Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 12

Trên cơ sở Phương hướng và quy trình công tác nhân sự, kết quả giới thiệu nhân sự qua hai vòng, Trung ương đã thảo luận dân chủ, xem xét khách quan, công tâm, toàn diện về dự kiến Danh sách nhân sự mới lần đầu được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XII và các phương án lựa chọn; đồng thời phân tích, đánh giá, góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, bổ sung vào các báo cáo và phương án nhân sự.

Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương cơ bản tán thành với Báo cáo của Bộ Chính trị và thảo luận, đề xuất nhiều ý kiến về tiêu chí xem xét trường hợp "đặc biệt" đối với Ủy viên Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XI tái cử khoá XII, tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội); về các phương án lựa chọn các chức danh lãnh đạo chủ chốt.

“Trung ương nhất trí cho rằng, việc thảo luận và thống nhất cao về vấn đề này là cơ sở rất quan trọng để Trung ương bàn và quyết định nhân sự cụ thể”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng cho biết.

Theo Chương trình làm việc của Hội nghị, Trung ương đã bỏ phiếu biểu quyết lần thứ nhất Danh sách nhân sự mới lần đầu được dự kiến giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XII (cả Ủy viên Trung ương chính thức và dự khuyết); Trung ương ghi phiếu đề xuất danh sách các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khoá XI đủ tiêu chuẩn, điều kiện tái cử Ban Chấp hành Trung ương khoá XII và ghi phiếu đề xuất, giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XII.

“Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự căn cứ Nghị quyết của Hội nghị, Báo cáo giải trình, tiếp thu của Bộ Chính trị và các ý kiến đóng góp của Trung ương, tiếp tục xem xét, rà soát thật kỹ, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án nhân sự theo đúng quy trình công tác nhân sự đã đề ra để báo cáo Trung ương xem xét, quyết định tại các Hội nghị Trung ương tiếp theo”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết.

Để bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra, ngày bầu cử thực sự trở thành ngày hội của toàn dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, cần phát huy cao độ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; sự hưởng ứng, tích cực tham gia, phát huy đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân của cử tri cả nước.

“Phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu ra những đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đúng tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu là ưu tiên hàng đầu, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Phấn đấu bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội và đạt tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách theo đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh, trong quá trình chuẩn bị và tiến hành bầu cử, phải quán triệt thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng về bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; gắn kết quả nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Tiêu chuẩn người ứng cử, đề cử bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải căn cứ vào tiêu chuẩn được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và tiêu chuẩn cán bộ được quy định trong Chiến lược công tác cán bộ của Đảng. Ngoài những tiêu chuẩn chung, người ứng cử làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách còn phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, lĩnh vực chuyên môn, vị trí công tác và độ tuổi theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức. Riêng đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, cần đáp ứng yêu cầu cao về phẩm chất chính trị, nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng; am hiểu pháp luật và có năng lực xây dựng pháp luật; có trình độ chuyên môn sâu và kiến thức thực tiễn.

“Đối với các trường hợp tự ứng cử, cũng phải có quy trình thật chặt chẽ, đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Quy định rõ việc gì được làm, việc gì không được làm trong vận động bầu cử; tránh tình trạng "vận động" không lành mạnh”, Tổng Bí thư chỉ rõ./.