Điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp BHXH, ưu đãi người có công

Theo đó, dự kiến trong năm 2017, tổng số thu cân đối NSNN là 1,21 triệu tỷ đồng và tổng số chi cân đối NSNN là 1,39 triệu tỷ đồng. Mức bội chi NSNN ở mức 178.300 tỷ đồng tương đương 3,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm bội chi ngân sách trung ương là 172.300 tỷ đồng, tương đương 3,38%GDP và bội chi ngân sách địa phương là 6.000 tỷ đồng, tương đương 0,12%GDP. Tổng mức vay của NSNN trong năm tới, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của NSNN là 340.157 tỷ đồng.

Với Nghị quyết được thông qua, Quốc hội yêu cầu trong năm tới sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở hiện tại từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 01/07/2017.

Từ ngày 01/07/2017 lương cơ sở tăng lên 1,3 triệu đồng/tháng (Ảnh minh họa: KT)

Ngân sách trung ương đảm bảo kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo) và trợ cấp ưu đãi người có công; hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương ngân sách khó khăn không cân đối được nguồn theo quy định của Chính phủ. Theo đó, Nghị quyết cũng nêu sẽ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, và thực hiện cùng thời điểm 01/07/2017.

Thắt chặt các khoản chi thường xuyên

Cũng theo nội dung nêu tại Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ kết hợp đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, một trong những nội dung quan trọng mà nghị quyết giao cho Chính phủ nêu rõ Quốc hội giao Chính phủ điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao. Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương; giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; khuyến khích mở rộng việc thực hiện khoán xe công đảm bảo hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm.

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2017

1. Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.212.180 tỷ đồng

2. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.390.480 tỷ đồng

3. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 178.300 tỷ đồng, tương đương 3,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP)

4. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước là 340.157 tỷ đồng

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý chi ngân sách nhà nước. Chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm. Quản lý chặt chẽ và hạn chế tối đa việc ứng trước dự toán ngân sách nhà nước và chi chuyển nguồn sang năm sau. Không chuyển vốn vay, bảo lãnh chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước. Đặc biệt, Chính phủ phải kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước; trong điều hành cần có biện pháp tích cực để giảm bội chi.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là đối với các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ. Bảo đảm dư nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn quy định.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đẩy nhanh việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công gắn với lộ trình thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công. giảm mức hỗ trợ trực tiếp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, dành nguồn để tăng chi hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách, tạo nguồn cải cách tiền lương và hỗ trợ mua sắm sửa chữa để nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.

Thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý giá theo hướng sát với giá thị trường, bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác.

Sẽ điều tiết một số nguồn thu về ngân sách trung ương

Dự kiến, từ năm 2017, nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô, phí đảm bảo hàng hải (sau khi trừ chi phí tổ chức thu) được phản ánh trong thu cân đối ngân sách Nhà nước, sử dụng để duy tu bảo trì đường bộ và đảm bảo an toàn hàng hải.

Bên cạnh đó, cũng bắt đầu từ năm tới sẽ điều tiết 100% số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm xăng của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn về ngân sách trung ương. Từ năm 2018, khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định, sẽ xác định lại cơ chế theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, năm 2017, sẽ phát hành 50.000 tỷ đồng trái phiế chính phủ để đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng, cấp bách trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Thêm vào đó, nghị quyết cũng nêu rõ, từ năm 2017, Chính phủ chỉ đạo các địa phương có trách nhiệm chủ động bố trí chi trả nợ lãi và nợ gốc theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước./.