Tại Hội nghị triển khai Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 20/10/2015, nhiều đại biểu cho rằng, việc chưa có thương hiệu gạo Việt đã ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu gạo nhiều thứ ba trên thế giới, sau Thái Lan và Ấn Độ, với sản lượng xuất khẩu từ 6 - 8 triệu tấn/năm, mang về cho đất nước 3 - 3,7 tỷ USD. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có một thương hiệu quốc gia cho gạo Việt Nam.

Ông Nam cũng cho biết, trong những lần tham dự hội chợ lương thực quốc tế tại nhiều nước, ông không thấy bóng dáng sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp khẳng định có gạo Việt nhưng lại “đội lốt” dưới nhãn mác gạo Thái Lan, Ấn Độ, thậm chí là gạo đặc sản Campuchia. Theo ông Nam, chính yếu tố thương hiệu mới quyết định giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh của gạo Việt, chứ không phải yếu tố giá cả như quan niệm của các doanh nghiệp xuất khẩu lâu nay.

Trong bối cảnh trên thị trường quốc tế, mức độ cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt. Ngoài đối thủ truyền thống, Việt Nam phải đối mặt với các đối thủ tiềm năng, như: Campuchia, Myanmar. Chính vì vậy áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt không chỉ là giá mà còn là chất lượng, thương hiệu sản phẩm.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), nếu chỉ tập trung vào thị trường dễ tính sẽ khiến mặt hàng lúa gạo Việt Nam tự suy giảm các tiêu chuẩn về chất lượng trong sản xuất và xuất khẩu. Sức cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế sẽ ngày càng giảm thấp. Khi FTA giữa Việt Nam với EU, TPP… được thực thi, ngành lúa gạo Việt Nam cũng sẽ không có động lực thay đổi về chất lượng để có thể lấy được các lợi thế. Việc định vị lại ngành lúa gạo có thể khiến sản lượng gạo sụt giảm lớn, nhưng sẽ mang lại giá trị gia tăng và thương hiệu cho ngành này trong thời gian tới.

Cần nhanh chóng triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam

Chính vì vậy, việc thực hiện và triển khai Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cần được tiến hành cấp bách hơn bao giờ hết.

Để cụ thể hóa những nội dung trong Đề án, Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai dự án trọng điểm thuộc Đề án tại Công văn số 779/TTg-KTTH, ngày 10/05/2016 về việc triển khai Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gộp 5 dự án trọng điểm thực hiện Đề án quy định tại Khoản 5 Mục III Điều 1 Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ thành 1 dự án chung: Dự án quản lý và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam; gồm 5 hợp phần:

Hợp phần 1: Xây dựng và quản lý thương hiệu gạo quốc gia.

Hợp phần 2: Phát triển thương hiệu gạo quốc gia đối với một số sản phẩm gạo chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hợp phần 3: Bảo hộ thương hiệu gạo Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo trên thị trường quốc tế.

Hợp phần 4: Quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam đến người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hợp phần 5: Xúc tiến xuất khẩu và phát triển thị trường cho doanh nghiệp và sản phẩm mang thương hiệu gạo Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan, hiệp hội liên quan xây dựng dự toán kinh phí thực hiện dự án trên theo quy định tại Quyết định số 706/QĐ-TTg, ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương, chủ động triển khai đồng bộ, có hiệu quả những nội dung, giải pháp và nhiệm vụ thực hiện Đề án được giao tại Quyết định số 706. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm đôn đốc, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2016./.