Úc và Nhóm Ngân hàng Thế giới hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu tác động từ COVID-19
Khoản hỗ trợ bổ sung này sẽ góp phần giải quyết những thách thức trước mắt và các nhu cầu quan trọng của Việt Nam trong giai đoạn hậu COVID-19
Đây là khoản tài chính từ Chính phủ Úc, được Nhóm Ngân hàng Thế giới quản lý và bổ sung cho Chương trình Hợp tác Chiến lược Chính phủ Úc – Nhóm Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2 (ABP2) nhằm hỗ trợ chương trình phát triển của Việt Nam thông qua chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn chính sách.
Được ký kết từ tháng 4/2017, Chương trình ABP2 có mục tiêu hỗ trợ các chương trình cải cách trọng tâm của Việt Nam, với mong muốn tạo ra ảnh hưởng tích cực cho hàng triệu người dân Việt Nam và hỗ trợ quốc gia này đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. |
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: “Khoản hỗ trợ bổ sung này sẽ góp phần giải quyết những thách thức trước mắt và các nhu cầu quan trọng của Việt Nam trong giai đoạn hậu COVID-19”.
“Thông qua hỗ trợ cho các lĩnh vực quan trọng như phát triển kinh tế tư nhân, hội nhập thương mại, đổi mới sáng tạo, chương trình đặt mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam khôi phục tiềm năng của mình theo cách thức nhanh chóng và bền vững nhất”, ông Ousmane Dione bày tỏ.
“Việt Nam có thể tự hào về những thành tích đã đạt được trong khống chế đại dịch COVID-19. Thách thức tới đây của Việt Nam, cũng như của Úc, là lan tỏa thành công từ lĩnh vực y tế sang lĩnh vực kinh tế”, bà Robyn Mudie, Đại sứ Úc tại Việt Nam phát biểu và khẳng định: “Tôi rất tự hào về vai trò của Chương trình hợp tác chiến lược giữa Úc và Ngân hàng Thế giới trong việc phục hồi kinh tế Việt Nam. Chương trình này sẽ tiếp tục cung cấp tư vấn và phân tích chính sách kinh tế tầm cỡ quốc tế cho các nhà lãnh đạo và hoạch đính chính sách Việt Nam để đẩy nhanh tiến trình hồi phục nền kinh tế, trong đó đẩy mạnh tập trung vào vấn đề bình đẳng giới và bảo trợ xã hội”.
Chính phủ Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh COVID-19 một cách hiệu quả, thể hiện ở số lượng ca nhiễm thấp và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Tuy nhiên, đại dịch đã ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng kháng cự của Việt Nam trước các cú sốc bên ngoài, với tăng trưởng kinh tế quý I chỉ đạt 3,8% so với dự báo 6,5% trước khi diễn ra đại dịch. Nhằm giảm thiểu tác động kinh tế xã hội của đại dịch COVID-19, chính phủ Việt Nam cần xác định các lĩnh vực và hoạt động tạo việc làm, thúc đẩy năng suất và tăng trưởng dài hạn như cơ sở hạ tầng, đổi mới sáng tạo, bảo trợ xã hội, y tế, giáo dục.
Để giải quyết tình trạng thâm hụt vốn nhân lực cho đại dịch COVID-19, khoản vốn bổ sung này sẽ giúp bảo vệ và hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, thông qua cải thiện an sinh xã hội bằng cách nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí trong chi trả trợ cấp xã hội, thu hẹp khoảng cách vốn nhân lực, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua chương trình mục tiêu quốc gia dành cho đồng bào dân tộc thiểu số được thiết kế hiệu quả và cải thiện bình đẳng giới trong các quy định pháp luật.
Khoản vốn bổ sung cũng sẽ nhắm tới các hoạt động phục hồi kinh tế, bao gồm đẩy nhanh các khoản đầu tư nhằm đẩy mạnh hội nhập thương mại, hỗ trợ khu vực tư nhân nâng cao khả năng kháng cự trước các cú sốc trong tương lai thông qua cải cách cơ cấu, và tận dụng kỹ thuật số nhằm giảm chi phí giao dịch cho chính phủ, người dân và doanh nghiệp.
Hoạt động trên là một phần của cam kết 10,5 triệu Đô la Úc từ Chính phủ Úc cho nỗ lực phục hồi sau COVID-19 của Việt Nam, đã được Đại sứ Úc Robyn Mudie thảo luận với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ông Nguyễn Chí Dũng vào ngày 5/6/2020./.
Bình luận