“Thương hiệu như những đứa trẻ” cần được nuôi dưỡng!
Ngày 21/06/2017, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua phát triển thương hiệu”.
Doanh nghiệp chi chưa đến 5% doanh số cho phát triển thương hiệu
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, xây dựng chiến lược thương hiệu đang là vấn đề rất cấp thiết của doanh nghiệp nước ta hiện nay trong bối cảnh hội nhập với khu vực và thế giới.
Ông Đỗ Kim Lang cho biết, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài lấy thương hiệu là công cụ cạnh tranh, thì các doanh nghiệp của nước ta vẫn còn chưa dành nhiều sự quan tâm cho vấn đề này.
Theo thống kê, năm 2008, Việt Nam có 30 doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia, tuy nhiên, qua 8 năm, số doanh nghiệp này chỉ tăng lên 58 doanh nghiệp (năm 2016 là 88 doanh nghiệp).
“Có thể thấy, mặc dù số lượng doanh nghiệp đã tăng theo thời gian. Tuy nhiên, con số này còn tương đối khiêm tốn so với gần 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay tại Việt Nam”, ông Lang nhấn mạnh.
“Điều này dẫn đến việc các thương hiệu Việt Nam đang bị lấn át bởi các thương hiệu nước ngoài, khiến hàng hóa Việt Nam chưa phát huy được thế mạnh… Nhiều hàng hóa của Việt Nam được xuất khẩu đi, nhưng không được người tiêu dùng biết đến. Đây là một thiệt thòi khiến các doanh nghiệp của nước ta không chỉ thua các đối thủ nước ngoài trên trường thế giới, mà còn ngay cả trên sân nhà”, ông Lang cho biết.
Doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu trong cạnh tranh |
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến việc chưa có nhiều doanh nghiệp thực sự quan tâm đến thương hiệu ở Việt Nam, ông Đỗ Kim Lang cho biết có thể xuất phát từ việc hiện nay có tới 97% doanh nghiệp của nước ra là nhỏ và vừa, có tiềm lực vốn thấp, nên việc đầu tư cho thương hiệu còn hạn chế.
Tuy nhiên, bà Đào Thúy Hà, Giám đốc Marketing Công ty CP Traphaco lại cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều hàng hóa của Việt Nam chưa được biết tới, đó là do các doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức được tầm quan trọng của phát triển thương trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp.
“Vẫn có đến 80% doanh nghiệp đầu tư chưa đến 5% doanh số cho việc phát triển thương hiệu. Do đó, sản phẩm Việt dù có chất lượng cao vẫn chưa tìm được vị trí xứng đáng ở cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế”, bà Hà cho biết.
Làm gì để phát triển thương hiệu?
Đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp trong phát triển thương hiệu, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Nielsen Việt Nam cho cho biết, theo khảo sát của Nielsen, có đến 80%–90% ý kiến người tiêu dùng nói rằng, nguồn gốc nhãn hiệu cũng quan trọng hoặc quan trọng hơn các quá trình điều khiển mua sắm khác. Do đó, chiến lược thương hiệu của doanh nghiệp cần phải xem khuynh hướng người tiêu dùng với các nhóm khách hàng cụ thể, quan tâm đến các đối thủ cạnh tranh để có chiến lược để phát triển dài hạn.
“Doanh nghiệp cần quan tâm đến việc tăng cường quảng bá, giới thiệu tên thương hiệu của hàng hoá, của doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên mạng internet. Đồng thời cần chú trọng đăng ký bảo hộ thương hiệu trong nước và quốc tế nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời”, bà Đặng Thúy Hà khuyến nghị.
Cũng nhấn mạnh về hiệu quả của việc đăng ký chỉ dẫn địa lý trong phát triển thương hiệu, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc trung tâm phát triển tài sản trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, để phát triển thương hiệu, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến việc đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Bởi, chỉ dẫn địa lý khi gắn lên sản phẩm được coi là công cụ hữu hiệu xác nhận và đảm bảo chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng.
“Thông qua công cụ chỉ dẫn địa lý, doanh nghiệp còn có thể tạo dựng và phát triển một thị trường kinh doanh chuyên biệt, đặc thù riêng. Đây là một trong những lợi thế tạo dựng thương hiệu của sản phẩm. chỉ dẫn địa lý tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm”, ông Bình cho biết.
Chia sẻ về vấn đề phát triển thương hiệu, TS. Declan P Bannon cho rằng, thương hiệu được ví như những đứa trẻ, chúng cần được nuôi dưỡng, quản lý, tạo nguồn, tài trợ, định hướng, hỗ trợ và tái định hướng nếu không đạt yêu cầu.
Theo đó, để phát triển thương hiệu thành công, TS. Declan P Bannon cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải trả lời những câu hỏi, như: Điều gì khiến người tiêu dùng cảm thấy dễ dàng hơn, giàu có hơn, an toàn hơn, tốt hơn hay hạnh phúc hơn? Những thị trường nào hấp dẫn?...
“Tiếp đó, xác định mục tiêu nghiên cứu mục tiêu của mình để có chiến lược tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh, quan trọng hơn nữa là tập trung vào khách hàng thực chất của doanh nghiệp”, ông Bannon nói.
Tuy nhiên, ông Bannon còn khẳng định: “Việc xây dựng được thương hiệu sẽ tạo sự thuận lợi rất lớn khi bán hàng. Tuy nhiên, để xây dựng được thương hiệu thì các sản phẩm không thể có chất lượng kém”.
Còn theo ông Alain Chevalier, thuộc Dự án Seco/Vietrade, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi hình ảnh của mình ở những thị trường nước ngoài thông qua xây dựng thương hiệu tích cực. Trong đó, các yếu tố tiên quyết để xây dựng thương hiệu thành công, đó là hiểu được nhu cầu, mong muốn và sở thích của người tiêu dùng, niềm tin, thái độ và sự kỳ vọng của họ, để từ đó đáp ứng những đáp ứng kỳ vọng của khách hàng, như: chất lượng, dịch vụ, sự nhất quán và giá trị xã hội.
“Ngoài ra, những hình ảnh và thương hiệu mới cũng cần được thường xuyên điều chỉnh kịp thời để phù hợp với những thay đổi thực tế ở cấp công ty và cấp ngành và phù hợp với nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của người tiêu dùng”, ông Alain Chevalier đưa lời khuyên./.
Bình luận