Từ năm 2000 đến nay, mới bán khoảng 5% vốn nhà nước
Báo cáo tại Quốc hội ngày 17/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đến nay, cơ bản đã đồng bộ cơ chế chính sách về quản lý doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Kế hoạch 2011-2015 đặt ra mục tiêu cổ phần hóa 538 doanh nghiệp, riêng giai đoạn năm 2014-2016 là 432 doanh nghiệp.
Cụ thể, năm 2011-2013, cổ phần hóa 106 doanh nghiệp. Năm 2014, thực hiện cổ phần hóa 143 doanh nghiệp. Năm 2015, tính đến ngày 10/11 được 159 doanh nghiệp.
Như vậy, từ giai đoạn năm 2011 đến 10/11/2015, đã thực hiện cổ phần hóa được 408-538 doanh nghiệp, đạt 76% kế hoạch của cả giai đoạn.
“Dự kiến hết năm 2015, chúng ta sẽ thực hiện được 210 doanh nghiệp. Như vậy, số doanh nghiệp cổ phần hóa của cả giai đoạn sẽ lên 459 doanh nghiệp, đạt khoảng 90% kế hoạch của cả giai đoạn 2011-2015”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, giá trị phần vốn nhà nước đã bán thông qua cổ phần hóa của giai đoạn 2011-2015 là 27.000 tỷ đồng. Thu về 35.169 tỷ đồng, tăng lên 8.016 tỷ đồng.
“Tổng kết sơ bộ cả giai đoạn từ 2000 đến nay, chúng ta mới bán khoảng 5%, tức là khoảng 55-57 nghìn tỷ đồng. Như vậy, chúng ta vẫn còn rất nhiều vốn, cỡ 1,2-1,3 triệu tỷ đồng”, Bộ trưởng Dũng cho hay.
Theo Bộ trưởng Dũng, trong bối cảnh thị trường tài chính chưa phát triển, việc bán cổ phần không cẩn thận dễ bị gây thiệt hại cho Nhà nước.
“Trong vấn đề này chúng tôi cùng các ngành vừa qua phối hợp rất chặt chẽ, tháo gỡ khó khăn đồng thời nhiều giải pháp để thúc đẩy thị trường chứng khoán. Kể cả kiến nghị với Chính phủ ban hành Nghị định 60, sửa Nghị định 58, mở room cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cũng phải từng bước. Chúng ta rất sốt ruột, nhưng không nóng vội, rất phải có trật tự, đảm bảo nguyên tắc để làm sao đạt hiệu quả cao nhất”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề xuất.
Để đẩy nhanh tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, theo người đứng đầu Bộ Tài chính, vấn đề hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách liên quan đến cổ phần hóa cần phải được tập trung thực hiện.
Cụ thể là phải rà soát lại, phân loại lại doanh nghiệp, Quyết định 37 của Thủ tướng.
Bên cạnh đó, phải nghiên cứu rà soát lại Nghị định 99 để tiếp tục hoàn chỉnh bổ sung chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành cơ quan, các tổng công ty, các địa phương. Theo đó, phân công, phân cấp, phân quyền cho các bộ ngành địa phương, các tập đoàn kinh tế của tổng công ty nhà nước trong vấn đề chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Tăng cường kiểm tra giám sát, cổ phần hóa và thoái vốn, đảm bảo tiến độ và hiệu quả.
“Phải thực hiện đồng bộ vấn đề tái cơ cấu lại thị trường tài chính để góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và trong đó có tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề xuất trước Quốc hội./.
Bình luận