Triển khai quyết liệt giải pháp chống hạn, mặn ở ĐBSCL
Hạn mặn tiếp tục tăng cao trong tháng 5
Từ cuối năm 2014 đến nay, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino mạnh, kéo dài, tình hình thời tiết, thiên tai trên phạm vi cả nước nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng diễn biến bất thường, cực đoan. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2016, đã xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn sâu, kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của người dân tại Đồng bằng sông Cửu Long –vùng trọng điểm kinh tế nông nghiệp của cả nước.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập tại Đồng bằng sông Cửu Long đến thời điểm này đã gây thiệt hại trên 200.000 ha lúa và 2.000 ha tôm nuôi quảng canh bị thiệt hại; đồng thời, gây ảnh hưởng đến 9.400 ha cây ăn quả và 258 nghìn cây giống bị chết. Gần 226 nghìn hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt, nhiều trường học, trạm xá, cơ sở sản xuất bị thiếu nước ngọt…
Mặc dù, đã có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống, khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn biến hết sức phức tạp và gay gắt, theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam dự báo, độ mặn tại các cửa sông vùng ĐBSCL tiếp tục tăng cao trong tháng 5/2016, một số vùng xuất hiện độ mặn lớn nhất trong mùa khô.
Cụ thể, dự báo trên sông Vàm Cỏ Đông tại huyện Bến Lức (Long An) sẽ khó có nước ngọt cho đến hết tháng 5, trong khi đó, độ mặn lớn nhất trong mùa khô của vùng Biển Tây trên sông Cái Lớn, Cái Bé và ven biển có khả năng xuất hiện vào đầu tháng 5.
Còn trên sông Vàm Cỏ Tây, đến ngày 12/5, mặn có thể tăng dần trở lại và có khả năng kéo dài đến đến cuối tháng 5. Sau đó, nước ngọt có khả năng sẽ xuất hiện trở lại tại các vùng cửa sông Cửu Long, phạm vi cách biển từ 25 km-40 km, tuy nhiên với lượng ít hơn so với tháng 4.
Đồng bằng sông Cửu Long trước thiên tai hạn, mặn
Chủ động triển khai các biện pháp ứng phó
Để chủ động các biện pháp ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn diễn biến hết sức phức tạp và gay gắt, nhất là thời gian đầu tháng 5/2016, tại Hội nghị giao ban về công tác ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức ngày 28/4, tại Sóc Trăng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành phải tiếp tục theo dõi sát diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn, chủ động chỉ đạo và phối hợp với các địa phương triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn; tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương vào cuộc, đặc biệt là vai trò của người dân trong ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan phải đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân; tiếp tục rà soát, hỗ trợ kịp thời các hộ khó khăn, hộ gia đình chính sách về nguồn nước sinh hoạt để người dân có cuộc sống ổn định, không để người dân bị đói, thiếu nước sinh hoạt; tiếp tục chỉ đạo vận hành các công trình để lấy nước, tích trữ nước ngọt vào hệ thống kênh rạch, hồ ao, vùng trũng; tăng cường liên kết vùng để huy động, khai thác các nguồn lực hiệu quả nhất cho ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phải sớm cập nhật, bổ sung kịch bản về biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam đến cấp xã, làm cơ sở để tổ chức lập, điều chỉnh các quy hoạch; tăng cường năng lực giám sát, dự báo khí tượng thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn để thông tin kịp thời, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan; tiếp tục hoàn chỉnh bản đồ phân bổ nguồn nước mặt, nước dưới đất làm cơ sở để các địa phương, doanh nghiệp, người dân đầu tư khai thác đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành trung ương cần tập trung xây dựng, rà soát điều chỉnh các quy hoạch trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, trong đó có quy hoạch tổng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch phát triển nông nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch giao thông vùng, cấp nước vùng, quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển đô thị, đặc biệt là quy hoạch trữ nước ngọt để phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô phù hợp với phát triển sản xuất, trên cơ sở đó điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tập trung điều chỉnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, chủ động thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, các bộ, cơ quan liên quan cần rà soát, nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích người dân áp dụng các công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm nước để giảm đầu tư, đồng thời có các biện pháp hành chính, kinh tế nhằm nâng cao ý thức của doanh nghiệp, tổ chức, người dân trong sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước.
Các địa phương tăng cường quản lý khai thác cát trên sông và vùng ven biển; chủ động bảo vệ diện tích rừng hiện có, đẩy mạnh khôi phục, phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển, góp phần phòng chống sạt lở, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững cho người dân.../.
Bình luận