng, kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và du lịch sinh thái, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Nhờ những điều kiện thuận lợi và sự hỗ trợ từ chính quyền, Bình Dương có cơ hội lớn để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế toàn diện của tỉnh.

Bình Dương bên cạnh có tốc độ phát triển kinh tế, đô thị nhanh nhưng vẫn còn nhiều khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí gắn liền với thiên nhiên.Vị trí địa lý cũng là một lợi thế đối với Bình Dương trong việc liên kết với các địa phương khác, như nằm sát TP. Hồ Chí Minh, gần sân bay quốc tế, thuận lợi để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; có trục đường nối tiếp với tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh - Bình Phước và các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ. Bình Dương nằm trong lưu vực của 3 con sông lớn là: sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Bé, có thể tạo thành các sản phẩm du lịch sông nước với thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Bình Phước, hay phát triển các khu nghỉ dưỡng cuối tuần ven sông, những khu du lịch sinh thái vườn, các tour du lịch mạo hiểm trên sông. Từ trung tâm TP Thủ Dầu Một, trong vòng bán kính khoảng 40 km, Bình Dương có rất nhiều nơi để vui chơi, khám phá như khu du lịch Đại Nam với quy mô 450 ha, đây là một quần thể du lịch, văn hóa, thể thao theo mô hình công viên chuyên đề với nhiều loại hình vui chơi giải trí hấp dẫn ; khu du lịch Thủy Châu; nhà cổ Trần Văn Hổ; chùa Hội Khánh; làng tre Phú An; Hồ Dầu Tiếng; Lễ hội Kỳ Yên, lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu đón hơn 1 triệu lượt khách đến viếng vào dịp rằm tháng Giêng, hệ thống vườn cây ăn trái Lái Thiêu ven sông Sài Gòn với thương hiệu “miệt vườn Lái Thiêu” nổi tiếng từ lâu. Các cù lao Bạch Đằng, Thạnh Hội trên sông Đồng Nai gắn với các sản phẩm nông nghiệp. Bình Dương còn có các làng nghề rất đặc biệt, như: làng mộc, chạm khắc gỗ, làng mây tre đan Tân Uyên, làng sơn mài Tương Bình Hiệp, làng gốm sứ Lái Thiêu, Tân Phước Khánh, làng guốc mộc Thuận An, làng nhang Dĩ An, vùng đất mang đậm nét văn hóa với nhiều làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng với các sản phẩm có thương hiệu như gốm sứ Minh Long, Cường Phát, lò lu Đại Hưng, mây tre lá Thành Lộc, trong đó nghề sơn mài Tương Bình Hiệp và nghề gốm sứ Bình Dương được ông nhận là “Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia". Trên địa bàn tỉnh có 13 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và 41 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đã được công nhận. Bình Dương có hai ngọn núi là Núi Cậu và núi Châu Thới có cảnh quan đẹp và giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo có khả năng phát triển các loại hình du lịch tâm linh, tín ngưỡng, tham quan di tích lịch sử văn hóa.

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI CỦA TỈNH BÌNH DƯƠNG

Những kết quả đạt được

Trong số 63 tỉnh, thành phố, Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước, đạt khoảng 8,29 triệu đồng/tháng. Con số này cũng gấp 1,7 lần thu nhập bình quân đầu người của cả nước và này vượt xa hai địa phương xếp sau là Hà Nội với 6,86 triệu đồng/tháng và Đồng Nai 6,57 triệu đồng/tháng (Tổng cục Thống kê công bố vào tháng 4/2024 trong báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2023). Cơ cấu kinh tế của Bình Dương phản ánh sự phát triển cân đối giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, với trọng tâm là cơ cấu kinh tế công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ lệ lớn gần 90%. Theo quy hoạch Bình Dương thời kỳ 2021-2030, nơi đây sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2030.

Hình 2: Cơ cấu kinh tế tỉnh Bình Dương

Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững kinh tế tỉnh Bình Dương trong bối cảnh mới
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bình Dương

Bảng 2: Tốc độ phát triển tổng sản phẩm trong nước theo giá so sánh 2010

Đơn vị: %

Năm

2019

2020

2021

2022

2023

Bình Dương

10,65

6,24

2,78

7,19

5,00

Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam

Hình 3: Tốc độ tăng GDP của tỉnh Bình Dương

Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam

Một số chỉ tiêu nổi bật tỉnh Bình Dương đạt được năm 2024:

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 7,48% (năm 2023 tăng 5,00%); GRDP bình quân đầu người đạt 181,2 triệu đồng đứng đầu cả nước; Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá so với cùng kỳ, các ngành chủ lực phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,6% (năm 2023 tăng 6,1%); Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước tăng 13,3%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 12,7%; kim ngạch nhập khẩu đạt 24,5 tỷ USD, tăng 12,2% (vượt kế hoạch năm). Thặng dư thương mại đạt 10 tỷ USD.

Bảng 3: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024

Đơn vị: Triệu đồng

Theo giá hiện hành

Theo giá so sánh

Ước tính năm 2024

Cơ cấu (%)

Ước tính năm 2024

Kỳ báo cáo so với cùng kỳ năm trước (%)

Nông, lâm nghiệp và thủy sản

14.219.779

2,73

9.488.226

102,97

Công nghiệp và xây dựng

337.837.089

64,94

229.697.576

107,71

Dịch vụ

129.195.034

24,84

68.956.599

107,80

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm

38.953.32

7,49

25.649.666

106,26

TỔNG SỐ

520.205.229

100,00

333.792.067

107,48

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bình Dương

Bảng 3: Một số chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế của tỉnh Bình Dương

Chỉ tiêu

2019

2020

2021

2022

2023

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành)

175.772,75

186.462,3

158.641,98

189.577,17

205.759,48

Doanh thu du lịch lữ hành theo giá hiện hành (Tỷ đồng)

126,80

45,80

35,59

287,59

304,25

Số lượt hành khách vận chuyển bằng đường bộ (Triệu lượt người)

40,70

30,40

24,80

29,48

32,24

Khối lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường bộ (Nghìn tấn)

58.900,00

58.487,70

63.039,36

70.760,55

77.793,64

Chỉ số sản xuất công nghiệp (%)

109,0

106,1

103,0

108,5

105,0

Số doanh nghiệp đang hoạt động tại thời điểm 31/12 hàng năm (doanh nghiệp)

31.599

34.836

37.668

40.736

43.274

Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bình Dương ghi nhận những thành tựu đáng chú ý trong thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư trong nước. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, tỉnh đã thu hút được 48.117 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, với tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 3.365 doanh nghiệp, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số doanh nghiệp giải thể giảm 10%. Đáng chú ý, vốn đầu tư trong nước đã có những bước tiến vượt bậc, vượt qua cả vốn FDI. Bình Dương đã thu hút vốn đầu tư trong nước, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp nội địa. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có khoảng 72.319 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký là 1.134.123 tỷ đồng. Những con số này không chỉ thể hiện sự hấp dẫn của Bình Dương đối với các nhà đầu tư trong nước mà còn phản ánh sự đa dạng và phong phú của các ngành nghề kinh doanh tại đây. Trong khi đó, vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh Bình Dương đạt khoảng 824,6 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2024, đứng thứ 9 so với cả nước và đạt 45,8% so với chỉ tiêu đề ra. Quy mô trung bình dự án khoảng 3,62 triệu USD, cho thấy sự lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung vào các dự án có quy mô lớn và chất lượng cao. Tổng cộng, Bình Dương hiện có 4.322 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 40,9 tỷ USD, chiếm hơn 8,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước.

Bảng 4: Số khách và tổng doanh thu du lịch của Bình Dương 2021-2023

Thời gian

2021

2022

2023

2024

Số khách du lịch ( triệu )

0,64

1,8

2,5

3.2

Tổng doanh thu du lich (tỷ đồng)

500

1.400

1.695

2.200

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bình Dương

Kết quả trong năm 2024, ngành du lịch của tỉnh phục vụ 3,2 triệu lượt khách (trong đó có 350 ngàn lượt khách quốc tế) đạt 107% so với kế hoạch năm, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023, doanh thu đạt 2.200 tỷ đồng, đạt 110% so với kế hoạch năm và tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Mặc dù là tỉnh công nghiệp và thương mại - dịch vụ phát triển mạnh nhưng ngành nông nghiệp vẫn đóng góp tích cực vào nền kinh tế, với mức đóng góp khoảng 14,2 tỷ đồng, chiếm 2,73% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 2024. Qua đó góp phần tích cực ổn định đời sống người dân nông thôn, tạo ra lương thực thực phẩm cho xã hội. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Theo cục thống kê Bình Dương đến năm 2024, toàn tỉnh có hơn 6.450 ha diện tích đất canh tác ứng dụng công nghệ cao. Tổng diện tích gieo trồng ứng dụng công nghệ cao hàng năm đạt khoảng 8.418 ha, tăng 18,3% so với năm 2023. Toàn tỉnh có khoảng 600 ha đất trồng trọt theo hướng hữu cơ, trong đó có 171,5 ha/2 cơ sở đã được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ. Lĩnh vực chăn nuôi cũng tăng trưởng ổn định, theo hướng tập trung, quy mô lớn. Bình Dương hiện có số trang trại nông nghiệp đứng thứ 2 Đông Nam bộ và thứ 5 cả nước và thu nhập bình quân đầu người ở các xã nông thôn trong tỉnh đạt gần 90 triệu đồng. Tỷ lệ chăn nuôi trang trại chiếm trên 90% tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh. Bình Dương là địa phương đạt kết quả cao trong xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật.

Những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh những thành công, sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh của Bình Dương hiện vẫn đang phải đối mặt với một số khó khăn, hạn chế về cơ chế, chính sách, kết cấu hạ tầng, vốn đầu tư, nguồn nhân lực.

Thứ nhất, nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng hạn chế, kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật tại một số địa bàn chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ và phát triển. Mặc dù tỉnh đã nỗ lực tận dụng nguồn lực nhà nước cộng nguồn xã hội hóa để hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhưng vẫn chưa đồng bộ.

Thứ hai, có nhiều khu công nghiệp thu hút nhiều lao động nhập cư tay nghề không đồng đều do đó ảnh hưởng chất lượng nguồn nhân lực, điều này đặt cho Bình Dương trách nhiệm nặng nề trong đào tạo nguồn nhân lực như cần khẩn trương xây dựng chiến lược nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật cao, đào tạo các ngành nghề còn khan hiếm như chíp bán dẫn, công nghệ cao, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin.

Thứ ba, công tác đền bù và giải phóng mặt bằng hiện nay còn nhiều bất cập do quy định pháp luật thiếu ổn định, khung giá đền bù chênh lệch lớn so với giá thị trường, đơn giá thường xuyên phải điều chỉnh. Việc bố trí kinh phí bồi thường còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án. Đặc biệt, trong một số trường hợp đặc thù, việc không cho phép chỉ định thầu đã kéo dài thời gian lựa chọn nhà thầu. Ngoài ra, thủ tục đầu tư còn phức tạp, giám sát chưa chặt chẽ, dẫn đến tiến độ dự án chậm trễ, nhất là các dự án ODA khi thủ tục điều chỉnh mất nhiều thời gian. Các dự án ngoài ngân sách cũng gặp khó khăn về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, rà soát thu hồi dự án triển khai chậm. Bên cạnh đó, công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội còn bị động, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương. Năng lực thực thi công vụ của một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, vai trò của người đứng đầu chưa phát huy đầy đủ. Hạn chế về nguồn lực tài chính và hỗ trợ từ Trung ương cũng là những thách thức lớn cần khắc phục.

Ngoài ra, đối với nông nghiệp và phát triển nông thôn như tình hình dịch bệnh trên vật nuôi tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn tiêm ăn nhiều nguy cơ do áp lực dịch bệnh cả nước hiện nay. Giá bạn đồng vật sản phẩm đồng vật trong thời gian qua biển đồng bắt thương và luôn thấp hơn giá thành sản xuất và kéo dài. Năng lực hoạt động một số Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động cầm chừng, việc huy động nguồn nội bộ thành viên còn hạn chế. Bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch liên kết chuỗi nhân hiệu, thương hiệu sản phẩm năng nghiệp của tỉnh chưa đáp ứng đủ so với yêu cầu phát triển.

Cuối cùng, du lịch Bình Dương có sản phẩm du lịch chưa đa dạng, thiếu điểm nhấn đặc trưng, chưa đủ sức hút với du khách. Hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, giao thông kết nối và dịch vụ lưu trú còn hạn chế. Công tác quảng bá chưa hiệu quả, thương hiệu du lịch Bình Dương chưa thực sự nổi bật. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu, liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành với điểm du lịch chưa chặt chẽ. Du lịch nông nghiệp, sinh thái dù có tiềm năng nhưng chưa được khai thác bài bản. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch chưa đủ mạnh để thúc đẩy ngành. Để khắc phục, tỉnh cần tập trung đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, nâng cao chất lượng dịch vụ và đẩy mạnh quảng bá hình ảnh.

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2025-2030

Để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Bình Dương tốt hơn tương xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh như Quyết định số 790/QĐ-TTg ngày 03 tháng 08 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chủ đề “Bình Dương vững bước tương lai” cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, Bình Dương bên cạnh việc thu hút vốn đầu tư cần chú trọng đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển cơ sở hạ tầng. Các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là những bước đi chiến lược để thu hút FDI chất lượng cao và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước phát triển. Bình Dương tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối vùng như các kết nối tới cảng biển ( Cái Mép Thị Vãi, Cần Giờ), cửa khẩu quốc tế ( Mộc Bài, Hoa Lư), phát triển các đô thị sinh thái dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai.

Thứ hai, thách thức với các khu công nghiệp Bình Dương vẫn là quỹ đất còn rất hạn chế, ngành nghề thu hút đầu tư đã không còn hấp dẫn, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp công nghệ đang tìm kiếm môi trường đầu tư mới ngoài Trung Quốc. Điều này khiến xu hướng của các nhà đầu tư dịch chuyển đến các khu vực xa hơn để mở rộng sản xuất như Bình Phước, Tây Nguyên. Do vậy bên cạnh việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp các khu cụm công nghiệp hiện hữu theo hướng tối ưu hóa sử dụng đất, xử lý triệt để các vấn đề môi trường, chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp xanh…cần có các chiến lược phát triển các không gian động lực trong tỉnh như khu đô thị hiện đại, khu đô thị thông minh, khu công nghiệp thế hệ mới.

Thứ ba, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu thông qua phát triển kinh tế số ứng dụng trong quản lý và sản xuất, phát triển xanh nền kinh tế nhờ sự dẫn dắt của khoa học công nghệ từ đó tạo ra một nền kinh tế hài hòa giữa con người với tự nhiên và xã hội góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng. Chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, giảm chi phí sản xuất, chủ động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có ứng dụng khoa học công nghệ cao trên cơ sở các thế mạnh và tiềm năng của tỉnh.

Thứ tư, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Việc rà soát, điều chỉnh các quy hoạch đã được phê duyệt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch tỉnh là điều cần thiết. Đồng thời, tỉnh cần chủ động xây dựng kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, thu hút FDI, tận dụng lợi thế tại các khu kinh tế, khu công nghiệp. Hình thành trung tâm logistics gắn với sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đồng bộ hóa các dịch vụ du lịch, dịch vụ hậu cần là yếu tố quan trọng để đáp ứng nhu cầu phát triển. Việc thu hút các doanh nghiệp lớn, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh sẽ tạo động lực phát triển bền vững. Ngoài ra, quy hoạch cần đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa thành thị và nông thôn, kết hợp chặt chẽ với quy hoạch giao thông, thủy lợi, quốc phòng nhằm đảm bảo nguồn lực cho đầu tư lâu dài. Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương ngay từ khâu xây dựng quy hoạch và kế hoạch, bảo đảm các công trình, điểm của tỉnh, nhất là các dự án lớn về giao thông, thủy lợi, quốc phòng - dự án trọng an ninh... được thể hiện đầy đủ trong quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển của bộ, ngành chủ quản nhằm bảo đảm nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Thứ năm, ngành nông nghiệp Bình Dương đang hướng đến phát triển bền vững thông qua việc đẩy mạnh chế biến nông sản, xây dựng liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Việc tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, tiềm lực vốn, khoa học công nghệ và thị trường từ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ tạo động lực cho ngành phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực giống cây trồng, công nghệ sinh học và mô hình nông nghiệp tuần hoàn, sẽ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Bình Dương cần phát triển các dịch vụ phụ trợ như logistics, kho bãi, xúc tiến thương mại, bao bì, phân bón và thức ăn chăn nuôi nhằm hỗ trợ tối đa cho ngành nông nghiệp. Quan trọng nhất, sự chung tay của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp giàu kinh nghiệm cùng với lực lượng nhân lực trẻ tâm huyết sẽ góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại nhưng vẫn gìn giữ bản sắc truyền thống, đưa Bình Dương phát triển hài hòa giữa công nghiệp và nông thôn bền vững.

Ngoài ra, phát triển du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp nhằm khai thác tiềm năng sẵn có, đặc biệt là các điểm du lịch vườn, du lịch ven sông. Để nâng cao chất lượng dịch vụ, cần phối hợp với các sở, ngành và trường đào tạo nghề du lịch tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các hộ kinh doanh, chủ nhà vườn. Đồng thời, thúc đẩy liên kết giữa các đơn vị lữ hành với các điểm tham quan, hình thành các tour du lịch gắn với nông nghiệp đô thị. Công tác tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp và nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, quảng bá cũng được đẩy mạnh qua các kênh truyền thông như website, ứng dụng du lịch, mạng xã hội và hệ thống pano. Các lễ hội đặc sắc như , Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu, Hương bưởi Bạch Đằng, Mùa trái chín tiếp tục thu hút du khách, tạo động lực cho du lịch Bình Dương phát triển bền vững.

Cuối cùng, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Triển khai các chương trình, kế hoạch hợp tác, liên kết với các địa phương khác trong cả nước, đặc biệt là với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với tinh thần cụ thể, minh bạch, rõ trách nhiệm, hài hòa lợi ích, cùng phát triển. Tăng cường mở rộng hợp tác đầu tư, giao lưu văn hóa các địa phương. Ngoài ra, Tỉnh cần có chính sách khuyến khích các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp... tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

KẾT LUẬN

Bình Dương có vị trí là trung tâm trong phát triển kinh tế tại khu vực Đông Nam Bộ với hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối và có nhiều lợi thế là trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam, đồng thời cũng vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, Bình Dương vẫn chưa phát huy hiệu quả những thế mạnh sẵn có vào trong sự phát triển nên kết quả phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Hạn chế này xuất khát từ nhiều nguyên nhân như hạn chế về cơ chế chính sách của địa phương, sự yếu kém trong quy hoạch đô thị và cơ sở hạ tầng đồng bộ, chất lượng dịch vụ, nguồn lực đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực, liên kết phát triển giữa các vùng trong tỉnh cũng như với các tỉnh lân cận. Vì vậy, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục những hạn chế trên. Không chỉ phải hoàn thiện về cơ chế chính sách, về đồng bộ cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực mà tỉnh còn cần chú trọng tới quy hoạch, huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực cũng như thực hiện các liên kết giữa các ngành và liên kết vùng để đạt được thành tựu phát triển cao hơn./.

Nguồn trích dẫn:

1. Cục Thông skee tỉnh Bình Dương (2025). https://thongke.binhduong.gov.vn/pages/home.aspx

2. Duy Chí (2024). Bình Dương: Năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 71 nghìn tỷ đồng, nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội vượt kế hoạch, https://baodantoc.vn/binh-duong-nam-2024-tong-thu-ngan-sach-nha-nuoc-dat-tren-71-nghin-ty-dong-nhieu-chi-tieu-kinh-te-xa-hoi-vuot-ke-hoach-1735123707430.htm

3. Đoan Trang (2023). Nông nghiệp Bình Dương sau chặng đường 25 năm và tiềm năng trong thời gian tới, truy cập từ https://www.binhduong.gov.vn/thanh-pho-thong-minh/2023/04/397-nong-nghiep-binh-duong-sau-chang-duong-25-nam-va-tiem-nang-trong-thoi-gian-to

4. Lê Anh (2024). Bình Dương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, truy cập từ https://plo.vn/binh-duong-co-thu-nhap-binh-quan-dau-nguoi-cao-nhat-ca-nuoc-post803674.html

5. Lê Ánh (2024). Bình Dương phấn đấu đi đầu trong phát triển kinh tế số, truy cập từ https://plo.vn/binh-duong-phan-dau-di-dau-trong-phat-trien-kinh-te-so-post819950.html

6. Minh Sáng (2025). Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Dương đạt được nhiều kết quả trong năm 2024, truy cập từ https://sovhttdl.binhduong.gov.vn/du-lich/hiep-hoi-du-lich-tinh-binh-duong-dat-duoc-nhieu-ket-qua-trong-nam-2024-355362.

7. Ngọc An (2024). Xếp hạng tỉnh thành: 28 địa phương có quy mô GRDP tương đương nơi giàu nhất nước, truy cập từ, https://tuoitre.vn/xep-hang-tinh-thanh-28-dia-phuong-co-quy-mo-grdp-tuong-duong-noi-giau-nhat-nuoc-2025031012000292.htm

8. Nguyễn Hoàng Thao (2024). Mô hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương: Từ nhận thức đến thực tiễn, truy cập từ https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/923102/mo-hinh-phat-trien-kinh-te---xa-hoi-tinh-binh-duong--tu-nhan-thuc-den-thuc-tien.aspx

9. Savills Việt Nam (2024). Việt Nam Có Bao Nhiêu Khu Công Nghiệp? truy cập từ https://industrial.savills.com.vn/2024/03/viet-nam-co-bao-nhieu-khu-cong-nghiep/?lang=vi

10. Nguyễn Kiều Oanh (2023). Phát triển ngành du lịch tại Bình Dương trong bối cảnh hội nhập: thực trạng và giải pháp, truy cập từ https://tapchicongthuong.vn/phat-trien-nganh-du-lich-tai-binh-duong-trong-boi-canh-hoi-nhap--thuc-trang-va-giai-phap-106828.htm

11. Trang tin điện tử Cục thống kê (2025). https://www.gso.gov.vn/

12. Thư viện tỉnh Bình Dương (2012). Giới thiệu chung, truy cập từ https://www.thuvienbinhduong.org.vn/Default.aspx?ArticleId=ee9518b8-fa6c-407f-bb4a-f14040cb9562

13. Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (2024). Bình Dương: Hợp sức vốn nội và ngoại, tạo động lực tăng trưởng mới, truy cập từ https://baocaovien.vn/tin-tuc/binh-duong-hop-suc-von-noi-va-ngoai-tao-dong-luc-tang-truong-moi/142410.html

14. Tào Đạt (2024). Bình Dương tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối vùng, truy cập từ https://baodantoc.vn/binh-duong-tang-toc-giai-ngan-von-dau-tu-cong-va-day-nhanh-tien-do-cac-du-an-ket-noi-vung-1729584488206.htm

15. Thủ tướng Chính phủ (2024). Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

16. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2023). Nghị quyết về việc thành lập thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương, truy cập từ https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-quyet-725-NQ-UBTVQH15-2023-thanh-lap-thanh-pho-Tan-Uyen-Binh-Duong-556501.aspx

17. Võ Thị Anh Xuân (2024). Bình Dương đón và phục vụ trên 2 triệu lượt khách trong 6 tháng đầu năm 2024, truy cập từ https://sovhttdl.binhduong.gov.vn/du-lich/binh-duong-don-va-phuc-vu-tren-2-trieu-luot-khach-trong-6-thang-dau-nam-2024-307289

Ngày nhận bài: 23/02/2025; Ngày phản biện: 10/3/2025; Ngày duyệt đăng: 15/3/2025