Tìm hiểu, nghiên cứu bài học của Trung Quốc về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế
Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, trong tháng 1/2024, nhân chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Thụy Sĩ, Thủ tướng đã chủ trì tọa đàm "Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam". Đây là sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Ngân hàng Thuỵ Sĩ, Quỹ đầu tư VinaCapital và CT Group tổ chức.
Tại sự kiện trên, sau khi lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phản hồi ý kiến của các đại biểu, kết luận cuộc tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và thống nhất với các bộ, ngành, đại diện các ngân hàng, các quỹ đầu tư tài chính hàng đầu thế giới về việc thành lập Tổ công tác nghiên cứu, tư vấn xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam do Tiến sĩ Philipp Rösler, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chủ trì.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các tập đoàn, quỹ đầu tư toàn cầu chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn lựa chọn mô hình phát triển, giải pháp phù hợp nhằm phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam; phát triển hệ sinh thái tài chính; cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia; nâng cao các chuẩn mực về kế toán, kiểm toán, báo cáo tài chính, tạo nền tảng quan trọng để phát triển thành công trung tâm tài chính quốc tế trong thời gian tới. Cùng với đó, nghiên cứu khả năng tham gia đầu tư, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém tại Việt Nam; đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực dịch vụ tài chính, đáp ứng được các tiêu chuẩn và phù hợp với nhu cầu của thị trường toàn cầu.
Tiếp nối bước đi trên, trong chuyến công tác tại Trung Quốc từ ngày 28-30/3/2024, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhiều nội dung quan trọng, trong đó có tìm hiểu, nghiên cứu bài học xây dựng trung tâm tài chính quốc tế của quốc gia láng giềng này.
|
Theo đó, Đoàn công tác đã có cuộc làm việc ông Triệu Vĩnh Kiện, Phó Bí thư Ủy ban công tác Tài chính Thành uỷ Thượng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát tài chính Thượng Hải. Ông Kiện đã cung cấp một số thông tin về quá trình xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Thượng Hải. Việc xây dựng Thượng Hải trở thành trung tâm tài chính quốc tế được Đảng và Nhà nước Trung Quốc đặc biệt quan tâm. Năm 2020, tổng lượng giao dịch qua Trung tâm Tài chính quốc tế Thượng Hải đã đạt 2 triệu tỷ nhân dân tệ (hơn 285.000 tỷ USD). Hiện tại, Trung tâm này đang bước vào giai đoạn nâng cao chất lượng. Năm 2023, ngành tài chính của Thượng Hải đạt được mức tăng trưởng 860 tỷ nhân dân tệ (5,2% so với năm 2022), chiếm 18,3% GDP của toàn Thành phố Thượng Hải.
Hiện có 1.771 tổ chức tài chính trong và ngoài nước đang hoạt động tại Thượng Hải, trong đó, các tổ chức tài chính nước ngoài chiếm 30%. Tổng tài sản mà các tổ chức tài chính Thượng Hải quản lý đang chiếm 1/3 toàn Trung Quốc. Có khoảng 200 tổ chức quản lý tài sản có trụ sở tại Thượng Hải. Hiệu quả về cải cách tài chính của Khu thương mại tự do Thượng Hải đạt kết quả rõ, thành lập ra các tài khoản thương mại tự do, tạo thuận lợi cho thanh toán đồng nhân dân tệ quốc tế...
|
Cũng trong khuổn khổ chuyến công tác tại Trung Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Đoàn công tác đã tham dự Tọa đàm về phát triển trung tâm tài chính quốc tế với lãnh đạo một số doanh nghiệp tài chính lớn tại Thượng Hải.
Tham dự Tọa đàm có ông Jonathan Choi, Chủ tịch Phòng Thương mại Hồng Kông - Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Sunwah; lãnh đạo Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Nhà nước Trung Quốc, lãnh đạo Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), lãnh đạo Ngân hàng Công Thương (ICBC) tại Thượng Hải, lãnh đạo Công ty TNHH Tài chính Goutai Junan, lãnh đạo Tập đoàn Đầu tư Đổi mới Thâm Quyến...
Lãnh đạo các công ty đã trao đổi nhiều kinh nghiệm xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, trong đó có những công ty đã nghiên cứu về thị trường Việt Nam. Nhiều ý kiến đánh giá Việt Nam có đầy đủ tiềm năng, lợi thế để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Đoàn công tác đã đặt nhiều câu hỏi, cùng trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, mô hình mà Việt Nam có thể lựa chọn để phù hợp với thực tiễn; những điều kiện cần thiết để thành lập, các chính sách ưu đãi đầu tư, thể chế hoạt động...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là Phó trưởng Ban chỉ đạo./.
Bình luận