Chủ tịch VSD, TS. Nguyễn Sơn cho biết, hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 18-18,5% lượng cổ phiếu lưu hành trên TTCK Việt Nam

Tiền bán ròng chảy gần 50% sang trái phiếu chính phủ

Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết, tính đến hết quý I/2021, thị trường TPCP tại HNX có tổng dư nợ đạt 1,34 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ 0,7% so với cuối năm 2020. Giá trị giao dịch bình quân phiên quý I đạt 12,3 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 20,2% so với năm 2020, trong đó, giao dịch repos chiếm 33,57% tổng giá trị giao dịch. Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhà trong quý 1 chiếm 2,04% tổng giá trị giao dịch, nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) mua ròng tổng cộng 5,9 nghìn tỷ đồng trong quý I.

Trên thị trường cổ phiếu, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 18-18,5% lượng cổ phiếu lưu hành trên TTCK Việt Nam. Con số này chỉ giảm vài phần trăm so với tỷ lệ vốn ngoại nắm ổn định, khoảng 22%, trước khi xảy ra đại dịch.

Ông Nguyễn Sơn cho biết, ông đã nói chuyện với một số nhà đầu tư nước ngoài và đánh giá, dù xu hướng bán ròng vừa qua khá mạnh, nhưng nhà đầu tư ngoại chủ yếu chuyển trạng thái cổ phiếu thành tiền mặt, cơ cấu lại danh mục, chứ chưa có nghĩa là họ rút hẳn vốn khỏi thị trường Việt Nam.

Chủ tịch VSD, ông Nguyễn Sơn lý giải, nguyên nhân có thể đến từ việc nhà đầu tư phản ứng sớm trước thông tin Chính phủ Mỹ liệt kê Việt Nam vào danh sách những quốc gia có biểu hiện của thao túng tiền tệ. Thứ hai, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá những trở ngại của Việt Nam cần nhiều thời gian để xử lý. Việt Nam chưa có các hoạt động hỗ trợ tài chính thực sự cho doanh nghiệp, chủ yếu chính sách giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn đại dịch chỉ là giãn và hoãn các khoản nợ ngân hàng, nợ Nhà nước. Theo ông Sơn, khi giãn, hoãn, có nghĩa là sẽ đến thời điểm doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả, khó khăn trở lại. “Có thể, nhà đầu tư ngoại tiên lượng vấn đề sớm và chọn rút vốn sớm trước thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn", ông Sơn chia sẻ.

Thứ ba, TTCK Việt Nam tăng gần 100% so với 1 năm trước đây, là động lực rất lớn thúc đẩy nhà đầu tư ngoại chốt lời. Danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài không phải chỉ một vài cổ phiếu mà tối thiểu từ 10 - 20 mã cổ phiếu. Thị trường tốt, họ rút vốn là hết sức bình thường, để cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Hơn nữa, việc bán ròng tạo ra khoản tiền mặt cho nhà đầu tư và phần lớn lượng tiền này đang chờ cơ hội tốt hơn hoặc chờ khi thị trường điều chỉnh để mua lại. Với số liệu HNX công bố về thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam trong quý I cho thấy, gần 50% lượng bán ròng trên thị trường cổ phiếu đã được khối ngoại mua vào trái phiếu chính phủ Việt Nam.

Trên 12.000 tỷ đồng mỗi phiên chảy qua thị trường trái phiếu chính phủ

Trên thị trường trái phiếu, HNX cho biết, thị trường tiếp tục có diễn biến sôi động trong tháng 3/2021 trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Trên thị trường sơ cấp, thông qua 21 đợt đấu thầu trái phiếu được tổ chức tại HNX trong tháng 3/2021, Kho bạc nhà nước đã huy động được tổng cộng 12.194 tỷ đồng trái phiếu, tăng 246% so với tháng trước. So với tháng 2/2021, lãi suất trúng thầu của trái phiếu Kho bạc Nhà nước tăng tại các kỳ hạn 5, 10, 15 và 30 năm với mức tăng từ 0,04-0,13%/năm.

Tính đến hết quý I/2021, HNX đã tổ chức được 40 đợt đấu thầu, huy động được hơn 39.205 tỷ đồng trái phiếu cho Kho bạc nhà nước. Lãi suất trúng thầu loại kỳ hạn 5 năm dao động từ 1,06% - 1,1%.

Trên thị trường giao dịch thứ cấp, giá trị giao dịch TPCP bình quân trong tháng 3 đạt 10.413 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại có giá trị mua đạt hơn 5,4 nghìn tỷ đồng, giá trị bán đạt hơn 3,7 nghìn tỷ đồng. Như vậy tháng 3, nhà đầu tư ngoại mua ròng 1,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ Việt Nam.

Tính đến hết quý I/2021, thị trường TPCP tại HNX có tổng dư nợ đạt 1,34 triệu tỷ đồng. Giá trị giao dịch bình quân phiên quý I đạt 12,3 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 20,2% so với năm 2020. Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhà đầu tư ngoại trong quý I chiếm 2,04% tổng giá trị giao dịch.

Diễn biến đấu thầu trên thị trường trái phiếu chính phủ tháng 3/2021