Tỷ trọng cá nhân tự đầu tư chứng khoán: Việt Nam khác quốc tế rất nhiều!
Tổng giám đốc SSIAM tin rằng, trong tương lai, các nhà đầu tư tổ chức và các quỹ đầu tư sẽ chiếm phần lớn hoạt động đầu tư chứng khoán tại Việt Nam |
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nhà đầu tư cá nhân chiếm phần đông trong thanh khoản trên TTCK Việt Nam có phải là một trong căn nguyên khiến thị trường biến động mạnh?, bà Lê Lệ Hằng, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) cho biết: "Đúng là như vậy". Số liệu SSIAM ghi nhận được cho thấy, tại TTCK Việt Nam, khoảng hơn 80% thanh khoản thị trường đến từ giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân. Trong đó, đáng lưu ý là sự quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân vào nhóm cổ phiếu có vốn hóa nhỏ, có biến động giá cao, mang tính chất speculative (đầu cơ) với mức độ rủi ro lớn.
Theo Tổng giám đốc SSIAM, thực tế trên không có gì quá ngạc nhiên, vì thị trường chứng khoán thật ra vẫn còn rất mới mẻ khiến nhiều nhà đầu tư phấn khích, đặc biệt là trong môi trường 2 năm qua khi nhà đầu tư có thể nhìn thấy sự tăng trưởng tốt của lợi nhuận đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cá nhân cần quan tâm hơn đến kĩ năng quản trị rủi ro và các phương thức đầu tư giá trị với tầm nhìn dài hạn trong điều kiện thị trường nhiều biến động.
Hiện tượng nhà đầu tư cá nhân tự quản lý tài sản đầu tư thường được nhìn thấy ở các thị trường mới nổi chưa có nhiều định chế, trung gian tài chính và sản phẩm đầu tư có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Thêm vào đó, yếu tố thị trường tốt cũng thường tạo ra khuynh hướng tự tin vào kĩ năng đầu tư, mặc dù sự thật là nhiều nhà đầu tư cá nhân không dành nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu tìm hiểu một cách kĩ lưỡng cho danh mục đầu tư của mình.
Kinh nghiệm các thị trường lâu đời cho thấy, xu thế nhà đầu tư cá nhân tự đầu tư sẽ thay đổi dần theo thời gian. Theo Goldman Sachs Global Investment Research, tại Trung Quốc, nếu như những năm đầu thập kỉ 2010s, khoảng 60% giá trị tài sản trên thị trường chứng khoán đại lục được nắm giữ bởi các nhà đầu tư cá nhân, thì năm 2020 đã giảm xuống chỉ còn 42% và dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống còn 30% vào năm 2030. Tỷ trong này ở thị trường chứng khoán Đài Loan và Hàn Quốc lần lượt là 35% (2018) và 38% (2013), hay thậm chí còn thấp hơn nữa, như ở Nhật Bản chỉ có 17% (2018) và Hong Kong chỉ có 14% (2019).
Ở Hoa Kỳ, vào những năm 1950, tài sản cổ phiếu tự quản lý bởi các nhà đầu tư cá nhân lên đến hơn 55% tổng gia sản, nhưng đến 2020, con số này chỉ còn là 11%. Đặc biệt là 65% tài sản đầu tư tài chính của mỗi gia đình Hoa Kỳ được phân bổ vào các quỹ hưu trí, quỹ mở và quỹ bảo hiểm, được quản lý chuyên nghiệp bởi các định chế và trung gian tài chính.
Các nhà đầu tư tổ chức và các quỹ đầu tư chiếm phần lớn hoạt động đầu tư chứng khoán ở các thị trường phát triển và Tổng giám đốc SSIAM tin rằng, Việt Nam cũng sẽ không phải là ngoại lệ. Theo nghiên cứu từ Goldman Sachs Global Investment Research, các quỹ mở, quỹ đầu tư PE và các dịch vụ quản lý gia sản tại Trung Quốc dự kiến có mức tăng trưởng thị phần 14% mỗi năm trong vòng 5 năm tới khi các nhà đầu tư cá nhân tiếp tục xu thế sử dụng các dịch vụ đầu tư chuyên nghiệp, với tổng doanh thu dự kiến năm 2025 cho các dịch vu đầu tư và quản lý gia sản lên đến 58 tỉ đô la.
Với quy mô thị trường ngày càng lớn và có nhiều loại tài sản chứng khoán, việc tạo ra lợi nhuận đầu tư tốt sẽ ngày càng khó đối với các nhà đầu tư không chuyên, ít kinh nghiệm, ít thông tin, công cụ và khả năng phân tích. Do đó, điều chắc chắn là, các tổ chức trung gian tài chính đang cung cấp những dịch vụ đầu tư uy tín, bài bản sẽ phát triển cùng sự phát triển của thị trường chứng khoán và thị trường vốn nói chung.
Tại Việt Nam, 2 năm qua thị trường đã chứng kiến sự ra đời của nhiều quỹ nội và số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường quỹ tuy tăng mạnh, nhưng số lượng các sản phẩm quỹ vẫn còn ít so với các thị trường quốc tế và khu vực. Tổng tài sản quản lý của ngành quỹ Việt Nam mới chỉ hơn 5% tổng giá trị vốn hóa thị trường. Mặc dù số lượng quỹ khá nhiều, nhưng thực tế số lượng quỹ có quy mô lớn mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, do những hạn chế nhất định về hệ thống phân phối của Việt Nam và khả năng tiếp cận đến các nhà đầu tư. Lãnh đạo SSIAM hi vọng, trong thời gian tới, các ngân hàng thương mại sẽ chính thức được cấp giấy phép phân phối chứng chỉ quỹ để Việt Nam có hệ thống phân phối mạnh như các quốc gia khác.
Tổng tài sản các quỹ quản lý trên tổng vốn hóa TTCK Việt Nam 2015-2021
Nguồn: SSIAM |
Tổ chức tài chính trung gian là 1 trong 4 chủ thể chính trong cấu trúc của một TTCK (nhà phát hành, nhà đầu tư, nhà quản lý và các tổ chức trung gian). Từ kinh nghiệm của các nền kinh tế lớn cho thấy, sự phát triển của thị trường vốn đi kèm theo sự phát triển của các trung gian đầu tư tài chính là sự chuyển động tích cực, giúp môi trường đầu tư tài chính thêm phần chuyên nghiệp. Các tổ chức trung gian đang và sẽ hỗ trợ nhà đầu tư cá nhân sinh lời đồng vốn an toàn hơn, bền vững hơn, đồng thời sẽ giúp việc phân bổ nguồn vốn một cách hiệu quả cho các doanh nghiệp để phát triển, qua đó tạo ra giá trị thặng dư cho nền kinh tế. Trong xu hướng này, theo Tổng giám đốc SSIAM, không riêng SSIAM mà các công ty quản lý quỹ nói chung đều cần luôn cố gắng để đảm bảo hiệu quả đầu tư lâu dài và quản trị rủi ro cho các khách hàng một cách tốt nhất, tạo niềm tin dài hạn và góp sức làm thay đổi tỷ trọng cá nhân tự đầu tư đang quá lớn trên TTCK Việt Nam hiện nay./.
Bình luận