Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp tổ chức vào sáng ngày hôm nay (10/01/2020) với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.

Doanh nghiệp là lực lượng hiện thực hóa các mục tiêu của Nhà nước

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, đây là dịp để chúng ta ngồi lại và cùng đánh giá những kết quả đã đạt được và đưa ra những định hướng nhằm thắt chặt mối liên kết giữa cộng đồng doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Đồng thời, Phó Thủ tướng đánh giá cao chủ đề của Diễn đàn về “Vai trò và trách nhiệm đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững”. Đây cũng là chủ đề xuyên suốt năm 2019 với nhiều kỳ vọng của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua.

Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ Việt Nam là nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các chính sách tài chính, tiền tệ. Việt Nam đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang kết hợp hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn VBF 2019.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, phát triển nhanh phải song hành với phát triển bền vững. Cùng với đó, xây dựng và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, đảm bảo phát triển nền kinh tế theo hướng các bon thấp. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

“Trong tiến trình đó, không thể thiếu vai trò quan trọng của doanh nghiệp, bởi Nhà nước đặt ra mục tiêu, nhưng lực lượng để hiện thực hóa các mục tiêu lại là doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ Việt Nam luôn sát cánh, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng khẳng định.

2019 là năm “bứt phá” trong triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, 2019 có thể coi là năm “bứt phá” trong triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Với mức tăng trưởng kinh tế GDP của Việt Nam đạt 7,02%, vượt mục tiêu đề ra (6,8%), thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới; Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 2,79%, thấp nhất trong 3 năm qua; Quy mô xuất nhập khẩu đạt 517 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, xuất siêu trên 9,9 tỷ USD và là năm thứ tư liên tiếp xuất siêu; Vốn FDI thực hiện đạt trên 20 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp thành lập mới cũng đạt mức kỷ lục, trên 138.000 doanh nghiệp; khách du lịch quốc tế đạt trên 18 triệu lượt khách.

Theo đánh giá, FDI đã đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển của Việt Nam với tỷ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Về kinh tế, FDI đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Tỷ trọng FDI trong GDP tăng từ 2,1% năm 1989 lên 21,8% năm 2017 và hơn 20% năm 2018; Tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ khu vực FDI cũng tăng đáng kể từ 1,8 tỷ USD trong giai đoạn 1994-2000 lên 23,7 tỷ USD trong giai đoạn 2011-2015, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách nhà nước. Năm 2018, đóng góp gần 298 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,9% tổng thu NSNN.

Đồng thời, doanh nghiệp FDI đã tạo việc làm cho khoảng 4,51 triệu lao động trực tiếp và 5-6 triệu lao động gián tiếp.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, trong những năm gần đây, cùng với môi trường kinh doanh ổn định và ngày càng được cải thiện, các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng doanh nghiệp cũng được cải thiện.

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, áp dụng công nghệ mới, tự động hóa, sử dụng kỹ thuật rô-bốt, các phầm mềm và công nghệ thiết kế, điều khiển chuyên dụng trong sản xuất.

Việc ứng dụng công nghệ hiệu quả đã tạo ra sự thay đổi rõ rệt, phát triển đáng kể về quy mô doanh nghiệp, tăng năng suất lao động và cải thiện chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã có chiến lược sản xuất, kinh doanh hướng tới phát triển bền vững, thân thiện môi trường và đang thực hiện rất tốt các trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội.

Phó Thủ tướng khẳng định, đây là một tín hiệu đáng mừng, là một xu thế hiện hữu đang diễn ra trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Đồng thời, giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cũng đã có sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả. Hơn 100 tập đoàn lớn trên thế giới có mặt tại Việt Nam đã góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa năng suất, công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, kết nối mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng với đó, đã có những công đoạn sản xuất công nghệ cao được thực hiện ở Việt Nam. Tỷ lệ cung ứng thành phẩm, bán thành phẩm của doanh nghiệp trong nước cho doanh nghiệp FDI trong một số ngành, lĩnh vực, như: xe máy, điện tử gia dụng, công nghiệp công nghệ cao, điện tử tin học, viễn thông, ô tô và thiết bị đồng bộ khá cao.

Song, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức đòi hỏi sự nỗ lực, sáng tạo của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, người dân để biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển nhanh và bền vững.

Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế lan tỏa sâu rộng, Phó Thủ Tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cần phải nhận thấy những xu hướng mới sẽ tác động đến phương thức, ý tưởng kinh doanh mới trong tương lai của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tầng lớp trung lưu Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Điều này sẽ thay đổi cấu trúc tiêu dùng của nền kinh tế, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới mà các doanh nghiệp cần năng động, sáng tạo đón đầu.

Bên cạnh đó, xu hướng thay đổi công nghệ, mối quan tâm xã hội và toàn cầu hóa là những động lực mới cho phát triển của doanh nghiệp trong kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp 4.0, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… Đồng thời, cũng là cơ sở cho những thay đổi về quản lý của Chính phủ nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, khơi nguồn sự sáng tạo, mang tính cạnh tranh…

Sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh

Phó Thủ tướng cho biết, để chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp phát triển, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề sau:

Thứ nhất, sẽ ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, giúp tạo ra các kết nối “thông minh”, hiệu quả, qua đó giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế.

Đặc biệt, Chính phủ khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và sáng tạo đổi mới trong kinh doanh.

Thứ hai, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện các chủ trương, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ở cả 3 khu vực cùng phát triển.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có các giải pháp, nhóm giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện các chủ trương, định hướng chính sách tại các Nghị quyết này, nhằm tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của doanh nghiệp.

Thứ ba, phát triển và áp dụng hiệu quả Chính phủ điện tử, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đảm bảo minh bạch, thuận lợi, ổn định và phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng các mô hình kinh doanh mới, bền vững, tăng năng suất lao động, áp dụng các công nghệ xanh trong sản xuất, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Thứ tư, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, bảo đảm cho nguồn lực tự nhiên (đất đai, nước, khoáng sản...) được giải phóng, vận hành thông suốt, gia tăng dòng vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh bền vững của doanh nghiệp; Hỗ trợ kiến tạo phát triển kết cấu hạ tầng cho sự đổi mới; Thúc đẩy doanh nghiệp hội nhập trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế…

Thứ năm, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; Hoàn thiện hệ thống thể chế để thực sự khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, tham gia nghiên cứu và phát triển (R&D) và trí tuệ nhân tạo. Không sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, sắp tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, với mục tiêu dự kiến cắt giảm 20% các văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và ít nhất 20% chi phí hành chính tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh mỗi năm.

Đồng thời, tại Diễn đàn Phó Thủ tướng cũng đề nghị, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (có nhiều lợi thế về tiềm lực tài chính, công nghệ, đội ngũ nhân sự…) cần phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt trong việc đầu tư, lựa chọn công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, sáng tạo để hướng tới phát triển bền vững. Từ đó, tạo ra thị trường, cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sản xuất, cung ứng các sản phẩm trung gian, dịch vụ phụ trợ...

Phó Thủ tướng khẳng định, chính cộng đồng doanh nghiệp là những người định hình nên diện mạo nền kinh tế Việt Nam trong những thập niên tới. Cộng đồng doanh nghiệp cũng sẽ là một động lực quan trọng hiện thực hóa khát vọng phồn vinh của dân tộc Việt Nam, trong đó Chính phủ đóng vai trò nhà kiến tạo phát triển.

“Tôi tin rằng Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) sẽ tiếp tục là một kênh đối thoại chính sách quan trọng và hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ, hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh./.