Tỉnh Bạc Liêu: Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường
2016 là năm đầu tiên Bạc Liêu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, sức mua tăng chậm, thị trường tiêu thụ cạnh tranh ngày càng gay gắt, phức tạp, huy động nguồn lực phát triển còn hạn chế. Bên cạnh đó, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng diễn ra phức tạp hơn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân… Trước tình hình đó, được sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, sự lãnh đạo, điều hành sâu sát của UBND tỉnh, sự quan tâm triển khai thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành và đồng thuận của nhân dân nên tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 của tỉnh tiếp tục ổn định và tăng trưởng.
Tăng trưởng kinh tế đạt 5,38%
Năm 2016, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 22.888,8 tỷ đồng (theo giá 2010), tăng 5,38% so với năm 2015. Trong đó: Khu vực nông nghiệp đạt 10.019 tỷ đồng, tăng 2,3%; khu vực công nghiệp và xây dựng 3.363 tỷ đồng, tăng 7,9%; khu vực dịch vụ 9.104,4 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ: Khu vực nông nghiệp chiếm 44,5%, công nghiệp - xây dựng chiếm 14,5% và dịch vụ chiếm 39,4% trong GRDP. GRDP bình quân đầu người ước đạt 33,2 triệu đồng/người/năm.
Trong năm qua, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án động lực; thực hiện Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 08/7/2016 của Chính phủ, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2016; các cấp, các ngành tổ chức thực hiện khẩn trương các thủ tục, hồ sơ đầu tư; nhất là các công trình trọng điểm như: Dự án cấp điện nông thôn; đường Cao Văn Lầu, cầu Giá Rai mới, đường tỉnh ĐT.980 (đoạn Gành Hào - Giá Rai), đường tỉnh ĐT.977 Giồng Nhãn - Gò Cát… Bên cạnh đó, tỉnh đang hoàn chỉnh thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án nâng cấp và phát triển đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long - Tiểu dự án thành phố Bạc Liêu, sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới.
Tình hình thu hút đầu tư được quan tâm và chỉ đạo quyết liệt; kịp thời xây dựng các chương trình hành động triển khai thực hiện 02 Nghị quyết của Chính phủ: Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Trong đó, đã tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp vào ngày 12/8/2016 với hơn 100 doanh nghiêp tham gia; ký Cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, minh bạch, công khai; tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc... môi trường đầu tư, môi trường sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh ngày được cải thiện và nâng lên.
Trong năm 2016, tỉnh đã cấp 04 quyết định chủ trương đầu tư, với số vốn 283,8 tỷ đồng, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án, với tổng số vốn là 602,6 tỷ đồng (tất cả đều là các dự án của các nhà đầu tư trong nước); trong đó, có 05 dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, với tổng số vốn là 331 tỷ đồng; 06 dự án trong khu công nghiệp Trà Kha, với tổng vốn đầu tư 271,6 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 12.207 tỷ đồng, đạt 98,4% kế hoạch, tăng 12,2% so với cùng kỳ.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm ước khoảng 250 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 775 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2016, theo hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia, số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.972 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 15.540 tỷ đồng.
Đối với phát triển kinh tế tập thể, các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động ổn định, phát huy tốt vai trò hỗ trợ, hợp tác với nhau, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết tốt việc làm cho thành viên và người lao động tại địa phương. Ước năm 2016 thành lập mới 15 hợp tác xã, 44 tổ hợp tác, nâng tổng số lên 103 hợp tác xã, 850 tổ hợp tác, tổng số thành viên trong hợp tác xã là 37.500 người. Thu nhập bình quân của thành viên Hợp tác xã 33,87 triệu đồng/năm, thành viên tổ hợp tác là 33 triệu đồng/năm. Hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác đa dạng trên các lĩnh vực (nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, vận tải, tín dụng và lĩnh vực khác) đã và đang có những đóng góp quan trọng về mặt kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động, hỗ trợ các gia đình giảm nghèo.
Đời sống văn hóa - xã hội ngày càng nâng cao
Công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo được triển khai thực hiện tích cực; các chương trình dạy và học thực hiện theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chất lượng giáo dục được nâng lên, kết quả xếp loại học lực khá, giỏi cấp học trung học cơ sở, trung học phổ thông đều tăng so với năm học 2014 - 2015. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2016 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, với kết quả đạt được khá tốt. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành công tác tuyển sinh năm 2016 theo kế hoạch. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được củng cố, duy trì. Cơ sở vật chất trường lớp học tiếp tục được quan tâm đầu tư kiên cố hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 68% phòng học kiên cố; có 131/290 trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt 45,2%, tăng 17 trường so với cùng kỳ.
Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân được quan tâm chỉ đạo; các chương trình mục tiêu về y tế được triển khai tích cực; chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh từng bước được cải thiện. Quan tâm chỉ đạo tích cực, đầu tư xây dựng cơ sở y tế, hoàn thành đưa vào sử dụng: Bệnh viện Đa khoa tỉnh (giai đoạn II), Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic II. Công tác y tế dự phòng được tăng cường; các bệnh dịch lây và các bệnh nguy hiểm được theo dõi và kiểm soát chặt chẽ, nên tình hình mắc các bệnh, dịch lây và các bệnh truyền nhiễm giảm so với cùng kỳ, bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, viêm gan siêu vi có tăng nhưng được kiểm soát chặt chẽ, không xảy ra thành dịch lớn. Công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm được chú trọng. Đến nay, chưa phát hiện trường hợp vi phạm nghiêm trọng về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và không xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ, diễn ra sôi nổi; các hoạt động “Mừng Đảng - Mừng xuân” và chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương đã tạo được sinh khí vui tươi, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh trong quần chúng nhân dân. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công Lễ hội “Dạ cổ hoài lang” năm 2016, đăng cai Liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ ba tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau năm 2016 mở rộng, với sự tham gia của 6 tỉnh, thành phố khu vực miền Đông và Tây Nam bộ; thi tìm hiểu về bản Dạ cổ Hoài Lang, vọng cổ, đờn ca tài tử, hò chèo ghe Bạc Liêu, nói thơ Bạc Liêu cùng nhiều hoạt động nổi bật khác...
Công tác giảm nghèo và công tác bảo trợ xã hội được triển khai thực hiện tích cực. Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo như: Mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ giáo dục - đào tạo và các chính sách đặc thù khác tiếp tục phát huy tác dụng. Bên cạnh những chính sách chung, tỉnh đã triển khai thực hiện tốt mô hình phân công các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và vận động các doanh nghiệp nhận hỗ trợ 4.060 hộ nghèo, góp phần giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo trong năm. Các chính sách về trợ giúp đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, chăm sóc người cao tuổi,… được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đến nay đã vận động Quỹ Vì người nghèo - An sinh xã hội được 68,11 tỷ đồng, đạt 56,76% kế hoạch năm (kế hoạch vận động 120 tỷ đồng). Từ nguồn quỹ trên, tỉnh đã xây dựng được 01 trường tiểu học, 01 tuyến lộ và 13 cầu giao thông nông thôn, 611 căn nhà đồng đội, nhà tình thương.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Bạc Liêu vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần phải được quan tâm chỉ đạo khắc phục như tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng kéo dài đã làm thiệt hại về lúa, nuôi trồng thủy sản và dịch bệnh tăng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, đời sống của người dân. Hoạt động thương mại nội địa vẫn còn yếu; hệ thống chợ nông thôn tại một số xã chưa có điều kiện để đầu tư cải tạo nâng cấp và xây dựng mới; tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng... vẫn còn diễn biến phức tạp. Việc triển khai thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn nhà nước không đảm bảo tiến độ, các văn bản hướng dẫn của Trung ương cũng như việc triển khai công tác đầu tư (cả chuẩn bị đầu tư lẫn thực hiện đầu tư) còn chậm, đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công và làm chậm tiến độ giải ngân vốn, nhất là nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia…
Một số định hướng cho năm 2017
Năm 2017 tới đây, tỉnh Bạc Liêu quyết tâm nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh, gắn với tái cấu trúc kinh tế theo hướng nâng cao, chất lượng, hiệu quả, tạo sự chuyển biến mới trong nông nghiệp, đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất, cánh đồng lớn, triển khai nhanh các bước xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước; tiếp tục củng cố phát triển mạnh du lịch và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Về kinh tế
- Phát triển nông nghiệp:
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp để thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng theo 03 Nghị quyết của Tỉnh ủy đã ban hành.
Tập trung phát triển các đối tượng nuôi chủ lực như: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể…. Trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” và định hướng “xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước” theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Quan tâm hỗ trợ về quy hoạch, kỹ thuật... cho các hộ nuôi tôm góp phần tăng năng suất, sản lượng nuôi.
Tổ chức lại ngành chăn nuôi, bố trí vật nuôi theo lợi thế từng tiểu vùng và nhu cầu thị trường; từng bước phát triển chăn nuôi tập trung gắn với các cơ sở giết mổ, chế biến và xử lý chất thải, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Chủ động rà soát tình hình dịch bệnh trên các địa bàn trọng điểm chăn nuôi gia súc, gia cầm, cơ sở nuôi chim yến; không để dịch bùng phát và lây lan.
- Phát triển công nghiệp - xây dựng:
Vận động các doanh nghiệp đầu tư mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở sản xuất, chế biến. Tạo điều kiện cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ và đưa vào hoạt động các dự án trọng điểm về phát triển công nghiệp. Đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp: Trà Kha, Láng Trâm, Chủ Chí và tăng cường công tác xúc tiến đầu tư vào khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Phối hợp với ngành điện đầu tư lưới điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người.
Tăng cường công tác quản lý, thực hiện quy hoạch, nhất là quản lý quy hoạch đô thị, khu dân cư mới, quy hoạch phát triển nông thôn. Tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đô thị của thị xã Giá Rai và thành phố Bạc Liêu; mời gọi đầu tư các khu đô thị mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển.
- Xuất khẩu và phát triển các ngành dịch vụ:
Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa; nâng cao hiệu quả hoạt động trang thông tin công thương trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh; thực hiện tốt việc thu thập thông tin, phân tích, dự báo tình hình thị trường giúp các doanh nghiệp có thêm thông tin phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp.
Tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, cung cầu hàng hóa ổn định, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đẩy mạnh việc gắn kết các hoạt động xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch và đầu tư. Đa dạng hóa các loại hình du lịch, trong đó đẩy mạnh loại hình du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử, lễ hội; kêu gọi các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư khu, điểm du lịch; liên kết với các địa phương hình thành mạng lưới du lịch trong nội vùng, mạng lưới du lịch quốc gia.
- Huy động vốn đầu tư phát triển; phát triển kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân:
Tích cực tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của các Bộ, Ngành Trung ương để đầu tư vào các dự án động lực phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước, phân bổ vốn theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Khai thác và sử dụng tốt các nguồn vốn thu từ quỹ đất, quỹ nhà thuộc sở hữu của Nhà nước.
Tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác thu hút, theo dõi các dự án thu hút đầu tư; nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động thực hiện phương án tham gia hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế và giữ vững các mối quan hệ với các đối tác đã được thiết lập.
Về văn hóa - xã hội
- Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, khuyến khích xây dựng trường tư thục, nhất là hệ mầm non, mẫu giáo, trung học phổ thông và dạy nghề. Thực hiện có hiệu quả Đề án dạy học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2008-2020 và Quyết định số 1625/QĐ-TTg ngày 11/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 – 2015 và lộ trình đến năm 2020.
Đẩy mạnh việc triển khai hoạt động dạy học phân hóa theo năng lực học tập của học sinh. Nâng cao tỷ lệ huy động trẻ em đi học đúng độ tuổi ở các cấp học; khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, nhất là học sinh vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn; duy trì tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và Trung học cơ sở.
- Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, tập trung quan tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các loại dịch vụ y tế chất lượng cao, nhất là người dân vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, các đối tượng chính sách và người nghèo. Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án sửa chữa cải tạo Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu giai đoạn I; tập trung giảm quá tải bệnh viện tuyến tỉnh, đầu tư trang thiết bị y tế cho bệnh viện tuyến huyện, tỉnh. Đồng thời, kiên quyết chấn chỉnh và nâng cao y đức cho đội ngũ y, bác sĩ. Củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng; chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đảm bảo thực hiện theo lộ trình Chính phủ đề ra.
- Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến và đào tạo, nâng cao nghiệp vụ du lịch cho các cơ sở du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi để mời gọi các thành phần kinh tế đầu tư khai thác các dự án phát triển du lịch, nhất là các dự án du lịch ven biển, các dự án khu vực Nhà Mát; nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả các điểm du lịch đã được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long công nhận. Phấn đấu xây dựng thêm từ 1 đến 2 điểm sản phẩm du lịch đặc trưng được Hiệp hội Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu.
- Thực hiện các chính sách giải quyết việc làm gắn với phát triển thị trường lao động. Chú trọng giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn; tập trung khắc phục khó khăn và phát triển thị trường xuất khẩu lao động. Thực hiện tốt chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong các loại hình doanh nghiệp. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Triển khai thực hiện Đề án đầu tư 5 nghề trọng điểm (Kỹ thuật máy lạnh điều hòa không khí, Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô, Kỹ thuật xây dựng và Công nghệ thông tin) của Trường Cao đẳng nghề Bạc Liêu.
Về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu
- Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, nhất là những nơi có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Triển khai lồng ghép các mục tiêu tăng trưởng xanh trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh kiểm soát việc sử dụng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dự báo, cảnh báo, điều tra, đánh giá ứng phó với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của biến đổi khí hậu, đặc điểm sinh thái của từng vùng, từng khu vực; xây dựng các phương án chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; tăng cường năng lực cho lực lượng phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan và các địa phương nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra./.
Bình luận