Trăn trở với “sức khỏe” doanh nghiệp suy giảm
Cần giải cơn “đói vốn” cho doanh nghiệp
“Từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 3 đợt giảm lãi suất điều hành. Đây được xem là sự nỗ lực rất lớn của NHNN, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay…”, Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang (Sóc Trăng) nhìn nhận, khi Quốc hội tiến hành thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, diễn ra sáng nay, ngày 31/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Theo Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang (Sóc Trăng), hiện nay doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay |
Trước thực trạng trên, bà Vang đề nghị NHNN cần có phương thức điều hành linh hoạt, đó là giao tổng room từ đầu năm và điều hành trên cơ sở kế hoạch được lập ra bởi sự thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng, tránh tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc là bị siết lại một cách đột ngột.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lắng nghe trăn trở của các đại biểu Quốc hội về "sức khỏe” của nền kinh tế, cũng như doanh nghiệp trong phiên họp Quốc hội sáng nay (ngày 31/5) |
Bà Vang còn đề xuất, NHNN cần xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, NHNN cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn…
Doanh nghiệp cần cả chính sách tài khóa “tiếp sức” thêm
Cùng với sự vào cuộc của chính sách tiền tệ, theo các đại biểu Quốc hội, cần có sự tham gia mạnh hơn của chính sách tài khóa trong nỗ lực “tiếp sức” cho doanh nghiệp. Theo Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và doanh nghiệp dễ hấp thụ nhất trong lúc này chính là dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp như: giảm tiền thuê đất; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm, giãn, miễn lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội...
Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy cho rằng, biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và doanh nghiệp dễ hấp thụ nhất trong lúc này chính là dùng công cụ tài khóa |
Cùng góc nhìn trên, đồng tình với tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, bà Tô Ái Vang đưa ra đề xuất mạnh, đó là đề nghị Quốc hội xem xét giảm mức thuế giá trị gia tăng xuống từ 3 đến 4%, vì nếu chỉ giảm 2% chưa phải là mức tốt cho nền kinh tế.
Bà phân tích, trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh bằng cách giảm thuế, để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư, chúng ta nên xem xét giảm thuế giá trị gia tăng ở mức cao hơn để khuyến khích tiêu dùng, tăng sức mua. Từ đó doanh nghiệp có thể tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn, giải phóng được lượng hàng tồn kho, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần vực dậy doanh nghiệp. Kiến nghị Quốc hội xem xét áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng kéo dài đến hết năm 2024 giúp cho chính sách này mang tính bền vững, lâu dài.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lắng nghe các đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay |
“Đề nghị Chính phủ huy động các kênh thông tin, làm tốt công tác truyền thông để người tiêu dùng biết và đón nhận, bởi việc giảm thuế giá trị gia tăng, người tiêu dùng có thể thấy rõ nhất ở siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi...”, bà Tô Ái Vang đề xuất.
Ở một góc nhìn có liên quan đến "tiếp sức" cho doanh nghiệp, theo Đại biểu Quốc hội Đặng Xuân Phương (Nghệ An), trên cơ sở dự báo kinh tế cần có khuyến cáo để các doanh nghiệp và hộ gia đình chủ động hạn chế đầu tư, mở rộng năng lực sản xuất; cần tổ chức lại sản xuất theo hướng sử dụng lao động luân phiên, hạn chế việc sa thải đột ngột gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người lao động; xây dựng hệ thống chỉ tiêu cảnh báo đối với các ngành nghề dư thừa năng lực có nguy cơ suy thoái trong dài hạn./.
Bình luận