Trả lời chất vấn giá xăng dầu tăng “nóng”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói gì?
Tranh luận với Bộ trưởng
“Đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp để bảo đảm lợi ích hài hoà giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu trong nước…”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên tại phiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành hoạt động chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương diễn ra hôm nay (ngày 16/3), theo Văn phòng Quốc hội.
Trả lời nội dung trên, ông Diên cho biết, giá xăng dầu thế giới biến động từng ngày theo chiều hướng tăng cao do đứt gẫy nguồn cung, biên độ giá tăng từ 40 – 60%. Trong bối cảnh đó, thị trường trong nước gặp khó khăn do liên doanh Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn thường xuyên chỉ ở vận hành ở mức 70-80% công suất. Tuy nhiên, hết quý I/2022 vẫn đảm bảo đủ cho nhu cầu trong nước. Thời gian tới, các đầu mối của Bộ sẽ tăng cường nhập khẩu hơn mức bình thường (gấp đôi) để đảm bảo dự trữ trong bối cảnh biến động phức tạp của thị trường thế giới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, cây xăng nào vi phạm thì đều bị xử lý nghiêm. Ảnh: Quốc hội |
“Giá xăng dầu thế giới đã tăng 40-46% so với 2021, nhưng trong nước mới tăng 29%. So sánh như vậy để thấy giá xăng dầu trong nước đã được điều hành linh hoạt và phù hợp, mức hỗ trợ đang dao động từ 500-1.500đ/lít xăng dầu. Gần đây, khi giá tăng cao, Bộ Công thương cùng các bộ, ngành liên quan đã tham mưu Chính phủ kiến nghị Quốc hội giảm thuế môi trường, qua đó giảm giá xăng dầu. Công tác thanh, kiểm tra của ngành quản lý thị trường đã thực hiện ở hầu hết các cửa hàng bán lẻ xăng dầu…”, ông Diên cho hay.
“Giá xăng dầu cơ sở trên thị trường thế giới ở kỳ điều hành giá gần đây có biến động khá lớn so với đầu năm 2022, cụ thể từ 44 - 60,02%, nên cùng với biến động này, giá tại thị trường trong nước cũng tăng từ 24,91 - 39,56%. Quá trình điều hành xăng dầu như vậy có gì mâu thuẫn? Thiệt hại này do ai gánh chịu?”, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) chất vấn. Bộ trưởng Công thương cho biết, nếu không trích từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu từ 500 - 1.500 đồng/lít trong một kỳ điều hành, thì không thể có giá thấp hơn giá thế giới. Trong trường hợp Quỹ bình ổn giá xăng dầu không còn, nếu giá thế giới tăng cao sẽ tiếp tục sử dụng các loại thuế, phí khác…
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Quốc hội |
Tranh luận với phần trả lời của Bộ trưởng, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nêu vấn đề, Bộ trưởng cho biết nguồn cung không thiếu, chúng ta sẽ tăng cường nhập khẩu. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ nguồn cung phụ thuộc vào nước ngoài như vậy, thì các nhà máy lọc dầu trong nước có vai trò như thế nào trong việc bình ổn giá xăng dầu, bảo đảm nguồn cung trong nước. Bên cạnh Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Bộ trưởng có giải pháp nào căn cơ hơn để quản lý số lượng xăng dầu đưa ra thị trường trong nước, giá cả trên thị trường? Giải đáp nội dung này, ông Diên cho biết, vai trò của nhà máy lọc dầu trong nước hiện là một ẩn số trong phương trình giải bài toán nguồn cung trong nước.
“Việt Nam hiện có hai nhà máy lọc dầu lớn là Bình Sơn và Nghi Sơn. Nhà máy Bình Sơn hoạt động ổn định, công suất cung cấp 30-35% tổng lượng xăng dầu trong nước. Nghi Sơn là nhà máy liên doanh với đối tác nước ngoài hoạt động không hiệu quả, nên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, với tư cách là một bên trong liên doanh đang phối hợp với các cơ quan chức năng để đấu tranh, yêu cầu hai liên doanh còn lại thực hiện đúng cam kết cung ứng dầu ra thị trường trong nước...”, ông Diên cho hay.
Có đầy đủ cơ chế để điều hành bình ổn được giá xăng dầu
Giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, mặt hàng xăng dầu chưa tự chủ được, vẫn còn phụ thuộc vào nhập khẩu rất nhiều. Hiện chúng ta mới có 2 nhà máy là Bình Sơn, Dung Quất. Cả hai nhà máy đạt được khoảng 13 triệu tấn xăng dầu/năm, trong khi đó nhu cầu khoảng 20-21 triệu tấn xăng dầu/năm. Như vậy, khi xăng dầu thế giới tăng, thì xăng dầu trong nước cũng sẽ tăng. Nguồn dầu thô cho hai nhà máy này vẫn phải nhập khẩu. Tuy nhiên, dự trữ xăng dầu trong thời gian vừa qua về cơ bản là đáp ứng được yêu cầu.
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, khai thác dầu thô của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu. Ảnh: Quốc hội |
Phó Thủ tướng nêu 2 nhóm giải pháp: Về giải pháp trước mắt, Chính phủ đã họp trực tiếp để điều chỉnh và điều hành 3 lĩnh vực sản xuất, nhập khẩu và khâu phân phối. Cụ thể, về sản xuất, nhà máy Bình Sơn, Dung Quất đã tăng sản xuất lên khoảng 105% và nhà máy Nghi Sơn đã có cam kết để phục hồi trả nợ. Về nhập khẩu, Bộ Công thương đã có văn bản phân công cho các ngành, nhà phân phối để tăng nhập khẩu... Chính phủ đã giao cho thanh tra các cơ quan vào cuộc, làm rõ dự trữ có đảm bảo đúng các quy định mà trong nghị định của Chính phủ đã ban hành hay không? Việc một số cửa hàng đóng cửa như vậy phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý nghiêm minh.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, sản xuất của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bị ảnh hưởng ở giai đoạn tháng 2/2022, nhưng nguyên nhân dẫn tới một số cửa hàng đóng cửa là do các kênh phân phối và điều phối giữa các kênh phân phối chưa làm tốt... |
Về giải pháp về điều hành giá, cũng theo Phó Thủ tướng, trước hết, giảm phí thuộc thẩm quyền của Chính phủ, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Trong trường hợp giá xăng dầu còn tiếp tục tăng, thì chúng ta có các cơ chế, chính sách hỗ trợ các đối tượng để bảo đảm sao cho sản xuất ổn định, giá thành ổn định...
Về giải pháp dài hơi, ông Lê Văn Thành cho biết, tăng thêm khoan dầu, khai thác dầu thô. Hiện chúng ta mới đáp ứng được khoảng 50% dầu thô phục vụ cho sản xuất xăng dầu và vẫn còn một số các bất cập trong điều hành về hợp đồng khoan thăm dò. Tới đây sẽ điều chỉnh cơ chế, chính sách để khi khoan được dầu thì phục vụ cho sản xuất, chứ không xuất khẩu. Chúng ta có đầy đủ cơ chế, chính sách để điều hành bình ổn được giá xăng dầu trong giai đoạn tới đây. Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định rằng đây là cơ chế thị trường, nên giá của thế giới tăng, thì giá trong nước cũng tăng, nhưng tăng đến chừng mực nào cho phù hợp mà chúng ta kiểm soát được lạm phát thì sẽ điều hành theo hướng này...
Phát biểu kết luận nội dung phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương, các bộ, ngành liên quan quan tâm chỉ đạo để tạo sự chuyển biến cụ thể, rõ nét trong thực tế. Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện…/.
Bình luận